3 điều cản trở bạn chia sẻ Đức Tin nơi công sở

0
1321

Cũng tùy vào môi trường làm việc và nhận thức của bạn, nhưng để có những hội thoại mang tính đức tin nơi công sở quả thật là một thách đố lớn. Với văn hóa ngày nay thì việc chúng ta bỏ lại những điều như đức tin ở nhà và chỉ tập trung vào công việc đang làm thì dễ được chấp nhận hơn. Với kinh nghiệm của mình thì tôi thấy dường như có ba lý do tại sao người ta đánh mất cơ hội để nói về đức tin của mình một cách công khai.

Một lý do là nỗi lo sợ. Chúng ta thường hay lý luận đại loại thế này, “Tôi không biết làm thế nào để bắt đầu những chia sẻ về đức tin và nếu mọi người hỏi những câu hỏi mà tôi không thể trả lời thì sao?” Cũng có những lý luận nghe có vẻ như, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi khiến ai đó khó chịu, hay lỡ mọi người đánh giá tôi qua những gì tôi nói thì sao?” Dù có lý luận kiểu nào đi chăng nữa, thì nỗi lo sợ về những gì có thể xảy ra thường ngăn cản người ta mạnh dạn chia sẻ về đức tin của mình. Nỗi lo sợ có thể khiến cho người ta nhu nhược vì nó dựng nên một cảnh tượng mà thường là tình huống tệ nhất. Vì lý do nào đó mà chúng ta liên tưởng đến những phản ứng tiêu cực hoặc những hậu quả nhục nhã. Sự thường thì tương lai tồi tệ mà chúng ta hình dung là do một trải nghiệm trong quá khứ, nhưng thật khó hiểu làm sao chúng ta lại mặc định là điều tồi tệ đó sẽ lặp lại? Nỗi lo sợ thì có tác động ghê gớm nhưng việc dám hành động dù đối diện với nỗi lo sợ thì sẽ đem lại tác động cực lớn! Nỗi lo sợ là một trong những thứ mà nếu chúng ta hành động chống lại nó càng nhiều thì nó sẽ không còn trói buộc chúng ta được nữa.

Qua nhiều năm, tôi đã chứng kiến nhiều bạn bè là Kitô hữu mà ngại chia sẻ đức tin của mình đã dần dần chiến thắng nỗi lo sợ bằng những nỗ lực nhỏ trước bất cứ điều gì giam hãm họ. Trong một vài trường hợp, họ chỉ có một phát biểu ngắn gọn về đức tin trong cuộc hội thoại với một đồng nghiệp. Họ chẳng giảng thuyết cao siêu về một khái niệm truyền giáo nào, họ chỉ nhẹ nhàng khích lệ ai đó bằng những từ trong Kinh Thánh. Những cố gắng nhỏ nhoi sẽ dẫn đến những nỗ lực lớn hơn, cứ thế mà họ không còn bị nỗi lo sơ chế ngự nữa.

Một lý do khác ngăn cản chúng ta chia sẻ về đức tin là sự nghi ngờ – chúng ta không nghĩ là điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt. Thường thì sự nghi ngờ đó là hậu quả của việc chúng ta chưa bao giờ thấy tầm ảnh hưởng của những nỗ lực của chúng ta. Có thể trước đây bạn cũng đã thử một cách hời hợt những cuộc trò chuyện dựa trên nền tảng đức tin và chẳng thấy tác động gì thật sự. Tuy nhiên, Chúa nhắc chúng ta trong Isaia 55:8, “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.” Chẳng ai trong chúng ta thấy được công việc Chúa đang làm phía sau hoàn cảnh sống của con người.

Tôi nhớ có lần một người bạn mời tôi uống cà phê để chia sẻ về điều Thiên Chúa làm trong cuộc sống của anh ấy. Trong cuộc nói chuyện, anh ấy nhắc tôi về điều mà tôi đã từng chia sẻ với anh ấy nhiều năm trước, về việc chúng ta xa rời Thiên Chúa cho đến khi chúng ta dâng trọng vẹn đời sống mình cho Chúa Giê-su. Anh ấy tiếp tục mô tả rằng những từ ngữ mà tôi sử dụng đã thu hút sự quan tâm của anh ấy ra sao và những từ ấy đã biến đổi cách anh nhìn nhận cuộc sống như thế nào. Thú thật, tôi thậm chí còn không nhớ cuộc hội thoại đó! Chẳng hiểu vì sao mà tôi không thể nhớ lại những chi tiết sống động mà người bạn nhắc nhớ. Đường lối của Chúa không phải là đường lối của tôi và tư tưởng của Ngài thì tất nhiên là rộng lớn hơn tư tưởng của tôi. Tôi nhận ra rằng có thể tôi không bao giờ biết được rằng những gì tôi chia sẻ với ai đó có tác động thế nào với họ, nhưng tôi xác tín là Thiên Chúa vẫn luôn lao tác trong cuộc sống của mọi người.

Lý do cuối cùng mà tôi phải vật lộn vất vả nhất là sự phân tâm. Trong đời sống bận rộn hàng ngày chúng ta thường hay quên mục đích đời mình – mục đích chia sẻ thông điệp của Chúa Giê-su trong mọi cơ hội có được. Những đòi hỏi của khách hàng khó tính, những người sếp luôn thúc ép và những đối đầu với đồng nghiệp có thể khiến bạn kiệt quệ. Hơn nữa, hàng đống email, tình trạng cuộc họp nối tiếp cuộc họp, áp lực phải đạt thành quả công việc, không chừa cho chúng ta chỗ để chia sẻ đức tin. Đã bao lần bạn đi làm, bắt tay vào công việc và rồi loáng một cái nhận ra là đã đến giờ về? Thời gian trong ngày trôi qua trước khi bạn nhận ra điều đó. Nhịp sống và công việc hối hả khiến cho tâm trí chúng ta bị lấp đầy và ngăn cản chúng ta hướng đến Thiên Chúa, Đấng đang đợi chúng ta mời Ngài vào mọi khía cạnh trong ngày sống. Chiến đấu chống lại sự phân tâm thì rất khó, nhưng khả thi.

Tôi đã từng thấy những người phụ thuộc hoàn toàn vào lịch làm việc, vì thế họ dành riêng khoảng thời gian cầu nguyện. Trong một số trường hợp khác thì nhiều người bạn hẹn ăn trưa với ai đó để họ chia sẻ đức tin, qua đó họ khích lệ nhau và nhắc nhở nhau về cùng đích đời sống. Họ giúp nhau bằng cách cam kết việc chia sẻ đức tin và tìm kiếm ai đó để cầu nguyện cho họ. Khi chúng ta chủ động đặt đức tin là ưu tiên cao nhất trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thì chúng ta bắt đầu phá tan sự phân tâm và mở ra những cơ hội để nói về đức tin của chúng ta trong phương cách làm vinh danh Chúa.

Cốt lõi của rào cản là chúng rất thách đố và có tính chiếm lĩnh. Thiên Chúa luôn là nguồn hỗ trợ sẵn có cho mọi điều chúng ta cần để mạnh dạn công bố thông điệp của Chúa Giê-su trong suốt các ngày làm việc từ thứ hai đến thứ sáu!

Gia Huan dịch
Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/blog/3-obstacles-sharing-your-faith-work