Bài 18 – Gia Đình Thiên Chúa (P2)

0
2022

Thân Thể Đức Kitô cũng cần bạn. Thiên Chúa dành cho bạn một vai trò đặc biệt trong gia đình Ngài. Điều này được gọi là “sứ vụ” của bạn, và Ngài không ngừng ban ơn để bạn chu toàn trách vụ này: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12, 7).
Cộng đoàn của bạn là nơi Thiên Chúa đã đặt bạn để bạn khám phá, phát triển và sử dụng những gì Ngài trao cho bạn. Đức Giêsu chưa bao giờ hứa xây dựng sứ vụ của bạn; Ngài chỉ hứa xây dựng Hội Thánh của Ngài.

Bạn cũng chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô trong trần gian. Khi Đức Giêsu đến trần gian, Thiên Chúa hoạt động ngang qua con người thể lý của Ngài; hôm nay, Ngài lại sử dụng thân thể mầu nhiệm của Ngài. Hội Thánh chính là công cụ của Thiên Chúa trên trần gian. Chúng ta không chỉ noi gương tình yêu Thiên Chúa bằng cách yêu thương nhau; chúng ta còn phải cùng nhau mang tình yêu đó đến với những người còn lại trên thế gian. Đây là một đặc ân cao vời mà chúng ta cùng lãnh nhận. Là những chi thể của Thân Thể Đức Kitô, chúng ta la tay, là chân, là mắt, và là tim của Ngài. Qua chúng ta, chính Ngài hoạt động trong thế gian. Mỗi người đều có phần đóng góp của mình. Thánh Phaolô nói, “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2, 10).

Gia đình Hội Thánh sẽ giúp bạn khỏi thụt lùi. Không ai trong chúng ta được miễn khỏi cám dỗ. Rơi vào đúng hoàn cảnh, bạn và tôi đều có thể sa sẩy với bất cứ tội nào (1Cr 10, 12; Gr 17, 9; 1Tm 1, 19). Chúa biết điều này, nên Ngài giao cho mỗi người chúng ta trách nhiệm nâng đỡ lẫn nhau. Kinh Thánh nói, “Anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt” (Dt 3, 13). “Hãy lo chuyện của anh đi” không phải là lối nói của người Kitô hữu. Chúng ta được kêu gọi và được lệnh sống gắn bó với nhau. Nếu bạn biết có ai đang lung lạc tinh thần, thì chính bạn có trách nhiệm tìm kiếm họ, đem họ về lại trong mối hiệp thông. Thánh Giacôbê nói, “Nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5, 19-20).

Một ích lợi khác từ Giáo Hội là sự chăm sóc phần hồn do các vị chủ chăn. Thiên Chúa trao cho các mục tử trách vụ giữ gìn, bảo vệ, canh phòng, và săn sóc đàn chiên mình (Cv 20, 28-29; Pr 5, 1-4; Dt 13, 7.17). Chúng ta được nhắc nhở: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13, 17a).
Satan yêu thích những tín hữu sống tách biệt, không gắn liền với sự sống của Thân Thể, cô lập khỏi gia đình Thiên Chúa, không cần đến các mục tử, bởi vì nó biết họ không chống cự cũng như sẽ bất lực trước những mưu mô của nó.

CHỌN LỰA CỦA BẠN
Khi một đứa trẻ chào đời, nó đương nhiên trở thành một phần tử của toàn thể gia đình nhân loại. Trẻ ấy cũng cần trở nên thành viên của một gia đình riêng biệt nào đó để được nuôi dưỡng chăm sóc và lớn lên mạnh khoẻ. Đời sống thiêng liêng cũng vậy. Khi được tái sinh, bạn trở thành một phần tử của toàn thể gia đình Thiên Chúa.
Sự khác biệt giữa một người tham dự đến nhà thờ và một người của cộng đoàn là ở chỗ dấn thân. Những người tham dự đến nhà thờ là những khán giả ngoài cuộc; những người của cộng đoàn thì gắn bó với sứ vụ chung. Người tham dự là những khách hàng; người của cộng đoàn là những người đầu tư. Những người tham dự muốn nhận nhiều lợi ích từ Giáo Hội nhưng không muốn một trách nhiệm nào. Họ như những đôi bạn thích sống chung với nhau mà không muốn kết hôn.

Tại sao việc liên kết với Giáo Hội lại quan trọng đến thế? Bởi lẽ điều này chứng tỏ bạn gắn bó với những anh chị em thiêng liêng thực sự, chứ không chỉ trong lý thuyết. Thiên Chúa muốn bạn yêu thương những con người thật, chứ không phải những con người chỉ có trong ý tưởng. Bạn có thể bỏ ra cả đời để tìm cho mình một Giáo Hội hoàn hảo, nhưng sẽ không bao giờ có. Bạnđược kêu gọi để yêu thương những tội nhân bất toàn như chính Thiên Chúa đã yêu. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, các Kitô hữu ở Giêrusalem cam kết với nhau một cách rất cụ thể. Họ sống hết lòng cho mối hiệp thông.

Kinh Thánh nói, “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Ngày nay Thiên Chúa cũng mong chờ bạn cam kết những điều ấy.
Đời sống Kitô hữu không chỉ cam kết với Đức Kitô; đời sống đó còn bao gồm cam kết với các Kitô hữu khác nữa.

Các Kitô hữu ở Macêđônia hiểu rõ điều này. Thánh Phaolô nói, “Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa” (2Cr 8, 5). Gia nhập cộng đoàn Giáo Hội là bước tự nhiên kế tiếp một khi bạn đã trở thành con cái Thiên Chúa. Bạn trở nên một Kitô hữu bằng việc cam kết chính mình với Đức Kitô, nhưng lại trở nên con cái Hội Thánh bằng việc cam kết chính mình với những anh chị em tín hữu. Quyết định thứ nhất mang lại ơn cứu độ; quyết định thứ hai mang lại sự hiệp thông.

NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Tôi được kêu gọi để thuộcvề gia đình Thiên Chúa, chứ không chỉ để tin.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 5).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Mức độ dấn thân của tôi trong Giáo Hội có cho thấy tôi thực sự yêu mến và gắn bó với gia đình Thiên Chúa không?