Bài 21 – Vun Đắp Cộng Đoàn

0
1893

Phần 1

Phần 2

“Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đem gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3, 18).
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi cam kết. Chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể kiến tạo hiệp thông
thật sự giữa các tín hữu, nhưng Ngài vun đắp sự hiệp thông đó với những chọn lựa và cam kết của chúng ta. Thánh Phaolô nói đến trách nhiệm hỗ tương này khi viết, “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau”(Ep 4, 2-3).
Để có một cộng đoàn tín hữu yêu thương, phải cần đến quyền năng của Thiên Chúa và cả những nỗ lực của con người. Thật không may, nhiều người lớn lên trong những gia đình mà các mối tương quan vốn không lành mạnh nên họ thiếu mất những kỹ năng cần thiết để sống một đời sống tương quan
đích thực. Họ phải được giáo dục để biết cách sống với người khác, liên kết với người khác trong gia đình Thiên Chúa. May thay, Tân Ước có rất nhiều chỉ dẫn cho việc làm thế nào để chia sẻ một đời sống chung. Thánh Phaolô viết, “Tôi viết cho anh thư này… sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống” (1Tm 3, 14-15).
Nếu bạn mệt mỏi vì những mối tương quan giả tạo đồng thời ước ao xây dựng mối hiệp thông thật, một cộng đoàn yêu thương trong nhóm nhỏ của mình như lớp học Chúa Nhật hay lớp học trong giáo xứ, bạn phải đối diện với những chọn lựa khá khó khăn và mạo hiểm.
Vun đắp cộng đoàn đòi hỏi thành thật.
Bạn phải chịu khó nói lên sự thật cách yêu thương cả khi chỉ muốn giải thích vắn gọn cho qua chuyện hay lờ đi một vấn đề. Giữ im lặng thì dễ hơn khi thấy những người chung quanh đang tự làm hại họ hay làm hại những người khác với một nếp sống tội lỗi nào đó, nhưng im lặng như thế không phải là yêu thương. Trong cuộc sống, phần lớn người ta không có một ai đó yêu thương họ đủ để nói cho họ sự thật (cả khi đó là một sự thật nhức nhối), nên họ cứ tiếp tục lối sống tự huỷ chính mình. Thông thường, chúng ta biết những gì cần nói với một ai đó, nhưng những nỗi lo ngại lại ngăn cản chúng ta mở lời. Nhiều mối tương quan đang bị huỷ hoại ngấm ngầm cũng vì những ái ngại này: Không ai can đảm nói ra cho nhóm mình khi cuộc sống của một thành viên nào đó đang đi đến chỗ suy sụp.
Kinh Thánh nói, chúng ta phải “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4, 15) bởi lẽ không thể có một cộng đoàn nếu ở đó không có chân thành. Vua Salomon nói, “Ai trả lời thẳng thắng mới là người bạn thật” (Cn 24, 26). Một đôi khi, điều này có nghĩa là phải ân cần đủ để yêu thương gặp gỡ người anh em đang sống trong tội hay bị cám dỗ sắp phạm tội. Thánh Phaolô nói, “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy” (Gl 6, 1a). Nhiều mối hiệp thông trong Hội Thánh và nhóm nhỏ vẫn mãi hời hợt, hình thức chỉ vì người ta ngại xung đột. Một khi có vấn đề có thể đưa đến căng thẳng và trục trặc, lập tức nó được giải thích sơ lược cho qua chuyện để giữ lấy cảm thức bình an giả tạo. Rồi anh chàng “Đừng Đảo Lộn Tình Thế” nhảy vào, tìm cách xoa dịu mọi người. Vì thế, vấn đề không bao giờ được giải quyết và mọi người sống trong mệt mỏi, chán nản. Ai cũng biết vấn đề nhưng không ai dám bộc lộ. Điều này tạo nên một môi trường bệnh hoạn đầy bí mật, nơi các cuộc ngồi lê đôi mách xầm xì nhỏ to được mùa rộ nở. Giải pháp của thánh Phaolô thì thẳng thắn: “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4, 25).

Hiệp thông thật, hoặc trong hôn nhân, trong tình bằng hữu, hay trong Hội Thánh tuỳ thuộc vào sự thẳng thắn. Thật ra, đường hầm xung đột chính là lối dẫn đến sự nghĩa thiết trong bất cứ tình thân nào. Nếu không nhạy bén đủ để đối diện và giải quyết những rào cản ngấm ngầm đó, chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành. Khi giải quyết xung đột đúng đắn, bằng cách đối diện và giải toả những khác biệt, chúng ta sẽ cùng nhau lớn lên. Kinh Thánh nói, “Kẻ dám khiển trách người, cuối cùng lại được người quý yêu hơn kẻ chỉ buông lời xu nịnh” (Cn28, 23).
Thẳng thắn không phải là giấy phép để nói bất cứ điều gì, nói bất cứ ở đâu, nói bất cứ khi nào bạn muốn. Thẳng thắn chứ không thô lỗ. Kinh Thánh dạy, làm việc gì cũng phải biết đúng lúc đúng cách (Cn 8, 6).
Những lời nói không suy nghĩ để lại những vết thương triền miên. Chúa bảo chúng ta nói năng với nhau trong Hội Thánh như nói với người trong gia đình: “Đừng nặng lời với cụ già, khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch” (1Tm 5, 1-2).
Buồn thay, hàng ngàn mối hiệp thông đổ vỡ bởi thiếu thành thật. Thánh Phaolô khiển trách Hội Thánh Côrintô vì sự im lặng để cho đời sống vô luân xảy ra trong cộng đoàn.
Vì không ai can đảm đương đầu với vấn đề, nên ngài nói, “Phần tôi… tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt tại chỗ… Tôi muốn nói anh em đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế. Thật vậy, xét xử người ngoài đâu phải là công việc của tôi. Còn người trong đạo, anh em không được xét xử hay sao?” (1Cr 5, 3-12).
Vun đắp cộng đoàn đòi hỏi khiêm tốn. Cho mình là quan trọng, tự mãn, kiêu ngạo và cố chấp sẽ phá huỷ sự hiệp thông nhanh hơn bất cứ điều gì khác. Kiêu ngạo dựng lên những bức tường, còn khiêm tốn thì kiến tạo những chiếc cầu giữa người với người. Khiêm tốn là dầu xoa dịu các mối tình thân. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói, “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau” (1Pr 5, 5b).
Chiếc áo phù hợp nhất cho sự hiệp thông chính là thái độ khiêm tốn. Phần còn lại của câu Kinh Thánh đó nói rằng, “Vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5c). Đây cũng là một lý do để chúng ta khiêm tốn: Kiêu ngạo ngăn cản ân sủng Thiên Chúa đến với chúng ta, ân sủng mà chúng ta cần để giúp kẻ khác lớn lên, để đổi thay, để chữa lành và nâng đỡ họ. Chúng ta đón nhận ơn Chúa bằng việc khiêm tốn nhìn nhận chúng ta cần ơn Ngài. Kinh Thánh nói, mỗi khi chúng ta kiêu căng, chúng ta sống đối nghịch với Thiên Chúa! Đó là một lối sống khờ khạo đầy hiểm nguy. Bạn có thể trau dồi khiêm tốn bằng nhiều cách thực tế: nhìn nhận những yếu hèn của mình, nhẫn nại với yếu đuối của người khác, sẵn sàng sửa sai, tập trung chú ý đến người khác. Thánh Phaolô khuyên, “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (Rm 12, 16).
Với các tín hữu Philipphê, ngài viết, “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 3-4).
Khiêm tốn không phải là nghĩ ít về mình, nghĩ mình kém cỏi; nhưng khiêm tốn là ít nghĩ đến mình, mà nghĩ đến người khác nhiều hơn. Người khiêm tốn tập trung vào việc phục vụ những người khác đến nỗi quên đi bản thân.
Vun đắp cộng đoàn đòi hỏi tế nhị. Tế nhị là trân trọng những khác biệt, những cảm xúc của người khác và kiên nhẫnvới những ai làm chúng ta bực mình. Kinh Thánh nói, “Mỗi người chúng ta phải chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ và để xây dựng” (Rm 15, 2). Thánh Phaolô nói với Titô, “Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3, 2).
Trong mọi cộng đoàn hay mọi nhóm nhỏ, luôn luôn có ít nhất một người “khó tính”, thường là nhiều hơn. Những người này có thể có một nhu cầu tình cảm đặc biệt, một bất an sâu xa, một sự lập dị gây khó chịu hoặc ít khả năng giao tế. Bạn có thể gọi họ là những người CƠCCR – “Cần Ơn Chúa Cách Riêng”.
Chúa đặt những người này giữa các cộng đoàn vì lợi ích của họ cũng như vì ích lợi của mỗi người. Họ là cơ hội cho tình hiệp thông được lớn lên cũng như được thử nghiệm: Chúng ta có yêu thương họ như những anh chị em của mình và đối xử với họ cách kính trọng không?
Trong một gia đình, việc chấp nhận nhau không dựa trên nền tảng bạn thông minh, xinh xắn hay tài năng đến đâu. Chấp nhận nhau đặt nền tảng trên sự kiện là chúng ta thuộc về nhau.
Chúng ta gìn giữ và bảo vệ gia đình mình. Một thành viên gia đình có thể là người ngớ ngẩn, nhưng người ấy là người nhà của chúng ta. Cũng vậy, Kinh Thánh nói, “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10).
Sự thật là tất cả chúng ta đều có những nết xấu và những điểm gây phiền hà cho người khác. Nhưng cộng đoàn sẽ không ích gì nếu chúng ta hoàn toàn hợp nhau. Nền tảng của mối hiệp thông giữa chúng ta là vì chúng ta thông hiệp với Thiên Chúa: Chúng ta thuộc cùng một gia đình, con cùng một Cha.
Một trong những yếu tố đem lại sự tinh tế là hiểu biết lẫn nhau, biết gốc gác của nhau. Hãy tìm hiểu lai lịch của nhau. Khi biết những gì người anh em đã trải qua, bạn sẽ dễ cảm thông. Thay vì nghĩ họ còn thiếu sót, hãy nghĩ họ đã tiến bộ biết bao mặc dầu ở đó vẫn còn những thương tổn.
Một khía cạnh khác của tế nhị là không xem thường những nghi ngại của người khác. Nếu bạn không sợ một điều gì đó thì không vì thế mà bạn có thể coi thường điều đó nơi người khác. Một cộng đoàn là cộng đoàn thực sự khi mọi người thấy đó là nơi an toàn đủ để chia sẻ những nghi ngờ và sợ hãi mà không sợ bị đoán xét.
Vun đắp cộng đoàn đòi hỏi tín cẩn. Chỉ trong bầu khí an toàn, nồng thắm tình người, chấp nhận lẫn nhau đầy tín cẩn mà mọi người sẽ sẵn sàng cởi mở chia sẻ những vết thương lòng, những thiếu thốn cũng như những lỗi lầm sâu kín nhất của họ. Tín cẩn không có nghĩa là giữ im lặng đang khi anh chị em mình phạm tội. Tín cẩn có nghĩa là những gì chia sẻ phải được giữ kín trong nhóm để cùng giải quyết, chứ không xầm xì để người khác biết.
Thiên Chúa ghét việc ngồi lê đôi mách, đặc biệt khi nó trá hình khôn khéo như để “xin lời cầu nguyện” cho người nào đó. Thiên Chúa nói, “Kẻ dối gian gây bất hoà tranh chấp, tên mách lẻo chuyên chia rẽ bạn bè” (Cn 16, 28).
Xầm xì luôn gây tổn hại, chia rẽ và phá huỷ hiệp thông. Chúa biết rõ chúng ta phải đương đầu với những kẻ gây chia rẽ giữa các Kitô hữu (Tt 3, 10). Họ có thể nổi giận và rời bỏ nhóm hoặc Hội Thánh nếu như bạn đặt vấn đề chia rẽ do họ gây ra.
Thế nhưng, hiệp thông trong Hội Thánh thì quan trọng hơn bất cứ một cá nhân nào. Vun đắp cộng đoàn cần phải làm thường xuyên. Để xây dựng hiệp thông thực sự, bạn phải gặp gỡ nhóm mình thường xuyên và đều đặn. Tương quan nào cũng cần có thời gian. Kinh Thánh nói với chúng ta, “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại phải khuyến khích nhau” (Dt10, 25). Chúng ta phải tập cho được thói quen gặp gỡ nhau. Thói quen là một cái gì bạn làm thường xuyên, chứ không tuỳ dịp. Bạn phải mất thời giờ – rất nhiều thời giờ – để xây dựng những mối tình thân sâu sắc. Đây là lý do tại sao sự hiệp thông xem ra đang hời hợt trong nhiều Hội Thánh; chúng ta không dành thời giờ đủ cho nhau, và thời giờ chúng ta dành ra, thông thường là để lắng nghe chỉ một người nói.
Cộng đoàn không được xây dựng trên sự thuận tiện (chúng ta sẽ gặp nhau khi nào tôi cảm thấy thích) nhưng được xây dựng trên niềm xác tín rằng, tôi cần cộng đoàn để có một đời sống thiêng liêng vững mạnh. Nếu bạn muốn xây dựng mối hiệp thông thật, điều đó có nghĩa là gặp gỡ nhau, cả khi bạn không thích, bởi bạn biết rằng điều đó quan trọng. Các Kitô hữu đầu tiên gặp nhau mỗi ngày! “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2, 46). Hiệp thông đòi hỏi đầu tư thời gian. Nếu bạn là thành viên của một nhóm hay của một lớp, tôi khuyến khích bạn hãy làm một bản cam kết của nhóm gồm chín đặc điểm của sự hiệp thông lấy từ Kinh Thánh: Chúng ta sẽ chia sẻ những tâm tình chân thật (chính thực), động viên nhau (hỗ tương), nâng đỡ nhau (cảm thông), nói lên sự thật trong yêu thương (thành thật), tha thứ cho nhau (thương xót), đón nhận những yếu đuối của nhau (khiêm tốn), tôn trọng những khác biệt (tế nhị), không bàn tán (tín cẩn), và xem nhóm là ưu tiên (thường xuyên).
Nhìn vào bản liệt kê các đặc điểm đó, bạn mới hiểu rõ lý do tại sao hiệp thông chính hiệu lại quá hiếm hoi. Điều đó có nghĩa là bạn phải dẹp bỏ sự hướng ngã và tự lập để trở nên biết tuỳ thuộc vào người khác. Nhưng những lợi ích của việc cùng nhau chia sẻ đời sống thì quý hơn gấp bội những gì phải trả và nó chuẩn bị chúng ta cho cõi thiên đàng.

NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Cộng đoàn đòi hỏi cam kết.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Làm sao tôi có thể giúp vun đắp những đặc điểm của một cộng đoàn đích thực ngay hôm nay trong nhóm hay trong Giáo Hội của tôi?