Bài 9 – Điều Gì Khiến Chúa Mỉm Cười?

0
2014

“Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến
và dủ lòng thương anh em”
(Ds 6, 25).

“Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa,
thánh chỉ Ngài, xin dạy bề tôi”
(Tv 119, 135).

Nụ cười của Thiên Chúa là mục tiêu đời bạn.
Vì làm vui lòng Thiên Chúa là mục đích đầu tiên của đời bạn, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là khám phá cách thức để làm công việc đó. Thánh Phaolô nói, “Anh em hãy xem điều gì làm đẹp lòng Chúa” (Ep 5, 10). May thay, Kinh Thánh cho chúng ta mẫu gương sáng ngời của một cuộc đời luôn làm vui lòng Thiên Chúa. Con người ấy có tên là Noe.
Vào thời Noe, cả thế giới trở nên đồi bại. Ai cũng sống cho sự vui thoả riêng mình, chứ không cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không tìm ra người nào trên trái đất khả dĩ thích làm vui lòng Người, nên Người đau buồn và hối tiếc vì đã tạo dựng con người. Người ghê tởm dòng giống loài người đến nỗi dự tính quét sạch tất cả nhân loại. Nhưng ở đó còn có một người đã làm Thiên Chúa mỉm cười. Kinh Thánh nói, “Nhưng ông Noe được đẹp lòng Đức Chúa” (St 6, 8).

Thiên Chúa nói, “Anh này làm vui lòng Ta, anh làm Ta cười. Ta sẽ bắt đầu lại mọi sự với gia đình nó”. Bởi vì Noe đem niềm vui thích cho Thiên Chúa, nên bạn và tôi mới có ngày hôm nay. Từ cuộc đời của ông, chúng ta học được năm hành vi thờ phượng khiến Thiên Chúa mỉm cười.
Thiên Chúa mỉm cười khi chúng ta yêu mến Người trên hết mọi sự. Noe yêu Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác trên trần gian, ngay cả khi không có ai khác yêu Người. Kinh Thánh nói, suốt cuộc đời ông, “Ông là người công chính hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa” (St 6, 9b).

Đây là điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi bạn: mối thân tình. Đó là một sự thật đáng ngạc nhiên nhất trong hoàn vũ – rằng Đấng Tạo Thành chúng ta muốn kết bạn với chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng bạn để yêu bạn và Người cũng mong mỏi bạn yêu Người. Người nói, “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6).

Bạn có cảm nhận nỗi lòng của Thiên Chúa dành cho bạn trong câu này không? Thiên Chúa yêu bạn cách sâu xa và ước ao tình yêu của bạn đáp trả. Người nóng lòng muốn bạn biết Người và dành thời giờ ở với Người. Đây là lý do tại sao học biết yêu mến Thiên Chúa và được Người mến yêu phải là mục tiêu cao cả nhất của cuộc đời bạn. Không có điều gì khác quan trọng hơn. Đức Giêsu gọi đó là giới răn trọng nhất. Ngài nói, “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38).
Thiên Chúa mỉm cười khi chúng ta tin cậy hoàn toàn vào Người. Lý do thứ hai khiến Noe làm vui lòng Thiên Chúa là ông đã tin cậy vào Người, ngay cả khi không thể hiểu nổi. Kinh Thánh nói, “Nhờ đức tin, ông Noe được Thiên Chúa báo cho biết những gì người ta chưa thấy; vì có lòng kính sợ Thiên Chúa, ông đã đóng một chiếc tàu để cứu gia đình ông” (Dt 11, 7a).

Bạn thử tưởng tượng, ngày kia Thiên Chúa đến nói với Noe, “Ta thất vọng về loài người. Trong cả thế gian chẳng ai nghĩ đến Ta ngoài một mình ngươi. Nhưng này Noe, khi Ta nhìn ngươi, Ta bắt đầu mỉm cười. Cuộc sống ngươi làm Ta vui thích, vì thế Ta sắp cho lũ lụt phủ khắp mặt đất và sẽ bắt đầu lại mọi sự với gia đình ngươi. Ta muốn ngươi làm một con tàu khổng lồ để cứu ngươi và các loài vật”.
Có ba vấn đề có thể khiến Noe nghi ngờ. Thứ nhất, Noe chưa bao giờ thấy mưa, vì trước Hồng Thuỷ, Thiên Chúa tưới đất đai từ dưới lên (St 2, 5b.6). Thứ hai, Noe sống cách xa bờ biển gần nhất hàng trăm dặm. Dẫu cho ông đóng được một chiếc tàu, làm sao ông có thể hạ thuỷ nó? Thứ ba, cả một vấn đề khi ông tập hợp tất cả loài vật và rồi phải chăm sóc chúng. Nhưng Noe đã không phàn nàn hay bào chữa. Ông tin cậy Thiên Chúa hoàn toàn và điều đó khiến Người mỉm cười.

Tin cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa nghĩa là tin Người biết rất rõ những gì tốt nhất cho cuộc đời bạn. Bạn trông mong Người giữ lời hứa, giúp bạn vượt qua những vấn đề, và làm điều bất khả thi cho bạn. Kinh Thánh nói, “Chúa ưa chuộng những ai kính sợ Chúa, và trông cậy ở tình thương của Người” (Tv 147, 11).

Noe mất 120 năm mới đóng xong chiếc tàu. Tôi nghĩ rằng ông phải trải qua bao ngày thất vọng. Năm này qua năm khác chẳng một dấu hiệu nào cho thấy trời sắp mưa, ông bị nhạo báng một cách không thương xót như “một gã điên nghĩ rằng Thiên Chúa phán với mình”. Tôi tưởng tượng con cái Noe phải xấu hổ biết bao bởi chiếc tàu khổng lồ đang được đóng trước sân nhà họ. Vậy mà Noe vẫn cứ tin cậy Chúa.

Trong đời bạn, những lãnh vực nào bạn cần tin cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa? Tin cậy là một hành vi thờ phượng. Cũng như cha mẹ vui lòng khi con cái tin tưởng vào tình yêu và sự khôn ngoan của họ, thì niềm tin của bạn cũng sẽ làm Thiên Chúa vui lòng. Kinh Thánh nói, “Đức tin là bảo đảm những điều ta hy vọng” (Dt 11, 1).
Thiên Chúa mỉm cười khi chúng ta vâng lời Người hết lòng. Cứu đoàn vật khỏi cơn lũ lụt khắp nơi mọi chốn hẳn đòi phải chú tâm đến việc cung cấp lương thực và các chi tiết khác. Mọi sự phải được thực hiện như Thiên Chúa đã phán. Thiên Chúa không nói, “Noe, đóng chiếc tàu theo kiểu nào đó trước đây mà ngươi thích”. Người chỉ dẫn từng chi tiết từ kích thước, hình dáng, vật liệu con tàu đến những con số khác nhau về các loài vật được mang lên tàu. Kinh Thánh cho chúng ta biết Noe đáp lại làm sao, “Ông Noe đã làm như vậy; ông làm đúng như Thiên Chúa đã truyền cho ông” (St 6, 22).
Hãy lưu ý, Noe đã vâng lời hoàn toàn (không chỉ dẫn nào bị bỏ qua) và ông vâng lời cách chính xác (theo cách thức và thời hạn Thiên Chúa muốn nó hoàn thành). Đó chính là sự hết lòng. Không lạ gì, Thiên Chúa mỉm cười với Noe.
Nếu Thiên Chúa bảo bạn đóng một chiếc tàu khổng lồ, bạn không nghĩ là sẽ có một vài thắc mắc, phản đối, hoặc dè chừng sao? Noe đã không làm thế. Ông vâng lời Thiên Chúa hết lòng. Nghĩa là ông làm bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn mà không chút chần chừ, do dự. Bạn sẽ không lưỡng lự và nói, “để con cầu nguyện đã”. Hãy thực hiện ngay, đừng trì hoãn. Mọi người làm cha làm mẹ đều biết, vâng lời trễ nải là thực sự không vâng lời.
Thiên Chúa không mắc nợ bạn một lời giải thích hay một lý do nào về những gì Người yêu cầu bạn. Việc hiểu biết còn có thể đợi, vâng lời thì không. Vâng lời tức khắc sẽ dạy bạn về Thiên Chúa nhiều hơn là học hỏi Kinh Thánh suốt đời. Thực tế, bạn sẽ không bao giờ hiểu một vài mệnh lệnh cho đến khi bạn cứ vâng lời thực hiện. Vâng lời mở ra sự hiểu biết.

Chúng ta thường dâng cho Chúa sự vâng lời từng phần.
Chúng ta chọn điều này, chọn điều kia để vâng lời. Lập một danh sách những mệnh lệnh, chúng ta làm những gì mình thích đang khi lờ đi những gì chúng ta nghĩ là vô lý, khó khăn, tốn kém và không ai thích. Tôi sẽ đi lễ nhưng không dâng cúng. Tôi sẽ đọc Lời Chúa nhưng không tha thứ cho người đã xúc phạm tôi. Ấy thế, vâng lời từng phần là không vâng lời.

Vâng lời hết lòng được thực hiện cách vui tươi với niềm hăng say. Kinh Thánh nói, “Hãy phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ” (Tv 100, 2a). Đây là thái độ của Đavít, “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ. Con nguyện đi theo mãi đến cùng” (Tv 119, 33). Với các Kitô hữu, thánh Giacôbê khẳng định, “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2, 24). Lời Chúa nói rõ, bạn không thể cứu rỗi chính mình. Cứu rỗi chỉ đến do ân sủng chứ không do nỗ lực của bạn. Như người con đối với cha mình, bạn có thể đem niềm vui cho Cha trên trời qua sự vâng phục. Mỗi hành vi vâng phục đều là hành vi thờ phượng. Vậy tại sao vâng lời làm Thiên Chúa vui lòng đến thế? Bởi nó chứng tỏ bạn thật sự yêu mến Người. Đức Giêsu nói, “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15).
Thiên Chúa mỉm cười khi chúng ta ngợi khen và cảm tạ Người liên lỉ. Không gì vui hơn khi nhận những lời khen ngợi và lòng biết ơn chân thành từ một ai đó. Thiên Chúa cũng vậy, Người thích điều đó. Người mỉm cười khi chúng ta biểu lộ sự thán phục và biết ơn đối với Người.

Cuộc đời Noe đã đem niềm vui cho Thiên Chúa vì ông có một tâm hồn ca ngợi và tạ ơn. Việc đầu tiên của Noe khi được sống sót sau cơn Hồng Thuỷ là biểu hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa bằng việc tiến dâng lễ tế. Kinh Thánh nói, “Ông Noe dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ” (St 8, 20).
Nhờ lễ hy tế của Đức Giêsu, chúng ta không cần phải dâng lễ tế loài vật như Noe đã làm. Thay vào đó chúng ta được dạy dâng lên Thiên Chúa “lễ tế ngợi khen” (Dt 13, 15) và “lễ tế tạ ơn” (Tv 116, 17). Chúng ta ngợi khen Thiên Chúa vì
Người là chính Người và tạ ơn Người vì những gì Người đã thực hiện. Đavít nói, “Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người. Làm như vậy sẽ đẹp lòng Chúa hơn dâng tiến bò bê đủ móng đủ sừng” (Tv 69, 31-32).
Điều kỳ diệu xảy ra mỗi khi chúng ta dâng lời khen ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Khi dâng lên Người niềm vui thoả, lòng chúng ta ngập tràn niềm vui!
Mẹ tôi rất thích nấu nướng cho tôi. Ngay cả sau khi lập gia đình với Kay, khi tôi đến thăm mẹ, bà chuẩn bị những bữa ăn tuyệt vời. Một trong những niềm vui lớn nhất của bà là nhìn chúng tôi ăn và thưởng thức những món bà dọn. Chúng tôi càng thích thú thưởng thức bao nhiêu, niềm vui càng đến với bà bấy nhiêu.

Nhưng chúng tôi cũng rất vui sướng khi biết làm cho mẹ vui bằng cách biểu lộ niềm vui của mình về bữa ăn. Điều này thể hiện hai cách. Khi được no thoả, tôi khen bữa ăn ngon và khen ngợi cả mẹ mình. Tôi không chỉ thưởng thức đồ ăn nhưng còn làm vui lòng mẹ. Mọi người hạnh phúc.
Thờ phượng cũng có hai chiều. Chúng ta vui hưởng những gì Chúa ban, và khi bày tỏ nỗi vui mừng đó cùng Người, thì điều đó lại đem cho Người niềm vui – và nó một lần nữa gia tăng niềm vui nơi chúng ta. Thánh Vịnh diễn tả, “Những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng” (Tv 68, 4).
Thiên Chúa mỉm cười khi chúng ta sử dụng khả năng của mình. Sau cơn Hồng Thuỷ, Thiên Chúa ban cho Noe chỉ thị đơn sơ này, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi” (St 9, 1b.3).

Thiên Chúa muốn nói, đã đến lúc bắt đầu cuộc đời! Hãy làm những gì Ta hoạch định cho con người. Hãy yêu thương vợ. Hãy sinh con đẻ cái. Hãy nuôi sống gia đình. Hãy gieo trồng mùa màng và nấu nướng. Hãy là những con người! Đây là những gì Ta muốn ngươi phải trở nên!”.
Bạn có thể nghĩ, Thiên Chúa chỉ vui lòng khi bạn làm những việc “thiêng liêng” – như đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh lễ, cầu nguyện hay chia sẻ niềm tin. Và có thể bạn nghĩ Người chẳng quan tâm đến các việc khác trong đời bạn. Thật ra, Thiên Chúa vui thích nhìn xem mọi chi tiết đời bạn, khi bạn làm việc, vui đùa, nghỉ ngơi hay ăn uống. Người không bỏ qua nhất cử nhất động nào nơi bạn. Kinh Thánh nói với chúng ta, “Chúa giúp con người bước đi vững chãi, ưa chuộng đường lối họ dõi theo” (Tv 37, 23).

Mỗi hoạt động của con người, ngoại trừ tội lỗi, đều có thể làm vui lòng Thiên Chúa nếu bạn làm trong tâm tình ngợi khen. Bạn có thể rửa chén, sửa máy, bán hàng, đánh máy, trồng trọt và nuôi sống gia đình cho vinh danh Chúa.
Như một người cha, người mẹ tự hào, Thiên Chúa cũng đặc biệt vui thích nhìn bạn sử dụng những tài năng và khả năng Người ban. Người chủ ý trao cho chúng ta những quà tặng khác nhau vì ý thích của Người. Người tạo nên những người này để thành lực sĩ, số khác thành nhà phân tích. Có thể bạn được trao khả năng giỏi máy móc hay toán học, âm nhạc hay cả ngàn kỹ năng khác. Tất cả những khả năng này đều có thể đem lại những nụ cười trên gương mặt Thiên Chúa. Kinh Thánh nói, “Lòng mỗi người chính Chúa dựng nên, việc họ làm Chúa thông suốt cả” (Tv 33, 15).

Thiên Chúa vui thích nhìn xem mọi chi tiết đời bạn.
Bạn sẽ không đem lại vinh quang và niềm vui cho Thiên Chúa khi che giấu khả năng hay khi cố trở thành một người nào khác. Bạn chỉ đem cho Người niềm vui thoả bằng chính con người của bạn. Bất cứ khi nào bạn từ chối một phần nào đó nơi chính mình, thì bạn đang phủ nhận sự khôn ngoan và quyền tối thượng của Thiên Chúa khi Người tạo thành bạn. Thiên Chúa nói, “Khốn thay kẻ chỉ là mảnh sành giữa đồ sành đồ gốm mà lại muốn tranh cãi với Đấng nặn ra mình! Đất sét mà dám nói với thợ nhào nặn mình: ‘Ông làm cái gì vậy? Tác phẩm của ông làm không khéo tay!’” (Is 45, 9).
Trong cuốn phim Những Cỗ Xe Bằng Lửa (The Chariots of Fire), Eric Liddel, vận động viên điền kinh Olympic, nói rằng, “Tôi tin Thiên Chúa đã tạo dựng tôi cho một mục đích, nhưng Người cũng ban cho tôi sự nhanh nhẹn, và khi tôi chạy, tôi biết Người vui”. Sau đó anh nói, “Không chạy nữa, là khinh chê Người”. Không có khả năng nào lại không có tính thiêng liêng, chỉ có những khả năng bị dùng sai. Hãy bắt đầu sử dụng các khả năng của bạn để làm vui lòng Người.

Thiên Chúa cũng vui khi nhìn bạn tận hưởng những tác tạo của Người. Người cho bạn đôi mắt để nhìn xem vẻ đẹp, đôi tai để lắng nghe âm thanh, mũi và vị giác để thưởng thức mùi vị, các dây thần kinh dưới da để cảm nhận sự tiếp xúc.
Mỗi một hành vi tận hưởng đều là một hành vi thờ phượng khi bạn biết cảm tạ Người vì điều đó. Thực vậy, Kinh Thánh nói về Người, “Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6, 17c).

Thiên Chúa cũng vui thích nhìn xem ngay khi bạn đang ngủ! Khi các con tôi còn nhỏ, tôi nhớ lại niềm vui sâu sắc khi nhìn chúng ngủ. Đôi khi cả ngày toàn chuyện này chuyện kia và không vâng lời, nhưng khi ngủ, chúng có vẻ thoả lòng, an toàn, và bình an. Tôi nhớ lại, tôi đã yêu chúng biết bao.
Để đem cho tôi niềm vui, các con tôi không cần phải làm cho tôi một chuyện gì. Chỉ nhìn chúng thở là tôi vui sướng, bởi tôi yêu chúng thật nhiều. Khi ngực chúng phập phồng, tôi mỉm cười, và đôi khi nước mắt hạnh phúc tràn dâng. Khi bạn ngủ, Thiên Chúa cũng chăm chăm nhìn bạn dạt dào yêu thương, bởi vì bạn là ý tưởng của Người. Người yêu bạn như thể bạn là người duy nhất trên trần gian.
Cha mẹ không đòi con cái hoàn hảo, hay ngay cả trưởng thành để rồi mới vui thoả. Họ vui thích chúng ngay ở mỗi giai đoạn phát triển. Cũng thế, Thiên Chúa không đợi bạn trưởng thành rồi mới bắt đầu yêu thích. Người yêu thương và vui thích từng giai đoạn phát triển thiêng liêng của bạn.
Có thể những thầy giáo và cha mẹ của bạn là những người khắt khe khi bạn vừa lớn lên. Xin đừng nghĩ Thiên Chúa cũng nhìn bạn như họ. Người biết bạn không thể là người hoàn hảo và vô tội. Kinh Thánh nói, “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi” (Tv 103, 14).
Điều Thiên Chúa nhìn, chính là thái độ nội tâm: Làm vui lòng Người có phải là ước ao sâu kín nhất của bạn không? Đó chính là mục đích cuộc đời thánh Phaolô: “Dù còn trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2Cr 5, 9). Khi bạn sống trong ánh sáng vĩnh cửu, trọng tâm của bạn thay đổi từ “Tôi được vui thoả bao nhiêu trong cuộc đời này?” trở thành “Chúa được thoả lòng bao nhiêu trong cuộc đời tôi?”.
Thiên Chúa đang tìm kiếm những con người như Noe ở thế kỷ 21 này – những con người sẵn sàng sống để làm vui lòng Người. Kinh Thánh nói, “Từ trời cao, Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết kiếm tìm Thiên Chúa” (Tv 14, 2).
Bạn có chọn việc làm vui lòng Chúa là mục đích đời mình không? Thiên Chúa sẽ không từ chối bất cứ điều gì với những ai bị cuốn hút hoàn toàn bởi mục đích này.

Một điểm để suy tư: Thiên Chúa mỉm cười khi tôi tin cậy Người.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Chúa ưa chuộng những ai kính sợ Chúa, và trông cậy ở tình thương của Người” (Tv 147, 11).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Vì Chúa biết điều gì là tốt nhất, trong lãnh vực nào của đời mình, tôi phải tin cậy Thiên Chúa nhất?