Bài 12 – Trở Nên Những Người Bạn Nghĩa Thiết Với Thiên Chúa

0
2652

“Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta
còn thù nghịch với Thiên Chúa,
Thiên Chúa đã để cho Con của Ngài phải chết
mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài,
phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi,
hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy”
(Rm 5, 10).
Thiên Chúa muốn trở nên người bạn nghĩa thiết của bạn.
Tương giao của bạn với Thiên Chúa có nhiều khía cạnh khác nhau: Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và Tạo Thành, là Chúa và là Thầy, là Đấng Phán Xét, Đấng Giải Cứu, là Cha, là Đấng Cứu Độ và còn nhiều nữa. Nhưng sự thật đáng kinh ngạc nhất, là Thiên Chúa Tối Cao đó hằng ước ao trở nên người Bạn của bạn!

Tại Vườn Địa Đàng, chúng ta thấy tương giao lý tưởng của Thiên Chúa với con người: Ađam và Eva vui hưởng một tình bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa. Ở đó, không có nghi thức, tế tự hay tôn giáo – nhưng chỉ có mối quan hệ yêu thương đơn sơ giữa Thiên Chúa và những con người Ngài tạo dựng. Không bị ngăn cản bởi tội lỗi hay sợ hãi, Ađam và Eva hỷ hoan trong Chúa và Ngài hoan hỷ trong họ.

Chúng ta được tạo dựng để sống trong sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa, nhưng sau biến cố Sa Ngã, tương giao lý tưởng đó bị đánh mất. Chỉ một số ít ỏi trong thời Cựu Ước được ưu tiên có mối tương giao tình bạn với Ngài. Môisen và Abraham được gọi là “những người bạn của Thiên Chúa”, Đavít được gọi là “một người đẹp lòng Thiên Chúa”, và Gióp, Enoc, Noe đã có tình bạn nghĩa thiết với Ngài. Nhưng kính sợ mà không phải là tình bạn với Thiên Chúa thì rất phổ biến trong Cựu Ước.
Khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã thay đổi hoàn cảnh. Lúc Ngài trả giá cho tội lỗi chúng ta trên thập giá, bức màn trong đền thờ, vốn tượng trưng cho sự ngăn cách giữa chúngta với Thiên Chúa, bị xé làm đôi từ trên xuống dưới chứng tỏ rằng một lần nữa con người có thể trực tiếp đến với Thiên Chúa.

Khác với những tư tế thời Cựu Ước phải mất hàng giờ chuẩn bị để gặp Ngài, giờ đây chúng ta có thể gặp Ngài bất cứ lúc nào. Kinh Thánh nói, “Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5, 11).

Một tình bạn với Thiên Chúa chỉ có thể có do ân sủng của Ngài và hy tế của Đức Giêsu. “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án,thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (2Cr 5, 18a). Một thánh ca xưa viết, “Ôi, người bạn của chúng ta trong Đức Giêsu”, nhưng thực ra, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta vui hưởng tình bạn và tình thân với cả Ba Ngôi: Chúa Cha (1Ga 1, 3), Chúa Con (1Cr 1, 9) và Chúa Thánh Thần (2Cr 13, 14).

Đức Giêsu nói, “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Từ ngữ bạn hữu trong câu này không có nghĩa một quen biết tình cờ nhưng là mối thân tình tin cậy và gần gũi. Từ này cũng được dùng để nói đến người bạn tốt nhất của chàng rể trong tiệc cưới (Ga 3, 29) và là những cận thần tín cẩn của một vị vua. Trong triều đình, các gia nhân phải giữ khoảng cách với nhà vua, nhưng những cận thần tín cẩn được chia sẻ, tiếp xúc, trực tiếp gặp gỡ và trao đổi những thông tin kín mật.
Thật khó hiểu khi bảo Thiên Chúa muốn tôi trở thành bạn thân của Ngài, nhưng Kinh Thánh nói, “Đích thân Ta sẽ đi, và đích thân Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 34, 14).

Thiên Chúa mong mỏi chúng ta biết Ngài cách tâm giao. Thật vậy, Ngài hoạch định vũ trụ và dàn xếp lịch sử, kể cả những chi tiết cuộc đời mỗi người để chúng ta có thể trở nên những người bạn của Ngài. Kinh Thánh n ói, “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Ngài đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài, tuy rằng thực sự, Ngài không ở xa mỗi người chúng ta” (Cv 17, 26- 27).

Nhận biết và yêu mến Thiên Chúa là đặc ân cao cả nhất của chúng ta; và được nhận biết và được yêu mến là niềm vui lớn nhất của Ngài. Ngài nói, “Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta, vì Ta là Đức Chúa, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta yêu thích những điều này” (Gr 9, 23).

Thật khó tưởng tượng làm sao có thể có một tình bạn nghĩa thiết giữa một vị Thiên Chúa vô hình, ở khắp mọi nơi, và trọn lành như thế với con người hữu hạn lội lỗi như tôi? Sẽ dễ hiểu hơn khi đọc trong Kinh Thánh tương quan của Chủ – tớ, Tạo thành – tạo vật và cả tương quan Cha – con. Nhưng khi Thiên Chúa muốn tôi là bạn của Ngài thì điều đó có ý nghĩa gì? Nhìn vào cuộc đời những bạn của Ngài trong Kinh Thánh, chúng ta biết được sáu bí quyết về tình bạn đối với Thiên Chúa. Trong chương này, chúng ta xét xem hai điều, bốn điều còn lại sẽ được trình bày ở chương sau.

TRỞ NÊN BẠN NGHĨA THIẾT VỚI THIÊN CHÚA
Nhờ luôn tâm sự với Ngài. Bạn sẽ không bao giờ trở nên thân tình gần gũi với Thiên Chúa bằng việc chỉ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hay ngay cả có thời giờ tĩnh nguyện mỗi ngày. Tình bạn với Thiên Chúa được xây dựng qua việc bạn chia sẻ tất cả buồn vui cuộc sống cho Ngài.

Dĩ nhiên, tạo một thói quen có thời giờ kết hiệp với Chúa mỗi ngày thật quan trọng, nhưng Ngài muốn nhiều hơn một cuộc hẹn trong thời dụng biểu của bạn. Ngài muốn đi vào mỗi một hành vi, mỗi một cuộc đối thoại, mỗi một vấn đề và ngay cả mỗi một ý nghĩ của bạn. Bạn có thể thực hành một cuộc nói chuyện cởi mở liên lỉ với Ngài suốt cả ngày sống, nói với Ngài về bất cứ điều gì bạn đang làm hay đang nghĩ vào chính lúc đó. “Cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5, 17) nghĩa là chuyện trò với Thiên Chúa khi đi mua sắm, khi lái xe, khi làm việc hay khi thi hành bất kỳ một bổn phận thường nhật nào khác.

Một quan niệm sai lầm thường xảy ra khi cho rằng, “dành thời giờ cho Chúa” chỉ đơn thuần là ở một mình với Ngài. Dĩ nhiên, như Đức Giêsu làm gương, bạn cần có thời giờ riêng tư với Chúa, nhưng đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong toàn bộ ngày sống của bạn, những giờ bạn thức. Mỗi một việc bạn làm đều có thể là “thời giờ dành cho Chúa” nếu bạn mời Ngài dự phần vào đó và bạn vẫn luôn ý thức sự hiện diện của Ngài.

Một cuốn sách kinh điển nói đến việc làm sao để có thể kết hiệp liên lỉ với Chúa Practicing the Presence of God (Tập Sống Trước Thánh Nhan) được viết vào thế kỷ mười bảy bởi Đan sĩ Lawrence, một đầu bếp khiêm tốn trong một tu viện ở nước Pháp.Thầy Lawrence có thể biến cả những việc tầm thường vặt vãnh nhất như dọn bàn, rửa chén thành những hành vi ngợi khen và thông hiệp với Chúa. Thầy nói, bí quyết để sống thân tình với Chúa là đừng thay đổi công việc bạn làm, nhưng là thay đổi tâm tình và thái độ của bạn trước công việc đó. Những gì bạn thường làm cho mình, nay hãy bắt đầu làm cho Chúa, hoặc ăn uống, hoặc tắm rửa, làm việc, nghỉ ngơi hay cả việc đổ rác.

Ngày nay chúng ta thường cảm thấy mình phải “chạy trốn” cuộc sống thường nhật để sống với Chúa, nhưng đó là do chúng ta chưa quen học biết kết hiệp với Chúa liên lỉ.
Với thầy Lawrence, thật là dễ dàng để thờ phượng Chúa qua những bổn phận thường ngày; thầy không nhất thiết phải đi đâu để tĩnh tâm hay bồi dưỡng tâm linh.
Đây là lý tưởng Chúa muốn. Tại Vườn Địa Đàng, thờ phượng không là tham dự một nghi lễ nhưng là một thái độ thường xuyên; Ađam và Eva hiệp thông liên lỉ với Chúa.Bởi Thiên Chúa luôn ở với bạn nên không có chỗ nào gần gũi Ngài hơn là chỗ bạn đang đứng, ngay lúc này. “Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 6b).

Một ý tưởng hữu ích khác của thầy Lawrence là việc dùng những lời nguyện đối đáp ngắn gọn liên tục suốt cả ngày có khi còn tốt hơn những buổi kinh lâu giờ và phức tạp.
Để duy trì sự tập trung và khỏi lo ra chia trí, thầy nói, “Tôi không khuyên bạn đọc thật nhiều kinh khi cầu nguyện, vì thường, càng dài càng dễ lo ra” . Trong thời đại thiếu tập trung này, lời khuyên 450 năm tuổi này xem ra thật khôn ngoan khi làm cho việc kết hiệp với Chúa trở nên đơn giản.
Kinh Thánh nói đến “cầu nguyện mọi lúc”. Làm sao có thể như vậy được? “Thở những lời nguyện” suốt cả ngày là phương thế mà các Kitô hữu đã làm bao thế kỷ qua. Bạn chọn một lời nguyện vắn gọn hay một câu nào đó vốn có thể lặp đi lặp lại cùng Đức Giêsu trong từng hơi thở: “Chúa đang ở với con”; “Con lãnh nhận hồng ân Chúa”; “Con nương tựa nơi Chúa”; “Con thuộc về Chúa”; “Con muốn biết Chúa”; “Xin giúp con tin Ngài”. Bạn cũng có thể sử dụng những câu Kinh Thánh vắn gọn: “Với tôi, sống là Đức Kitô”; “Ngài sẽ không bao giờ bỏ con”; “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”. Hãy thì thầm những lời nguyện đó chừng nào có thể để nó cắm rễ sâu trong lòng bạn. Chỉ vì bạn tin chắc, bạn đang làm vinh danh Chúa chứ không chế ngự Ngài.

Tập sống hiện diện với Chúa là một kỹ năng, một thói quen mà bạn có thể phát huy.Tựa những ca sĩ phải hát đi hát lại những thang âm mỗi ngày để có thể hát thật hay và dễ dàng, bạn cũng tập nghĩ đến Chúa vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Phải tập luyện để tâm trí luôn hướng về Ngài.

Trước hết, bạn cần tạo ra những gì vốn có thể nhắc cho bạn ý thức Thiên Chúa đang ở với bạn ngay lúc đó. Hãy bắt đầu đặt những vật ấy quanh bạn. Bạn có thể đặt xuống câu này, “Chúa đang ở với con ngay giờ phút này!”. Các thầy Biển Đức dùng tiếng chuông từng giờ của đồng hồ để nhắc họ dừng lại và cầu nguyện “kinh nguyện mỗi giờ”. Nếu bạn có một chiếc đồng hồ hay một điện thoại cầm tay có chuông, hãy làm như họ. Vì nhiều lúc, bạn dễ cảm nhận Chúa hiện diện, những lúc khác thì không.

Nếu bạn đang tìm kiếm một cảm hứng về sự hiện diện của Ngài qua tất cả những điều ấy, bạn đã đi sai hướng! Chúng ta không ngợi khen Chúa để có cảm xúc tốt, nhưng để làm tốt. Mục đích của bạn không phải là để cảm nhận, nhưng là để ý thức liên lỉ về thực tại Thiên Chúa luôn hiện diện. Đó là một lối sống thờ phượng nhờ suy gẫm liên lỉ. Phương thế thứ hai để thiết lập một tình bạn với Thiên Chúa là nhớ đến Lời Ngài suốt cả ngày sống. Điều này được gọi là suy gẫm. Kinh Thánh không ngừng thúc giục chúng ta gẫm suy Thiên Chúa là ai, Ngài đã làm gì và đã nói gì (Tv 23, 4; 143, 5; 145, 5; Gd 1, 8; Tv 1, 2).

Không thể trở nên bạn của Thiên Chúa mà không biết đến những gì Ngài nói. Bạn không thể yêu mến Ngài nếu bạn không biết Ngài và cũng không thể biết Ngài nếu bạn không biết Lời Ngài. Sách Samuel nói, “Đức Chúa dùng lời của Ngài mà tự mặc khải cho ông Samuel” (1Sm 3, 21b). Ngày nay, Thiên Chúa vẫn dùng cách này. Trong khi bạn không thể dành cả ngày để học Kinh Thánh, bạn có thể nghĩ đến Kinh Thánh suốt ngày bằng cách nhớ lại những câu đã đọc hay đã thuộc và ngẫm nghĩ chúng trong tâm trí.

Suy gẫm thường bị hiểu sai như một nghi thức khó khăn hoặc một bí nhiệm nào đó được thực hành bởi các ẩn sĩ hay các nhà huyền bí. Nhưng suy gẫm đơn giản chỉ là tập trung suy nghĩ – một kỹ năng mà ai cũng có thể học và sử dụng ở bất cứ chỗ nào.
Khi bạn suy đi nghĩ lại một vấn đề nan giải, điều ấy gọi là lo lắng. Khi bạn suy đi nghĩ lại Lời Thiên Chúa, thì đó là suy gẫm. Nếu bạn biết thế nào là lo lắng, bạn cũng biết suy gẫm là thế nào! Bạn chỉ cần điều chỉnh sự chú ý về những vấn đề nan giải của mình sang những câu Kinh Thánh mà thôi. Càng suy gẫm Lời Chúa bao nhiêu, bạn càng ít phải lo lắng bấy nhiêu.

Lý do Thiên Chúa xem Gióp và Đavít như những bạn thân là vì họ coi trọng Lời Ngài trên hết mọi sự, và suốt ngày liên lỉ suy gẫm Lời Ngài. Gióp thừa nhận, “Lệnh môi Ngài truyền, tôi chẳng lìa xa, lời miệng Ngài phán, lòng tôi ấp ủ” (G 23, 12). Đavít thì nói, “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!” (Tv 119, 97). “Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, tưởng nhớ những kỳ côngthuở trước” (Tv 77, 12).

Như những người bạn thân chia sẻ cho nhau những bí mật, Thiên Chúa cũng chia sẻ những bí mật của Ngài với bạn nếu bạn có thói quen suốt ngày suy gẫm Lời Ngài. Thiên Chúa nói với Abraham những bí mật của Ngài, và Ngài cũng làm như vậy với Đaniel, với Phaolô, với các môn đệ và với những người bạn khác (St 18, 17; Đn 2, 19a; 1Cr 2, 7a).

Khi bạn đọc Kinh Thánh, nghe giảng hay nghe một cuốn băng, đừng vội quên và bỏ đi.
Hãy tập ôn đi ôn lại một chân lý nào đó trong tâm trí, hãy suy nghĩ thật nhiều về nó.
Càng dành nhiều thời giờ để ôn lại những gì Chúa nói, bạn càng hiểu được những “bí mật” cuộc sống mà nhiều người đã để mất. “Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Ngài” (Tv 25, 14).

Trong chương tiếp theo, chúng ta còn phải xét xem bốn bí mật khác của việc trau dồi một tình bạn với Thiên Chúa, nhưng đừng đợi đến ngày mai. Hãy khởi sự ngay hôm nay bằng cách thử tập nói chuyện liên lỉ với Chúa và luôn để tâm suy gẫm Lời Ngài.
Kinh nguyện để bạn nói với Chúa; suy gẫm để Chúa nói với bạn. Cả hai đều cần thiết để trở nên một người bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa.

NGÀY MƯỜI MỘT NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Thiên Chúa muốn trở nên bạn nghĩa thiết của tôi.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Ngài” (Tv 25, 14).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Tôi có thể làm gì để nhắc mình nghĩ đến Chúa và trò chuyện với Ngài nhiều hơn trong cả ngày sống?