Các bạn thân mến,
Sám hối là việc thực hành mà mọi người thuộc mọi tôn giáo thường được mời gọi. Lời mời gọi ấy trở nên rõ ràng và khẩn thiết hơn trong những thời khắc quan trọng của đời sống tâm linh tôn giáo. Người công giáo chúng ta thường thực hiện nghi thức sám hối trước khi bước vào những buổi phụng vụ quan trọng. Theo đó, chúng ta được mời gọi nhìn lại chính mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiết xót. Chúng ta đặt mình trước Chúa, cầu xin Chúa thanh tẩy, để chúng ta được xứng đáng đến với Chúa.
Tuy nhiên, phải chăng sám hối chỉ là một nghi thức của phụng vụ? Đâu là giá trị và ý nghĩa thực sự của việc sám hối trong hành trình sống của tôi như một con người, như một người con cái của Thiên Chúa?
Minh họa cho việc sám hối, người ta hay vẽ hình ảnh một người quỳ gối với mái đầu cúi gục rũ rượi, đấm ngực, khóc lóc vì những lỡ lầm của mình. Hình ảnh ấy có khiến tôi ngại ngần chăng? Nhìn lại quá khứ người ta dễ thấy mình với những dấu chân xiêu vẹo hoang đàng, những tì vết đen đủi của sai lầm tội lỗi. Đó là những điều người ta muốn tránh né và tìm quên lãng. Quá khứ là chuyện đã qua. Tại sao không để cho những gì đã qua là qua luôn mà cứ phải khơi lại? Chẳng phải trong quá khứ đời tôi luôn ẩn chứa những điều có thể làm tâm hồn tôi bị đau nhói mỗi khi bị đụng tới?
Vâng, bước đi trong hành trình cuộc sống, có nhiều điều làm chúng ta hối tiếc. Thế nhưng bao lâu chúng ta còn chưa dám nhìn lại những vết đen trong cuộc đời mình và những đổ vỡ mà mình đã gây ra, bấy lâu những điều ấy còn ảnh hưởng trên cuộc đời của chúng ta. Không nhìn lại, chúng ta lao mình về phía trước và kéo lê theo cả cái quá khứ nhiều u uẩn và tì vết.
Đúng ra, những đổ vỡ mà những sai lầm lỗi phạm do tôi gây ra thường có ảnh hưởng ngấm ngầm và tai hại nhiều hơn là người ta tưởng. Một người đã phạm lỗi bằng đôi mắt thì đôi mắt ấy không còn trong nữa. Họ khó nhìn người khác cách trong sáng. Một người đã phạm tội trong tư tưởng thì cái đầu của họ không còn sạch nữa. Họ khó nghĩ về cuộc đời cách trong sạch. Nghiêm trọng và tai hại hơn, một khi tôi đã phạm lỗi, không những tôi không dám tin vào sự trong sạch của mình, nhưng tôi còn luôn nghi ngờ vào sự trong sạch của người khác. Nhìn vào đôi chân đã vương dính bùn nhơ của mình, tôi không thể tin và không muốn tin rằng đôi chân của người khác còn sạch. Lỡ một lần sa ngã trước cám dỗ, tôi thấy khó tin và cũng chẳng muốn tin rằng có những người có thể đứng vững trước cám dỗ. Bị ghì kéo trong vũng bùn của tội lỗi, tôi thấy khó tin vào sự thanh thoát và trong sạch của người khác. Kết quả là sau khi phạm tội, cuộc sống trở nên ô tạp hơn trước mắt tôi, người khác trở nên xấu hơn trong đầu tôi, và những giá trị đẹp của cuộc đời bị vấy bẩn bởi con tim nghi ngờ của tôi.
Thế nên chúng ta mới hiểu hơn tại sao Đức Giêsu lại đưa ra những khuyến cáo hết sức dứt khoát và mạnh mẽ trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục” (Mt 18, 8-9).
Chặt tay, móc mắt là những hành động hết sức mạnh bạo. Đôi lúc chúng ta cần phải thật can đảm và mạnh bạo như thế để chặt đi những cái cũ cái xấu, móc đi những điều tồi tệ ra khỏi con người của mình. Đây không phải là hành động từ khước, nhưng là hành động thanh tẩy. Nói cho cùng, làm sao chúng ta có thể khước từ chính cái quá khứ đã làm nên hiện tại của mình. Làm sao chúng ta có thể quay ngược trở lại thời gian để xóa bỏ những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Chúng ta không thể chối bỏ, nhưng chúng ta luôn có thể thanh tẩy quá khứ của mình bằng việc sám hối.
Sám hối không phải là lúc người ta tự dằn vặt mình trong niềm day dứt và tiếc nuối trền miên vì những sai lầm đổ vỡ trong quá khứ. Sám hối càng không phải để dìm chết con người ta trong tuyệt vọng và nản chí về mình. Sám hối mở ra cho chúng ta một chân trời sống và sống tốt hơn so với quãng đời mà chúng ta đã bước qua. Ai cũng có nhiều điều phải hối tiếc khi nhìn lại quá khứ. Tuy nhiên, những hối tiếc ấy chỉ có giá trị khi chúng giúp chúng ta sống cuộc đời mình trong phút giây hiện tại và tương lai sao cho không phải lặp lại những lỡ lầm đáng tiếc ấy nữa.
Như thế, sám hối không phải là một hành vi người ta có thể làm một lần cho tất cả. Sám hối là một tiến trình mà người ta phải thực hiện liên tục trong cuộc sống mình. Sám hối là để một người được giải phóng khỏi cái ách nặng nề của quá khứ. Sám hối là lau đi khỏi khung cửa sổ lòng tôi những vết bụi bẩn đã dai dẳng đeo bám. Nhờ đó, đôi mắt tôi lại được sáng, cái đầu tôi lại được trong, con tim tôi lại được sạch và lương tâm tôi được thanh thoát hơn.
Sám hối là lúc tôi nhìn lại và can đảm làm lại. Đằng sau sự trung tín, không có gì đẹp cho bằng nước mắt của sự sám hối.
Trong cuộc đời rao giảng của mình, Đức Giêsu không chỉ kêu gọi người ta sám hối, Ngài còn tạo rất nhiều cơ hội cho người ta sám hối. Ngài đến với Giakêu và chạm vào ông ngay trong nhịp sống đời thường của ông. Cú chạm ấy làm Giakêu sám hối (Lc 19, 1-10). Ngài cúi xuống làm lơ trước lời kết án mà đám đông dân chúng dành cho người phụ nữ ngoại tình, rồi nhẹ nhàng nói với họ: “Ai trong các ông không có tội thì lấy đá ném chị này trước đi”. Câu nói ấy khiến nhiều người sám hối (Ga 8, 7). Ngài ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ ngoại tình: “tôi không kết án chị đâu, chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11). Nghĩa cử ấy khiến chị sám hối. Ngài quay lại nhìn Phêrô sau khi ông chối bỏ mình đến ba lần. Cái nhìn ấy làm Phêrô sám hối (Lc 23, 61).
Sám hối là để trở về với Thiên Chúa. Đến với Giêsu chúng ta sẽ tìm được sự ấm áp và ý nghĩa cho việc sám hối của mình. Không phải là tôi gồng mình lên để cố ép mình phải sám hối. Đúng ra, sám hối là đi theo tiếng gọi của con tim để đáp trả lại nghĩa cử yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho tôi. Thiên Chúa luôn là người đi bước trước. Ngài chủ động đến với tôi và mời gọi tôi với tất cả sự yêu thương trìu mến. Chính tình thương ấy mới cho tôi động lực để sám hối, để trở về.
Lạy Chúa!
Những ngày còn thơ ấu,
cuộc sống quanh chúng con lung linh và tinh khiết biết bao.
Càng lớn, đời chúng con như càng nhuốm màu vẩn đục.
Nhiều giá trị đẹp trong tâm hồn chúng con
đã không giữ được vẻ vẹn nguyên tươi tắn
khi con đụng chạm với dòng đời.
Không phải cuộc sống đã đổi thay,
nhưng chính tâm hồn chúng con đang thay đổi.
Thế nên chúng con luôn cần sám hối
Để được trở về với cái trong trắng ban sơ của mình.
Nhưng lạy Chúa,
sám hối chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Để sám hối chúng con cần có
một con tim can đảm và khiêm tốn.
Can đảm để nhìn lại quá khứ nhiều tì vết của mình.
Khiêm tốn để nhận ra mình đã sai lầm.
Khiêm tốn để đón nhận mọi đổ vỡ
như là một phần rất thật của con người hữu hạn.
Can đảm để làm lại từ đầu khởi đi từ những đổ vỡ ấy.
Bằng tình thương,
Chúa đã luôn là người đi bước trước
để mời gọi chúng con sám hối.
Xin tình yêu Chúa
luôn sống động nồng nàn trong tim chúng con,
dứt chúng con ra khỏi những nẻo đường bất chính
và thôi thúc chúng con bắt đầu lại mỗi ngày
chuyến hành trình tiến về Nước Chúa. Amen
Bài hát kết thúc: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
Sáng tác và thể hiện: Cao Gia An, S.J