“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 3).
“Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa. Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là: anh em phải sống trong tình thương” (2Ga 1, 6).
Cuộc sống, tất cả chỉ là yêu thương.
Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên bài học quan trọng nhất Ngài muốn bạn học trên trái đất này là học yêu thương.
Chính trong yêu thương mà chúng ta nên giống Thiên Chúa hơn cả; vì thế, yêu thương là nền tảng mọi mệnh lệnh Ngài ban: “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5,14).
Học biết quảng đại yêu thương là điều không dễ. Nó trái ngược với bản tính tự quy về mình nơi chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta dành cả một đời để học yêu thương. Đã hẳn Thiên
Chúa muốn chúng ta yêu thương mọi người, nhưng Ngài đặc biệt lưu ý chúng ta học biết yêu thương những người trong gia đình Ngài. Như chúng ta vừa thấy, đây là mục đích thứ hai dành cho đời bạn. Thánh Phêrô nói với chúng ta, “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em” (1Pr 2, 17a). Thánh Phaolô cũng lấy lại tâm tình này: “Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6, 10).
Tại sao Thiên Chúa nài nỉ chúng ta yêu thương và lưu tâm đặc biệt đến những anh chị em có chung niềm tin như thế? Tại sao phải ưu tiên yêu thương họ? Bởi Thiên Chúa muốn gia đình Ngài được nhận biết vì tình yêu hơn vì bất cứ điều gì khác. Đức Giêsu nói, chính việc chúng ta yêu thương nhau là chứng từ mạnh mẽ nhất cho thế gian. Ngài nói, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga13, 35).
Trên thiên đàng, chúng ta sẽ vui sống trong nhà Thiên Chúa mãi mãi, nhưng trước tiên, có những việc khó khăn phải làm trên trái đất này nhằm chuẩn bị chính mình cho cõi đời
đời yêu thương mai ngày. Thiên Chúa rèn luyện chúng ta bằng việc trao cho chúng ta “những trách nhiệm gia đình”, và điều trước nhất của những trách nhiệm này là tập yêu thương.
Để có thể phát triển kỹ năng yêu thương, Thiên Chúa muốn bạn thường xuyên gần gũi với những anh chị em tín hữu khác. Yêu thương không thể học một mình. Bạn phải chung đụng với những người khác – những người khó chịu, bất toàn và gây bực tức. Qua các mối tương giao, chúng ta học được ba chân lý quan trọng này.
CÁCH SỐNG HAY NHẤT LÀ YÊU THƯƠNG
Yêu thương phải là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu số một và cũng là ước mong cao cả nhất của bạn. Yêu thương không phải là một phần tốt của cuộc sống, nhưng là phần quan trọng
nhất của cuộc sống. Kinh Thánh nói, “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến” (1Cr 14, 1a).
Sẽ không đủ khi nói, “Một trong những điều tôi muốn trong cuộc đời là sống yêu thương”, như thể nó nằm trong danh sách mười việc hàng đầu của bạn. Mối tương thân tương ái phải đặt cao hơn mọi thứ khác trong cuộc đời. Tại sao? Sống không yêu thương thì không đáng sống. Về điểm này, thánh Phaolô nói, “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 3).
Chúng ta thường hành động như thể các mối tương quan là một cái gì được gán ép vào chương trình sống. Chúng ta nói đến việc tìm giờ cho con cái, kiếm giờ cho những người khác. Điều đó đưa đến cảm tưởng các mối tương quan chỉ là một phần cuộc sống cùng với
nhiều bổn phận khác. Nhưng Thiên Chúa nói, các mối tương quan là tất cả cuộc sống.
Trong Mười Điều Răn, bốn điều nói đến tương quan với Thiên Chúa, sáu điều còn lại nói đến tương quan với những người khác. Vậy là cả mười điều cùng nói đến các mối tương
quan! Về sau, Đức Giêsu tóm tắt những gì hệ trọng nhất đối với Thiên Chúa trong một câu: mến Chúa yêu người. Ngài nói, “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như
chính mình. Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tuy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40). Sau khi học biết yêu mến Thiên Chúa (thờ phượng), thì học biết yêu thương những người khác là mục đích thứ hai của cuộc đời bạn.
Chính các mối tương quan, chứ không phải những thành đạt hay nhiều của cải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Vậy tại sao chúng ta lại xem nhẹ các mối tương quan? Khi lịch
làm việc trở nên quá tải, chúng ta bắt đầu cắt bớt các mối tương giao, xén bớt thời giờ, giảm bớt sức lực cũng như sự ân cần mà các mối quan hệ yêu thương đòi hỏi. Điều quan trọng
nhất đối với Thiên Chúa nay bị thay thế bởi những tất bật của cuộc sống.
Bận rộn là kẻ thù lớn của các mối tương quan. Chúng ta trở nên quá bận rộn với việc kiếm sống, làm việc, thanh toán các hoá đơn, hoàn thành các mục đích như thể chúng là trọng tâm
cuộc sống. Không phải thế. Trọng tâm cuộc sống là học biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Cuộc sống nếu trừ đi tình yêu chỉ còn là con số không.
Tình yêu sẽ tồn tại mãi. Một lý do khác mà Chúa dạy chúng ta phải ưu tiên đặt yêu thương lên hàng đầu là vì nó thuộc về vĩnh cửu. “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 13).
Yêu thương để lại một di sản. Cách bạn đối xử với những người khác là tác động bền vững nhất bạn sẽ để lại cho đời chứ không phải là sự giàu có hay những thành quả. Mẹ Têrêxa
nói, “Không phải những gì bạn làm là quan trọng, nhưng quan trọng là bạn đã đặt bao nhiêu tình yêu vào trong đó”. Yêu thương chính là bí mật của một di sản trường tồn.
Tôi đã từng có mặt bên giường của nhiều người hấp hối, khi họ đứng trước ranh giới của vĩnh cửu, tôi chưa bao giờ nghe ai trong họ nói, “Mang cho tôi những văn bằng! Tôi muốn nhìn thấy chúng một lần nữa. Đưa tôi xem những phần thưởng, những huân chương hay chiếc đồng hồ vàng mà tôi được tặng”. Khi cuộc sống trên trần gian sắp kết thúc, người ta không đặt quanh mình những vật này vật nọ. Những gì chúng ta muốn vây quanh mình chính là những con người – những người mà chúng ta yêu thương, những người chúng ta có quan hệ.
Vào phút cuối đời mình, tất cả chúng ta sẽ nhận ra rằng, các mối tương quan chính là tất cả cuộc sống. Sẽ rất khôn ngoan khi biết sớm sự thật đó hơn là khi đã muộn. Đừng đợi đến lúc sắp chết mới thấy không gì quan trọng hơn điều đó.
Chúng ta sẽ được xét xử về tình yêu. Lý do thứ ba để biến việc học biết yêu thương thành mục đích đời bạn là chúng ta sẽ được đánh giá trong cõi đời đời bằng chính yêu thương.
Một trong những cách Thiên Chúa đo lường sự trưởng thành thiêng liêng của bạn là xem coi phẩm chất các mối tương quan của bạn. Trên thiên đàng Ngài sẽ không bảo, “Nói cho Ta biết nghề nghiệp của con, tài khoản trong ngân hàng của con, sởthích của con”. Thay vào đó,
Ngài sẽ xét xem cách bạn cư xử với người khác, cách riêng những người túng thiếu: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).
Khi bước vào cõi đời đời, bạn sẽ để lại mọi thứ. Những gì bạn mang theo là chính con người của bạn. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói, “Quả thật, trong Đức Giêsu Kitô, cắt bì hay
không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6).
Biết được điều này, tôi đề nghị bạn mỗi sáng thức dậy, hãy quỳ gối hay ngồi cạnh giường mình và dâng lời nguyện này: “Lạy Chúa, ngày hôm nay con có làm được điều gì khác
hay không, con cũng muốn dành thời giờ để yêu mến Chúa và yêu thương anh em – vì đó là tất cả cuộc sống. Con không muốn để phí ngày hôm nay”. Tại sao Thiên Chúa lại phải ban
cho bạn một ngày mới để rồi bạn sẽ lãng phí nó?