“Tôi nhận thấy rằng trong công việc,
con người chấp nhận mọi gian khổ
và vận dụng hết tài năng
chỉ vì muốn ganh đua với nhau.
Nhưng việc đó cũng chỉ là phù vân,
là công dã tràng xe cát”
(Gv 4, 4).
“Con người sống không có mục đích
tựa con tàu không bánh lái –
vất vưởng, không ra vật
cũng chẳng ra người”
(Thomas Carlyle).
Cuộc đời mỗi người được hướng định bởi một điều gì đó.
Phần lớn các từ điển định nghĩa động từ “drive” là “hướng dẫn, lái xe, kiểm soát hay định hướng”. Hoặc là bạn đang lái một chiếc xe, đóng một chiếc đinh hay đánh một trái banh golf, ấy là bạn đang hướng dẫn, kiểm soát và định hướng cho nó vào lúc đó. Vậy thì trong cuộc sống của bạn, động lực nào đang hướng định đời bạn?
Ngay lúc này, có lẽ bạn đang bị định hướng bởi một vấn đề, một sức ép hay một thời hạn nào đó. Có thể bạn đang bị định hướng bởi một ký ức đau xót, một nỗi sợ đang ám ảnh hay một niềm tin vô thức. Có thể có đến hàng trăm hoàn cảnh, giá trị và cảm xúc đang giằng co cuộc sống bạn. Ở đây, có năm điều thường gặp nhất:
Nhiều người bị hướng định bởi mặc cảm tội lỗi. Họ phí cả cuộc đời để chạy trốn những tiếc xót và che giấu những hổ thẹn. Những người thuộc nhóm này bị hành hạ bởi ký ức. Họ để quá khứ điều khiển tương lai. Một cách vô thức, họ thường trừng phạt chính mình bằng cách phá hỏng những thành công của riêng mình. Khi Cain phạm tội, tội của y đã lôi y ra khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa, và Thiên Chúa phán: “Ngươi phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4, 12). Điều đó mô tả – hầu hết con người thời nay – lang thang trong cuộc sống mà không có mục đích.
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ chính mình, nhưng chúng ta không phải là tù nhân của nó. Mục đích của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi quá khứ của bạn. Người biến một kẻ giết người có tên Môisen thành một nhà lãnh đạo, biến một kẻ hèn nhát có tên Giđêon thành một anh hùng dũng cảm, và Người cũng có thể làm bao điều kỳ diệu với những ngày còn lại của đời bạn. Thiên Chúa thành thạo trong việc cho con người làm lại một khởi đầu tươi mới. “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv 32, 1).
Nhiều người bị hướng định bởi oán hờn và giận dữ. Họ giữ chặt những thương tổn và không bao giờ vượt qua chúng. Thay vì làm nhẹ nỗi đau bằng việc tha thứ, họ cứ nhai đi nhai lại nó trong tâm hồn. Một số người thuộc loại này trở nên “câm nín” và sống trong uất ức đang khi những người khác thì “nổ tung” và trút xuống không thương xót trên người khác. Cả hai phản ứng này đều không lành mạnh và chẳng giúp ích gì.
Sự giận dữ luôn gây thương tích cho bạn hơn là cho người mà bạn oán hờn. Đang khi người xúc phạm bạn có lẽ đã quên điều ấy và sống nhởn nhơ đâu đó thì bạn lại tiếp tục ấp ủ nỗi đau và mải kéo dài quá khứ của mình.
Bạn hãy nghe: Những người gây thương tích cho bạn trong quá khứ không thể tiếp tục đả thương bạn ngay lúc này trừ phi bạn cứ ôm ấp nỗi đau qua sự giận dữ. Quá khứ của bạn là những gì đã qua!
Không gì thay đổi nó. Chính bạn đang tự gây thương tích cho mình với đắng cay. Để cứu lấy mình, bạn hãy học biết nó và để nó ra đi. “Quả vậy, nỗi sầu khổ làm người điên phải chết và giận hờn làm kẻ dại phải tiêu vong” (G 5, 2).
Nhiều người bị hướng định bởi sợ hãi. Những nỗi sợ hãi của họ có thể là hậu quả của một kinh nghiệm thương đau, những kỳ vọng phi thực, lớn lên trong một gia đình nghiêm khắc hoặc ngay cả do bẩm sinh di truyền. Bỏ qua nguyên nhân này, người bị sợ hãi hướng định thường đánh mất bao cơ hội quý báu bởi họ sợ thất bại. Thay vào đó, họ thoả hiệp với nó cách an toàn, tránh mạo hiểm và tìm cách giữ nguyên hiện trạng.
Sợ hãi chính là nhà tù tự tạo vốn không cho bạn trở nên con người Thiên Chúa muốn bạn trở thành. Bạn phải thoát khỏi nó bằng khí giới của đức tin và tình yêu. Kinh Thánh nói, “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4, 18).
Nhiều người bị hướng định bởi chủ nghĩa duy vật. Khát vọng chiếm hữu trở nên toàn bộ mục tiêu đời họ. Động lực này thôi thúc họ luôn muốn có nhiều hơn dựa trên quan niệm lệch lạc là có nhiều hơn sẽ hạnh phúc hơn, quan trọng hơn, an toàn hơn; nhưng cả ba ý tưởng ấy đều không đúng. Của cải chỉ mang lại một thứ hạnh phúc tạm bợ. Bởi lẽ, vật thì không thay đổi, và hiển nhiên, chúng ta sẽ chán ngấy để rồi mong muốn những mẫu mã mới hơn, lớn hơn và tốt hơn.
Cũng là lầm tưởng khi cho rằng nếu tôi có nhiều hơn tôi sẽ quan trọng hơn. Giá trị của bản thân và giá trị của tài sản không giống nhau. Giá trị của bạn không được xác định bởi những thứ quý giá bạn có và Thiên Chúa nói những thứ có giá nhất ở đời này không phải là vật chất! Một lầm tưởng phổ biến nhất về tiền bạc, là càng có nhiều, tôi càng được an toàn. Không phải thế. Tài sản có thể bị tiêu tan trong giây lát bởi bao yếu tố ngoài tầm tay bạn. An toàn đích thực chỉ có thể được tìm thấy ở nơi mà nó không bao giờ bị tước mất khỏi bạn – đó là mối tương giao giữa bạn với Thiên Chúa.
Nhiều người bị hướng định bởi nhu cầu được người khác chấp nhận. Họ để những hoài bão của mẹ cha, vợ chồng, thầy cô và bạn bè điều khiển đời họ. Nhiều người trưởng thành vẫn tìm kiếm sự tán thành của những người cha, người mẹ không mấy dễ chịu của họ. Số khác thì bị hướng định bởi áp lực của bạn bè, nên luôn lo lắng về những gì người khác có thể nghĩ về mình. Thật không may, những kẻ chạy theo đám đông thường đánh mất mình trong đó.
Tôi không biết tất cả mọi chìa khoá dẫn đến thành công, nhưng một trong những chìa khoá dẫn đến thất bại là tìm cách làm vui lòng mọi người. Bị điều khiển bởi ý kiến của người khác là dấu hiệu bảo đảm cho thấy bạn đang làm hỏng những mục đích của Thiên Chúa dành cho đời bạn.
Có thể còn có những động lực khác hướng định đời bạn, nhưng tất cả đều dẫn đến bế tắc: nội lực bị lãng phí, căng thẳng không cần thiết, và một cuộc sống không tràn đầy.
Thật đáng quý khi mỗi người biết được ý định của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình, điều ấy đáng quý hơn nhiều so với của cải, hư danh hay lạc thú. Không mục đích, cuộc sống chỉ là một chuyển động vô nghĩa, một hoạt động vô phương, một chuỗi sự kiện vô lý. Không mục đích, cuộc sống thật là vô tích sự, ti tiện và vô dụng.