Bài 13 – Phát Huy Tình Bạn Với Thiên Chúa (P1)

0
2421

“Những ai chính trực thì Ngài nhận làm bạn tâm giao” (Cn 3, 32).
“Hãy đến gần Thiên Chúa,
Ngài sẽ đến gần anh em” (Gc 4, 8a).

Gần Thiên Chúa bao nhiêu? Chính bạn chọn lựa!
Như bất cứ tình bạn nào khác, bạn cũng phải làm triển nở tình bạn của mình với Thiên Chúa. Điều này hẳn không xảy ra tình cờ nhưng phải ao ước, phải có thời gian và cả nghị lực. Nếu bạn muốn có một tình bạn ngày càng sắt son hơn, mật thiết hơn với Thiên Chúa, bạn phải biết thành thật chia sẻ những vui buồn cuộc sống cho Ngài, tín thác vào Ngài khi Ngài yêu cầu bạn làm một điều gì đó, học biết quan tâm đến những gì Ngài quan tâm và ao ước thiết thân với Ngài hơn bất cứ điều gì khác.

Tôi quyết tâm thành thật với Chúa. Viên gạch đầu tiên để xây dựng toà nhà tình bạn sâu sắc với Thiên Chúa là sự thành thật hoàn toàn – về các lỗi lầm và cả những tình cảm của bạn. Thiên Chúa không mong bạn phải hoàn hảo, nhưng Ngài đòi cho bằng được sự thành thật của bạn. Không người bạn nào của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là hoàn hảo. Nếu sự hoàn hảo là đòi hỏi của một tình bạn với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ có thể là bạn của Ngài. May thay, bởi ân sủng của Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn mãi là “người bạn của các tội nhân”.
Trong Kinh Thánh, những người bạn của Thiên Chúa rất chân thật về những cảm tính của họ; họ thường phàn nàn, phê phán, kêu ca và tranh cãi với Đấng Tạo Thành của mình. Vậy mà Thiên Chúa xem ra không lấy làm phiền bởi sự thẳng thắn này; thật ra, Ngài cổ vũ điều đó.
Thiên Chúa cho phép Abraham chất vấn và thách thức Ngài về việc Ngài sắp huỷ diệt thành Sôđôma. Ông không ngại làm phiền Thiên Chúa khi nài nỉ Ngài giữ lại thành này bằng việc mặc cả với Ngài từ năm mươi người công chính xuống chỉ còn mười người.

Thiên Chúa kiên nhẫn lắng nghe bao lời kiện tụng của Đavít rằng, Ngài bất công, bội bạc, và bỏ rơi ông. Ngài cũng không loại bỏ Giêrêmia khi ông tuyên bố Ngài đã phỉnh phờ ông. Gióp được phép trút mọi đắng cay cho Ngài suốt những tháng ngày thử thách, và cuối cùng, Thiên Chúa bảo vệ ông vì ông chân thật, Ngài quở trách những người bạn của Gióp vì họ không thật lòng. Ngài bảo, “Các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta” (G 42, 7b).
Một ví dụ đáng kinh ngạc về một tình bạn thẳng thắn (Xh 33, 1-17), Thiên Chúa thẳng thắn biểu lộ sự ghê tởm của Ngài trước bất tuân của Israel. Ngài nói với Môisen, Ngài vẫn giữ lời ban cho dân Đất Hứa, nhưng sẽ không cùng họ đi thêm một bước nào nữa qua vùng sa mạc cháy khô! Ngài chán ngán họ và tỏ cho Môisen biết rõ tâm trạng của Ngài.

Lên tiếng như “một người bạn” của Thiên Chúa, Môisen bộc trực trả lời: “Xin Ngài coi, chính Ngài đã phán với con: ‘Hãy đưa dân ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con… Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài.
Xin Ngài đừng quên dân tộc này là dân của Ngài… Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây. Nhưng làm thế nào biết được là con và dân của Ngài được nghĩa với Ngài? Há chẳng phải vì có Ngài đi với chúng con sao? Như thế, con và dân của Ngài mới khác với mọi dân trên mặt đất’. Đức Chúa phán với ông Môisen: ‘Ngay cả điều ngươi vừa nói đó, Ta cũng sẽ làm, vì ngươi đã được nghĩa với Ta, và Ta biết đích danh ngươi’” (Xh 33, 12-17).

Thiên Chúa có thể chịu đựng được sự thẳng thắn và chân thực ấy nơi bạn không? Chắc chắn là được! Tình bạn tinh tế được xây dựng trên sự cởi mở. Những gì xem ra táo bạo thì Ngài lại coi là chân thành. Thiên Chúa lắng nghe các bạn Ngài say sưa nói; Ngài chán ngấy những lời sáo rỗng đạo đức mà Ngài biết trước. Để làm bạn với Ngài, bạn cũng phải nói cho Ngài, chia sẻ cho Ngài những tình cảm chân thực, chứ không phải những cảm xúc hay lời nói mà bạn nghĩ là phải có.

Có thể bạn cần thổ lộ nỗi buồn giận hay hờn trách thầm kín nào đó với Thiên Chúa về một vài lãnh vực trong cuộc đời mà bạn cảm thấy bất công hay thất vọng. Cho đến khi đủ trưởng thành để hiểu rằng, Thiên Chúa dùng mọi sự để làm mỗi người nên tốt hơn thì chúng ta vẫn cứ ấp ủ oán hờn Ngài mãi, oán hờn Ngài về dáng vẻ, về kiến thức, về những lời cầu không được đáp trả hay những nỗi đau quá khứ và mọi chuyện khác của chúng ta, những điều mà chúng ta sẽ làm cách khác nếu chúng ta là Ngài. Người ta thường kêu trách Thiên Chúa vì những nỗi đau người khác gây ra cho họ.

Điều này tạo ra cái mà William Backus gọi là “vết rạn nứt ẩn tàng giữa bạn và Thiên Chúa”.
Sự đắng cay là rào cản lớn nhất ngăn trở tình thân giữa bạn với Thiên Chúa: Tại sao tôi muốn là bạn của Ngài mà Ngài vẫn để điều này xảy ra? Sở dĩ có phương dược này là để bạn biết rằng, Thiên Chúa luôn hành động nhằm ích lợi nhất cho bạn cả khi nó gây nên đau khổ và bạn không hiểu gì. Thế nhưng, trút bỏ cơn giận và bộc bạch chính mình lại là bước đầu tiên của việc chữa lành. Như bao người trong Kinh Thánh, bạn hãy bộc bạch thật lòng với Thiên Chúa! Như Gióp (G 7, 17-21), Asaph (Tv 83, 13), Giêrêmia (Gr 20, 7), Naomi (R 1, 20).

Để dạy chúng ta chân thực và thẳng thắn, Thiên Chúa đã trao cho chúng ta cuốn sách các Thánh Vịnh – một cuốn cẩm nang thờ phượng đầy những lời nguyền, nóng nảy, ngờ vực, sợ hãi, oán trách, cả những đam mê thầm kín cùng với những lời cảm tạ,n gợi khen và tuyên xưng niềm tin. Mọi tâm trạng buồn vui giận ghét của con người đều được ghi nhận trong các Thánh Vịnh. Khi đọc những nỗi lòng mà Đavít và những người khác thổ lộ, bạn hãy ý thức đây là cách Thiên Chúa muốn bạn thờ phượng Ngài – không giấu diếm một điều gì cả. Bạn có thể cầu nguyện như Đavít: “Tôi lớn tiếng kêu gào lên Chúa, tôi lớn tiếng cầu khẩn Chúa thương, lời than vãn, xin giãi bày lên Chúa, nỗi ngặt nghèo, kể lể trước thiên nhan” (Tv 142, 2-3).

Thật khích lệ cho chúng ta khi biết những người bạn của Thiên Chúa – như Môisen, Đavít, Abraham, Gióp và những người khác – đều đã trải qua những giai đoạn nghi ngờ. Nhưng thay vì che giấu mối ngờ vực bằng những sáo ngữ hoa mỹ đạo đức rỗng tuếch, họ công khai thẳng thắn bộc bạch chúng. Bày tỏ nghi ngờ đôi khi cũng là bước đầu cho cấp độ tiếp theo của sự thân tình với Thiên Chúa.

Tôi quyết tâm vâng phục Thiên Chúa trong đức tin. Mỗi khi bạn tín thác vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa và thực hiện bất cứ điều gì Ngài muốn, cả khi không hiểu điều đó, ấy là lúc bạn đắm chìm trong sự mật thiết với Ngài. Thông thường, chúng ta không nghĩ vâng lời là một đặc tính của tình bạn; nó chỉ dành cho mối tương quan với cha mẹ, ông chủ hoặc cấp trên chứ không dành cho một người bạn. Vậy mà Đức Giêsu hiển nhiên gọi vâng lời là điều kiện để sống thân tình với Thiên Chúa. Ngài nói, “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,14).

Ở cuối chương I, tôi có nói, lời mà Đức Giêsu dùng khi Ngài gọi chúng ta là “bạn hữu” có thể liên tưởng đến “những người bạn của một vị vua” trong triều. Dẫu những người bạn thân này có được những đặc quyền, thì họ vẫn lệ thuộc nhà vua và phải vâng lệnh vua. Chúng ta là những người bạn của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể ngang hàng với Ngài. Ngài là Đấng lãnh đạo yêu thương, và chúng ta đi theo Ngài.

Chúng ta vâng lời Thiên Chúa, không vì bổn phận, sợ hãi hay bắt buộc, nhưng bởi yêu mến Ngài và tin chắc Ngài biết những gì tốt nhất cho chúng ta. Chúng ta muốn đi theo Đức Kitô vì lòng biết ơn về tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta, và càng theo sátN gài bao nhiêu, tình bạn của chúng ta càng trở nên sâu đậm bấy nhiêu.

Những người không tin thường nghĩ rằng, các Kitô hữu vâng lời chỉ vì bắt buộc hoặc vì sợ tội hoặc sợ hình phạt; thế nhưng, ngược lại mới đúng. Bởi được thứ tha và được tự do, chúng ta vâng lời vì tình yêu – và sự vâng phục của chúng ta đem lại niềm vui lớn lao! Đức Giêsu bảo, “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15, 9-11).

Hãy lưu ý, Đức Giêsu mong muốn chúng ta chỉ làm những gì Ngài đã làm với Chúa Cha, tương giao của Ngài với Chúa Cha là khuôn mẫu cho tình bạn của chúng ta với Ngài. Đức Giêsu đã làm những gì Chúa Cha yêu cầu Ngài làm – chỉ vì yêu thương.

Tình bạn chân thật thì không thụ động nhưng chủ động, sáng tạo. Khi Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta yêu thương người khác, giúp đỡ kẻ thiếu thốn, chia sẻ những gì chúng ta có, giữ mình trong sạch, biết tha thứ, và đem những người khác về cho Ngài, thì chính tình yêu chứ không gì khác là động lực thúc bách chúng ta mau mắn vâng phục Ngài như vậy.

Chúng ta thường được thách thức để làm “những việc lớn lao” cho Chúa. Vậy mà, Ngài sẽ vui hơn khi chúng ta làm những việc nhỏ cho Ngài một cách vâng phục đầy tình mến. Người khác có thể không nhìn thấy chúng, nhưng Thiên Chúa thấy và coi đó là những hành vi thờ phượng.
Những cơ hội lớn có thể chỉ đến với bạn một lần trong đời, nhưng các cơ hội nhỏ thì bao quanh bạn mỗi ngày. Ngay cả qua những việc đơn sơ như nói năng thành thật, tử tế và khích lệ người khác cũng đủ đem lại nụ cười cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa quý những hành vi vâng phục của chúng ta hơn là những kinh nguyện, ngợi khen hoặc những lễ dâng. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1Sm 15, 22).

Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai ở tuổi ba mươi qua việc được Gioan làm phép rửa. Ngay khi xảy ra biến cố ấy, từ trời cao, Chúa Cha nói với Con Một của mình: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài” (Mt 3, 17). Vậy thì trong ba mươi năm, Đức Giêsu đã làm gì để Chúa Cha hài lòng đến thế? Kinh Thánh không nói gì về những năm ẩn dật đó ngoại trừ ở Lc 2, 51a: “Sau đó, Ngài đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài”. Ba mươi năm làm đẹp lòng Thiên Chúa được tóm kết trong ba chữ: “hằng vâng phục!”.