“Cô ấy đang làm gì với chú lạc đà đó thế?” Tất cả chúng tôi tự hỏi thầm về sự lựa chọn của cô bạn, khi cô ấy đặt tượng chú lạc đà ngay tại máng cỏ ở chính nơi của Chúa Giêsu hài đồng.
Đó là một truyền thống của gia đình chúng tôi, khi mà tất cả mọi người, người lớn cũng như trẻ nhỏ cùng tập trung lại mừng Giáng Sinh, cùng nhau đặt những bức tượng nhỏ để trang trí hang đá ở một góc trong phòng khách. Kể từ khi những đứa trẻ đủ lớn để được tin tưởng giao cho việc trang trí những bức tượng nhỏ, chúng đã tạo nên một cảnh tượng tràn đầy Thần Khí. Cứ mỗi năm thì chồng tôi lại cẩn thận tháo gỡ những nhân vật quý giá và đưa chúng ra từng cái một, bắt đầu bằng những bức tượng của những con vật nhỏ bé, cho đến cuối cùng là Thánh Giá.
Nhưng năm nay đặc biệt hơn, vì chúng tôi có một người bạn đến từ Trung Quốc, và cô ấy là người hoàn toàn không biết gì về những câu chuyện Giáng Sinh. Chúng tôi muốn cô ấy tham gia vào tất cả mọi hoạt động phong tục của gia đình để cô ấy có được những trải nghiệm về một Giáng Sinh trọn vẹn của người Kitô hữu. Và chính vì vậy, cô ấy đã tham gia vào việc trang trí Giáng Sinh.
Chúng tôi vừa ngắm nhìn vừa rất ngạc nhiên về những sự lựa chọn của cô ấy. Cô ấy quyết định chọn một nơi hợp logic cho chú lừa, bởi vì nó là một gia súc, nên nó chắc chắn phải ở trong chuồng, trong hang. Nhưng sau đó cô ấy nhận ra rằng những người khác đang đặt những người chăn cừu quay mặt lại cùng nhau trong hang cỏ, cô ấy biết rằng, những người chăn cừu ấy có mặt tại nơi đó để tôn vinh một điều gì đó hay một ai đó. Cô ấy liền lặng lẽ di chuyển tượng chú lừa nhỏ để cùng tham gia với những người khác.
Nhưng sau đó đến tượng các thiên sứ, ba vị thông thái. Cô ấy nhận lấy bức tượng thứ ba, một vị vua với vương miện trên đầu. Một cách rất tự tin cô ấy đặt bức tượng này ở nơi mà chú lừa đã được đặt trước đó. Cô ấy xoay mặt bức tượng ra ngoài để tạo nên cảnh tượng là chính vị vua này sẽ nhận được sự quỳ gối của những người chăn chiên và sự yêu quý của các thiên sứ khác, những người dường như ít có vẻ hoàng tộc hơn.
Điều này khiến cho tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên. Tuy nhiên chúng tôi vẫn giữ lại những suy nghĩ ấy trong đầu. Và sau đó chồng tôi cẩn thận mở bọc tượng của thiên sứ, sau đó là Thánh Giuse… và sau đó là Mẹ Maria, những người khác, từng cái một đặt một cách cẩn thận xung quanh “vị vua” ấy.
Cuối cùng, đứa con nhỏ nhất của chúng tôi đã vinh dự mang tượng Hài Nhi yêu quý và chờ đợi được trang trí. Cậu bé cẩn thận dời vị “vua” ra vòng tròn bên ngoài và nhẹ nhàng đặt Chúa Giêsu hài đồng vào trung tâm.
Cô bạn ngạc nhiên kêu lên “Ồ, vậy ra tất cả mọi người đều đang nhìn vào đứa bé”.
“Ừ, đúng vậy,” Tôi thầm nghĩ. “Và cậu sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện về đứa bé ấy trong những ngày sắp tới.”
Tôi đã suy nghĩ khá lâu về việc điều gì đã khiến cho vị khách của chúng tôi đặt vị vua ấy ở vị trí của Chúa Giêsu. Nhưng khi tôi suy ngẫm càng lâu về điều đó, tôi nhận ra rằng hành động và phản ứng của cô ấy phù hợp với những suy nghĩ của một thế giới nơi mà không ai đi theo Chúa Giêsu của chúng ta.
Thế giới ấy tôn vinh, coi trọng và cúi đầu trước biểu tượng của quyền lực và sự giàu sang phú quý. Đó là tất cả những gì mà cô ấy nhìn thấy được ở bức tượng vị Vua khôn ngoan ấy. Trong mắt cô ta, dĩ nhiên là vị vua ấy phải được chú ý đến. Cô ấy chỉ đơn giản là đang phản ánh lại một phản ứng tự nhiên đối với sự khởi đầu khiêm tốn của Chúa Giêsu của chúng ta. Làm thế nào mà đứa bé này, được sinh ra trong một hang lừa nhỏ bé có thể có ở khắp mọi nơi, lại chính là người cứu rỗi của chúng tôi? Không thể nào như vậy được, điều đó không hợp lý chút nào.
Tối hôm đó thực sự là một bài học đáng giá, một sự nhắc nhở tốt dành cho chính tôi và cả gia đình tôi khi mà chúng tôi cần có một sự hiểu biết sâu sắc về thông điệp của Tin Mừng, câu chuyện về ân sủng cứu độ của Thiên Chúa Chúa Giêsu chúng ta. Trải nghiệm đó mang đến một sự mới mẻ cho Giáng sinh năm nay của chúng tôi, nhìn ngắm và suy ngẫm về phản ứng của một ai đó khi lần đầu họ được chạm vào, nghe thấy một câu chuyện đã cũ, đã xưa đã từ lâu lắm rồi của Chúa Giêsu và tình yêu vĩ đại của Ngài.
Nhưng sau đó tôi tự hỏi chính mình rằng làm thế nào để tôi có thể đặt thông điệp về hang đá Giáng sinh này vào trái tim của mình. Liệu rằng đó là một điều mới mẻ và đủ để làm cho tôi ngạc nhiên sau hằng bấy nhiêu năm tôi biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của mình chăng? Và tôi tự hỏi làm thế nào mà chính sự hiểu lầm này của cô ấy phản ánh lên sự lựa chọn của tôi khi tôi là một nhà lãnh đạo? Điều đó khiến cho tôi phải xem xét và lựa chọn lại những gì mà tôi đang đặt ở trung tâm của mọi hành động trong cuộc sống của mình.
Liệu rằng chúng ta có phải là những nhà lãnh đạo đôi khi lại đặt một điều gì đó như là “vua” là động cơ trung tâm cho mọi hành động chúng ta không? Nếu gia đình chúng ta hay công ty hay tổ chức đang áp đặt quyền lực và sự giàu có của thế gian này làm trung tâm cho chính sự chú ý của chúng ta, làm động cơ cho mọi dự định và hành động của chúng ta, thì chúng ta đã thực sự đang sai rồi.
Có phải chúng ta đang đặt một điều gì đó gọi là “Vua” làm động cơ chính cho các hành động của chúng ta không?
Nhưng sau đó sự chú ý của chúng tôi đã chuyển qua đúng chính giữa của hang lừa, Chúa Giêsu hài đồng thiêng liêng, và sự liên kết tự nhiên với những gì mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta xuất hiện.
Vậy làm thế nào để tôi có thể biết được tôi đang tìm kiếm với một con mắt đúng đắn? Làm thế nào để tôi có thể liên kết những gì tôi nói và làm với Ngài ấy?
Thánh Phaolo tông đồ có một câu trả lời đơn giản cho điều này: ” Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cô-rin-tô 10:31).
Hãy làm tất cả mọi việc, dù đó là gì, để vinh danh Chúa Giêsu của tôi. Đó có thể là một thước đo. Rất dễ để hiểu, nhưng rất khó để làm theo.
Nhưng đó chính là điều mà tôi nguyện cầu khi một lần nữa tôi được tham gia vào câu chuyện không tuổi của Ngài để đặt Ngài vào trung tâm của hang đá của tôi, cuộc sống của tôi để tôi có một con mắt có thể nhận ra Chúa Giêsu Kitô chính là vị Vua thực sự của mình dù là mùa nào trong năm.
“Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.” (Sách Khải Huyền 4:11)
Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/blog/whos-your-stable
Người dịch: Anna Như Quỳnh