“Anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa,
và dùng chi thể của anh em
như khí cụ để làm điều công chính,
phục vụ Thiên Chúa”
(Rm 6, 13b).
Trọng tâm của việc thờ phượng là quy phục (phó thác, đầu hàng) (surrender).
Quy phục là một từ không được ưa thích như khuất phục, tùng phục. Nó hàm ý mất mát, và không ai muốn mình là người mất mát. Quy phục gợi lên những hình ảnh không vui của việc thừa nhận bại trận,thua mất trong cuộc chơi hoặc thúc thủ trước đối thủ mạnh hơn. Từ ngữ này hầu như được dùng trong hoàn cảnh tiêu cực. Những tội phạm quy phục, đầu hàng các nhà chức trách.
Trong thời buổi cạnh tranh hôm nay, chúng ta được bảo không bao giờ chịu thua, bỏ cuộc – nên chúng ta không nghe nhiều đến việc quy phục. Nếu chiến thắng là tất cả, thì quy phục là điều không thể nghĩ tới.
Hẳn chúng ta thích nói đến chiến thắng, thành công, vượt qua, và chinh phục hơn là thủ phận, khuất phục, vâng lời và quy phục. Nhưng quy phục Thiên Chúa là trọng tâm của việc thờ phượng. Đó là đáp trả tự nhiên trước tình yêu và lòng thương xót lạ lùng của Người. Chúng ta hiến dâng chính mình cho Người, không vì sợ hãi hay bổn phận, nhưng trong tình yêu thương, “Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4, 19b).
Sau khi dành cả mười một chương trong thư gửi giáo đoàn Rôma để giải thích ân sủng nhiệm mầu Thiên Chúa dành cho chúng ta, thánh Phaolô thúc giục chúng ta hiến dâng toàn thân cho Người trong thờ phượng, “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1).
Thờ phượng đích thực – đem niềm vui cho Thiên Chúa – khi bạn trao chính toàn thân cho Người. Hãy lưu ý đến từ ngữ trọng tâm của câu này là hiến dâng.
Hiến dâng toàn thân cho Thiên Chúa, phó thác, quy phục Người là tất cả ý nghĩa trọn vẹn của thờ phượng.
Hành vi dâng hiến chính mình được gọi bằng nhiều cách: hiến dâng, để Đức Giêsu là Chúa của bạn, vác thập giá, chết cho chính mình, sống theo Thần Khí. Điều quan trọng là bạn sống điều ấy chứ không phải gọi nó là gì. Thiên Chúa muốn cả cuộc sống của bạn, tất cả. Chín mươi lăm phần trăm cho Người cũng không đủ.
Có ba rào cản khiến chúng ta không hoàn toàn quy phục Thiên Chúa: sợ hãi, kiêu căng và bối rối. Chúng ta không nhận ra Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao, chúng ta muốn tự điều khiển đời mình và hiểu sai ý nghĩa của việc phó thác.
Tôi có tin cậy Chúa không? Niềm tin là thành tố cốt lõi của việc phó thác. Bạn sẽ không trao phó cho Thiên Chúa nếu bạn không tin Người, nhưng bạn cũng không thể tin Người cho đến khi bạn biết Người hơn. Sợ hãi ngăn cản chúng ta phó thác, nhưng tình yêu xua tan mọi sợ hãi. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa bao nhiêu, bạn càng dễ phó thác chính mình cho Người bấy nhiêu.
Làm sao bạn biết Thiên Chúa yêu thương? Người ban cho bạn bao bằng chứng: Người nói Người yêu bạn (Tv 145, 9); bạn không bao giờ rời khỏi mắt Người (Tv 139, 3); Người chăm sóc đến từng chi tiết đời bạn (Mt 10, 30); Người ban cho bạn khả năng để tận hưởng đủ loại niềm vui (1Tm 6, 17b); Người có một hoạch định tốt cho cuộc đời bạn (Gr 29, 11); Người thứ tha cho bạn (Tv 86, 5) và Người kiên nhẫn chờ đợi bạn (Tv 145, 8). Thiên Chúa yêu bạn vô cùng, nhiều hơn bạn nghĩ.
Biểu hiện lớn nhất của tình yêu Thiên Chúa là Người đã hy sinh chính Con Một mình cho bạn. “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8). Nếu bạn muốn biết bạn đáng giá đối với Thiên Chúa ngần nào, hãy nhìn lên Đức Kitô với đôi tay dang ra trên thập giá đang nói với bạn rằng, “Ta yêu con ngần này đây! Ta thà chết còn hơn là sống mà vắng bóng con”.
Thiên Chúa không phải là một viên cai nô lệ hung dữ hay một gã ác ôn dùng sức hung hãn để bắt chúng ta khuất phục.
Người không tìm cách bẻ gãy ý chí chúng ta, nhưng Người đang dỗ dành, nài nỉ chúng ta đến với Người, để rồi mỗi người có thể tự do trao phó chính mình cho Người. Thiên Chúa là người tình và là người giải thoát, và việc hiến dâng cho Người đem lại tự do chứ không là rào cản. Khi chúng ta hoàn toàn phó dâng chính mình cho Đức Giêsu, chúng ta khám phá rằng, Ngài không là một bạo chúa, nhưng là Đấng Cứu Độ; không là một ông chủ, nhưng là người anh em; không là người sai khiến, nhưng là một người bạn.
Thừa nhận những giới hạn của mình. Một rào cản thứ hai của việc trao phó toàn thân cho Thiên Chúa chính là sự kiêu căng. Chúng ta không muốn nhận mình chỉ là những tạo vật chẳng có quyền gì trên mọi sự. Đó là cám dỗ lâu đời nhất: “Ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 5). Khát vọng đó – toàn quyền trên mọi sự – là nguyên nhân của bao dồn nén trong cuộc đời. Sống là chiến đấu, nhưng điều mà hầu hết con người không nhận ra là cuộc chiến đấu của chúng ta, như của Giacóp, thực sự là một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa! Chúng ta muốn là Thiên Chúa, và không tài nào chúng ta có thể thắng trong trận chiến đó cả.
Tozer nói, “Lý do tại sao nhiều người vẫn rối rắm, vẫn kiếm tìm, vẫn chỉ tiến bộ cách chậm chạp? Ấy chỉ vì họ chưa đạt thấu cái cùng tận của chính mình. Chúng ta cứ tìm cách ra lệnh và làm trở ngại công việc của Thiên Chúa trong chúng ta”.
Chúng ta không phải là Thiên Chúa và sẽ không bao giờ là thế. Chúng ta là những con người. Chính khi cố trở thành Thiên Chúa, rốt cuộc chúng ta cũng kết thúc như Satan, kẻ đã ham muốn cùng một điều đó.
Về mặt lý trí, chúng ta chấp nhận mình là những con người, nhưng tự thâm tâm thì không. Đối diện với những giới hạn của mình, chúng ta phản ứng cáu gắt, nổi giận và oán hờn. Chúng ta muốn cao hơn, (hay thấp hơn), khôn hơn, mạnh hơn, tài năng hơn, xinh đẹp hơn, hay giàu có hơn. Chúng ta muốn có mọi sự, làm được mọi sự và cảm thấy khó chịu khi điều đó không bao giờ xảy ra. Rồi khi thấy Chúa ban cho người khác những đức tính chúng ta không có, chúng ta lại đố kỵ, ghen ghét và tủi thân.
Quy phục Thiên Chúa nghĩa là gì? Quy phục Thiên Chúa không phải là cam chịu thụ động mặc cho số phận hay là một viện cớ để bào chữa cho sự lười biếng. Quy phục không phải là chấp nhận hiện trạng của mình. Quy phục mang một ý nghĩa rất trái ngược: bạn hy sinh hoặc chịu đau khổ để thay đổi những gì cần phải đổi thay. Thiên Chúa thường mời gọi những ai quy phục Người chiến đấu cho lợi ích của Người. Quy phục không dành cho kẻ hèn nhát hay người nhu nhược. Cũng vậy, nó không có nghĩa là dập tắt những suy tư lý luận của bạn. Thiên Chúa không lãng phí trí óc mà Người đã tặng ban cho bạn đâu! Người không muốn những cỗ máy phục vụ Người.
Quy phục không phải là dồn nén nhân cách. Thiên Chúa muốn sử dụng nhân cách độc đáo của bạn. Thay vì đánh mất nhân cách, quy phục Thiên Chúa thăng tiến nhân cách. C. S. Lewis nhận xét, “Càng để Thiên Chúa chiếm hữu, chúng ta càng trở nên chính mình hơn – bởi vì Người đã tạo dựng chúng ta.
Người tạo dựng mỗi người mỗi khác, bạn và tôi đã được nhắm để trở thành… Chính khi tôi quay về với Đức Kitô, khi tôi trao chính bản thân cho Ngài, tôi mới bắt đầu nhận ra nhân cách đích thực của tôi”.
Phó thác được thể hiện rõ nhất trong vâng phục. Bạn thưa “Vâng, lạy Chúa” với bất cứ điều gì Người yêu cầu bạn. Bạn thưa “Không, lạy Chúa” là nói một điều ngược lại. Bạn không thể gọi Đức Giêsu là Chúa của mình khi từ chối vâng lời Ngài.
Sau một đêm đánh cá thất bại, Simon Phêrô trở thành kiểu mẫu phó thác khi Đức Giêsu bảo ông làm lại: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5, 5). Những người quy phục Thiên Chúa vâng theo lời Người cả khi không hiểu gì.
Một khía cạnh khác của một cuộc đời quy phục là tín thác.
Abraham đi theo chỉ dẫn của Chúa mà không biết mình sẽ đến đâu. Hanna đợi chờ thời điểm tốt nhất của Chúa lại không biết lúc nào. Đức Maria ngóng trông một điều lạ nhưng không biết nó làm sao. Giuse tin tưởng vào mục đích của Thiên Chúa mà không hiểu tại sao những hoàn cảnh lại xảy ra như vậy. Tất cả những con người này đã trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.
Bạn biết bạn đang quy phục Thiên Chúa khi bạn cậy trông vào Người trước mọi công việc thay vì vận động những người khác, dồn ép lịch làm việc hay sắp đặt hoàn cảnh. Bạn cứ bắt đầu và để Thiên Chúa làm. Bạn không cần phải luôn luôn “quán xuyến”. Kinh Thánh nói, “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện. Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người” (Tv 37, 3a.5a). Thay vì cố gắng nhiều hơn, hãy tín thác hơn nữa. Bạn cũng biết mình đang quy phục Thiên Chúa khi không phản ứng trước những lời phê bình và vội vã tự bảo vệ mình.
Những tâm hồn quy phục thể hiện rõ nhất trong các tương quan. Bạn không loại trừ những người khác, không đòi quyền của mình và cũng không chỉ biết có bản thân mình khi quy phục. Đối với nhiều người, lãnh vực khó khăn nhất của việc quy phục là tiền bạc. Nhiều người nghĩ rằng, “Tôi muốn sống cho Thiên Chúa nhưng cũng muốn có đủ tiền để sống tiện nghi và ngày kia, sẽ về hưu”. Hưu dưỡng không phải là mục đích của một cuộc đời phó thác, bởi nó cạnh tranh với Thiên Chúa trước ưu tư hàng đầu về cuộc sống chúng ta. Đức Giêsu nói, “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24b) và “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 21).
Gương mẫu tuyệt vời của sự quy phục là Đức Giêsu. Đêm trước ngày chịu đóng đinh, Ngài đã phó mình cho chương trình của Thiên Chúa. Ngài đã nguyện rằng, “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14, 36).
Đức Giêsu đã không cầu nguyện, “Lạy Cha, nếu Cha có thể cất đi nỗi đau này, xin hãy làm ngay”. Nhưng Ngài đã khẳng định, Thiên Chúa có thể làm được mọi sự! Thay vì cầu nguyện, “Lạy Cha, nếu cất đi nỗi đau này là điều làm vui lòng Cha nhất, xin hãy làm ngay. Nhưng nếu nó hoàn thành mục đích của Cha, thì đó cũng là điều con muốn”.
Người quy phục tinh tế sẽ nói, “Lạy Cha, nếu vấn đề này, đau khổ này, bệnh tật này hay những hoàn cảnh này là cần thiết để hoàn thành mục đích và vinh danh Cha trong cuộc đời con và trong người khác, xin cứ để nó như vậy”. Trình độ trưởng thành này thật không dễ. Với Đức Giêsu, Ngài đã đau đớn cực độ trước kế hoạch của Thiên Chúa đến nỗi mồ hôi máu nhỏ xuống. Quy phục là một công việc hết sức nặng nề. Với mỗi người chúng ta, đây là cuộc chiến cam go chống lại bản tính tự cho mình là trung tâm.