Bài 13 – Phát Huy Tình Bạn Với Thiên Chúa (P2)

0
1960

Tôi quyết tâm coi trọng những gì Thiên Chúa coi trọng. Đây là điều những người bạn thường làm – họ quan tâm đến những gì là quan trọng đối với người kia.
Cũng thế, càng trở nên thiết thân với Thiên Chúa, bạn càng quan tâm đến những gì Ngài quan tâm, tiếc xót điều Ngài tiếc xót và mừng vui với những gì Ngài vui mừng.
Thánh Phaolô là gương sáng về điều này. Chương trình của Chúa là chương trình của ngài, say mê của Chúa là say mê của ngài: “Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa” (2Cr 11, 2a). Đavít cũng cảm thấy như vậy: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu” (Tv 69, 10).

Thiên Chúa quan tâm đến điều gì nhất? Cứu độ dân Ngài. Ngài muốn tất cả con cái lạc mất của Ngài được tìm về. Đó là tất cả lý do Đức Giêsu đã đến trần gian. Điều đắt giá nhất nơi cung lòng Chúa Cha là cái chết của Con Một Ngài. Điều quý giá thứ hai của Ngài là khi con cái Ngài chia sẻ sứ điệp đó cho những người khác. Để làm bạn với Thiên Chúa, bạn phải để ý quan tâm đến mọi người chung quanh, những kẻ Thiên Chúa hằng quan tâm. Bạn của Thiên Chúa nói cho những người bạn của họ về Thiên Chúa.

Tôi phải ước ao sống mật thiết với Chúa hơn bất cứ điều gì khác. Các Thánh vịnh đầy những mẫu gương ước ao này. Đavít say sưa ao ước biết Chúa hơn mọi điều khác; ông dùng những từ ngữ như mong mỏi, ngóng trông, khát khao, đói. Ông van nài Thiên Chúa. Ông nói, “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng” (Tv 27, 4). Trong một Thánh vịnh khác, ông bảo: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương” (Tv 63, 4).
Giacóp cũng vậy, nỗi đam mê phúc lành của Thiên Chúa trên cuộc đời ông thật mãnh liệt đến nỗi ông đã lấm đất vật lộn với Ngài suốt đêm, ông nói, “Tôi sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không chúc phúc cho tôi” (St 32, 27b).

Điều đáng ngạc nhiên của câu chuyện này là ở chỗ, Thiên Chúa, Đấng mạnh mẽ vô song lại để cho Giacóp thắng! Ngài không cảm thấy bị xúc phạm khi chúng ta “vật lộn” với Ngài, bởi vật lộn đòi hỏi tiếp xúc cá nhân và đem chúng ta lại gần Ngài hơn! Đó chính là lòng sốt mến, và Thiên Chúa thích như vậy khi chúng ta mê say Ngài.
Thánh Phaolô cũng là một người say mê tình bạn với Chúa. Với ngài, không gì quan trọng hơn; đó là ưu tiên số một, là toàn bộ trọng tâm và mục đích tối thượng trong cuộc đời ngài. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa đã dùng Phaolô cho công cuộc đại sự của Ngài. “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài” (Pl 3, 10).
Sự thật là – gần Chúa bao nhiêu, tuỳ sự chọn lựa của bạn.

Sống mật thiết với Chúa là một lựa chọn, không là một ngẫu nhiên. Cách mãnh liệt, bạn hãy tìm kiếm Ngài. Bạn có thật sự muốn điều đó – hơn bất cứ điều gì khác không? Nó đáng giá như thế nào với bạn? Nó có đáng để từ bỏ mọi sự khác không? Nó có đáng để nỗ lực phát triển những thói quen và những kỹ năng cần thiết không?
Có thể trong quá khứ, bạn từng say mê Thiên Chúa, nhưng nay bạn đã đánh mất lòng khao khát đó. Đó là điều đã xảy ra với các tín hữu Êphêsô – họ đã để mất lòng mến thuở đầu. Họ thi hành đúng đắn mọi điều, nhưng vì bổn phận chứ không vì tình yêu.
Nếu bạn bắt đầu đi vào đời sống thiêng liêng, đừng ngạc nhiên khi Thiên Chúa cho phép khổ đau xảy đến trong đời.

Khổ đau là chất đốt của lòng mến – nó tăng sức mãnh liệt để chúng ta thay đổi những gì thông thường chúng ta không thể. C. S. Lewis nói, “Khổ đau là chiếc loa phóng thanh của Thiên Chúa”. Đó là cách Ngài dùng để đánh thức chúng ta khỏi sự thờ ơ thiêng liêng. Khổ đau của bạn không là hình phạt nhưng là những lời mời gọi tỉnh thức bắt nguồn từ một Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa không giận bạn, nhưng Ngài si mê bạn; và Ngài sẽ làm bất cứ điều gì miễn sao đem bạn về lại trong tình thân với Ngài.

Tuy nhiên, còn có một cách dễ dàng hơn để nhen lại lòng sốt mến với Chúa: Hãy cầu xin Ngài ban cho bạn điều đó và cứ khẩn khoản mãi cho đến khi bạn lãnh nhận. Bạn hãy cầu nguyện thế này suốt cả ngày sống:
“Lạy Đức Giêsu, hơn bất cứ điều gì khác, con ước muốn sống mật thiết với Chúa hơn”. Chúa đã nói với những người lưu đày ở Babylon rằng, “Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta” (Gr 29, 13).

TƯƠNG QUAN HỆ TRỌNG NHẤT CỦA BẠN
Không có gì – tuyệt đối không có gì – quan trọng hơn việc làm triển nở một tình bạn với Thiên Chúa. Đó là mối thân tình sẽ vững bền mãi mãi. Thánh Phaolô nói với Timôtê, “Có những kẻ, vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin” (1Tm 6, 21a). Bạn có đánh mất điều quan trọng nhất trong cuộc đời không? Bạn có thể bắt đầu lại ngay hôm nay. Hãy nhớ, đó là chọn lựa của bạn. Bạn gần Thiên Chúa ngần nào, tuỳ bạn chọn!

Một điểm để suy tư: Gần Thiên Chúa bao nhiêu, chính tôi chọn lựa.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Hãy đến gần Thiên Chúa, Ngài sẽ đến gần anh em” (Gc 4, 8a).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Ngay hôm nay, để đến gần Thiên Chúa hơn, tôi sẽ có những chọn lựa nào?