Bài 21 – Khát Mong Hạnh Phúc Trường Sinh

0
1311

Các bạn thân mến,

Hạnh phúc là điều mà ai cũng khát mong. Thế nhưng “hạnh phúc trường sinh” có vẻ như vẫn còn là điều vừa lạ lẫm vừa không thực tế đối với chúng ta. Giữa cuộc sống vần xoay biến đổi này, có điều gì trường sinh vĩnh tồn chăng? Có thứ hạnh phúc gọi là hạnh phúc trường sinh chăng?

Dường như kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng cuộc đời này chỉ được làm nên từ những điều mỏng manh và tạm bợ. Giữa đường đời tôi đi, tôi kinh nghiệm quá nhiều điều nửa chừng và dang dở: niềm vui nửa chừng, hạnh phúc nửa chừng, bình an cũng nửa chừng. Đã bao lần tôi đi tìm cho tâm hồn mình một chút bình an, đã bao lần tôi mơ về một bến bờ hạnh phúc. Thế nhưng những thứ tốt đẹp ấy dường như chỉ là một giấc mơ không thực tế. Hạnh phúc và bình an đến với tâm hồn tôi như những dòng nước mát hiếm hoi vụt chảy lên giữa cơn nắng hạn của sa mạc cuộc đời. Nhưng đó chỉ là những nguồn nước chảy cầm chừng, cho tôi cái bình an và hạnh phúc nửa vời, rồi bỏ lại tôi với cái cảm giác chông chênh chới với.

Cũng không ít lần chúng ta phải cay đắng thừa nhận rằng cuộc sống này trần trụi và tầm thường hơn là chúng ta nghĩ. Trước những đổi thay lật lọng của cuộc đời, chúng ta thấy khó tin rằng có một điều gì đó trung tín và bền bỉ. Trong vòng xoáy bão lốc của chủ nghĩa tiêu thụ và tương đối, chúng ta dễ thấy rằng “hạnh phúc trường sinh” chỉ là một khái niệm mông lung mờ mịt, nếu không muốn nói là lố bịch và ảo tưởng. Từ tất cả những kinh nghiệm xương máu ấy, nhiều người tự nhủ: thôi, đừng có mơ!

Tránh né tìm kiếm những điều vĩnh tồn, người ta lao đầu vào những cái tạm bợ nhất thời. Những cái tạm bợ nhất thời dường như cũng có một sức hút kỳ lạ nào đó. Càng được, người ta càng thấy mình cần và thèm muốn hơn. Càng đi sâu vào, người ta càng trở nên lệ thuộc hơn. Càng đi tìm, người ta càng thấy mình lạc lối. Dần dần, người ta lún giữa một vòng xoáy kỳ lạ: chỉ liên tục vơ vào mình mà không bao giờ thấy thỏa mãn, chỉ dốc sức chiến đấu mà chẳng bao giờ thấy bình an.

Dĩ nhiên, những cái nhất thời tạm bợ làm sao có thể cho con người thoả mãn và bình an được. Những tiện ích của đời sống vật chất đôi khi lại khiến những nhu cầu tâm linh trở nên quay quắt. Những ồn ào hào nhoáng đôi khi lại khiến người ta mơ về một khoảng trời tĩnh lặng bình an, một hạnh phúc giản đơn bình dị. Thế nên càng lao vào chuyến hành trình của những điều nhất thời tạm bợ, cõi lòng người ta càng trống rỗng. Có nhiều người muốn mình càng ngày càng chai sạn đi để khỏi phải đối diện với những nỗi lo sợ mơ hồ và những khoảng trống chênh vênh giữa lòng mình.

Thực tế, người nào không dám mơ về những giá trị trường cửu, người ấy chỉ vùi mình vào hết thất vọng này đến thất vọng khác giữa những thay đổi vần xoay của bao điều tạm bợ. Không dám có một cái nhìn xa, người ta chỉ dán cặp mắt của mình vào những gì là tức thời và thực dụng. Nhưng tất cả những điều ấy tồn hữu được bao lâu? Cho người ta được cái gì? Hành trình sống là một hành trình có chiều dài, nên người ta đâu thể chỉ nuôi mình và tự vỗ về an ủi mình chỉ bằng những điều ngắn ngủi rời rạc.

Ước mơ về một hạnh phúc vĩnh tồn dường như là điều vốn đã tiềm hữu sâu xa trong tâm hồn mỗi con người, và là điều có thực hơn người ta nghĩ. Bất chấp người ta chạy trốn, bất chấp người ta ngó lơ, bất chấp người ta dùng đủ mọi cách để khỏa lấp, niềm khát khao ấy vẫn cứ lớn lên từng ngày trong con tim, vẫn đập từng nhịp đập bồi hồi trong tận thẳm sâu cõi lòng của mỗi con người. Nếu không trở về với thế giới tâm linh thẳm sâu của mình, nếu chỉ quay cuồng với những cái bên ngoài đập vào mình, đâu là giá trị của cuộc đời tôi? Không lẽ suốt đời tôi cứ phải quay quắt đi tìm, vì luôn thấy mình ở trong tình trạng thiếu thốn? Không lẽ suốt đời tôi cứ phải long đong với những cái vô thường bất định sao?

Tin Mừng Gioan (4, 1-42) kể lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop. Người phụ nữ này đi tìm hạnh phúc trong tình yêu và nhục dục. Chị phải thay đổi đến 5 đời chồng rồi mà vẫn chưa gặp được hạnh phúc thật cho cuộc đời mình. Chị kéo lê ngày đời của mình với con tim trống rỗng chới với và héo hắt. Thế mà chỉ sau vài câu mào chuyện của Đức Giêsu, người phụ nữ đã mường tượng nhận ra nơi con người này có điều gì đó khác lạ, có điều gì đó dẫu còn mơ hồ nhưng có thể thỏa mãn được niềm khát mong sâu thẳm của chị. Chị thưa: “Thưa Ngài xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát”

Đã bao giờ tôi thưa cùng Chúa điều ấy? Đã bao giờ tôi đủ khiêm tốn để nhận ra rằng thứ nước mát có thể làm thỏa dịu cơn khát thẳm sâu của hồn tôi là điều chỉ đến từ Thiên Chúa? Đó là điều tôi phải cầu xin để được ban cho chứ không phải là điều tôi cứ tham lam chiếm hữu thì có được. Nếu trong lòng tôi cứ quay quắt với một niềm khát mong sâu thẳm, phải chăng tôi đã chỉ cho phép mình uống từ những giếng nước tầm thường của cuộc đời: giếng vật chất, giếng danh vọng, giếng khoái lạc hay một giếng nước tạm bợ nào đó? Giêsu hiểu rất rõ về thực trạng ấy. Ngài khẳng định: “Ai uống nước này thì sẽ khát. Còn ai uống nước tôi sẽ cho, thì muôn đời sẽ không khát. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời!” (Ga 4, 14).

Đức Giêsu có thể làm cho người ta điều mà người ta không dám mơ tới. Đến với Giêsu, mỗi người đều có thể được biến đổi để trở nên một suối nguồn của tình yêu, của niềm vui, của hạnh phúc. Chính nơi họ sẽ trở nên một mạch nước không bao giờ vơi cạn. Cùng Giêsu, Người ta có thể vui với những niềm vui không lụi tàn, bình an với những niềm bình an sâu lắng không thể bị cất đi, và hạnh phúc với những niềm hạnh phúc tuyệt vời đến độ không ai lấy được. Vâng, một khi đã chạm được đến suối nguồn, đã được suối nguồn trào chảy trong mình, làm sao người ta có thể khát được nữa chứ! Họ có thể đủ dẻo dai để đi giữa những cơn nắng hạn của sa mạc cuộc đời, đủ an nhiên mà sống giữa miền bão tố, đủ vững mạnh để vượt thoát những ngọt ngào mời gọi của cám dỗ. Họ như một suối nguồn lan tỏa để có thể chia sẻ cho những người mà mình gặp gỡ chính niềm vui, bình an, và hạnh phúc trong thẳm sâu tâm hồn mình.

“Tôi coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời
là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi,
vì Người tôi đành mất hết,
và tôi coi mọi sự như rác rưởi…
để được biết Đức Kitô và được kết hợp với người” (Pl 3, 8)
Lạy Chúa Giêsu!

Chúa không chỉ hấp dẫn chúng con
bởi những lời giáo huấn hay của Chúa,
Chúa không chỉ đánh động chúng con
bởi con tim yêu thương bao la của Chúa,
Nhưng quan trọng hơn nữa
nơi Chúa, chúng con luôn kín múc được cho mình
một nguồn sống dồi dào,
một suối nguồn bình an và hạnh phúc.

Chúa là kho tàng ẩn chứa bao điều vô giá
luôn có thể làm thỏa cơn khát của tâm hồn chúng con
Chúa là cội rễ căn nguyên của những giá trị vĩnh cửu
cho chúng con những điều tốt đẹp chẳng bao giờ tàn lụi.

Xin dần giải gỡ chúng con
khỏi những đa mang níu kéo của cuộc đời
Xin mở đôi mắt tâm hồn chúng con,
để chúng con nhìn ra những giá trị tuyệt vời nơi Chúa.
Xin mở rộng con tim chúng con
để chúng con ôm ấp Chúa
như là giá trị quý giá nhất của đời mình
và xin cho chúng con luôn được sống với niềm vui chan chứa.
nhờ có Chúa là mối lợi tuyệt vời của cuộc đời chúng con. Amen

Bài hát kết thúc: ĐỒNG XANH THƠ
Tác giả: Cao Huy Hoàng
Thể hiện: Ca Đoàn Thiên Cung