Bài 26 – Rửa Chân

0
2070

Các bạn thân mến,

Thánh Gioan kể lại rằng: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng… Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 1. 2-5).

Dừng lại nơi hình ảnh Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta gặp được hình ảnh của một Thiên Chúa cúi mình xuống trên con người. Cúi xuống là để đồng hành với con người. Cúi xuống là để dạy dỗ và yêu thương con người. Thiên Chúa có cúi xuống thì con người mới được nâng lên và được cứu rỗi. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người là tình yêu đến nỗi ban Con Một của mình cho thế gian (Ga 3, 16). Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu đến trần gian để nói về tình yêu và để nối dài tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Giêsu đã yêu là yêu cho đến cùng. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu đến cùng.

Những người sống trong thế gian là những con người bất toàn, yếu đuối, dễ lỗi phạm, dễ sa ngã. Đó là những người được Thiên Chúa yêu, và yêu đến cùng. Trong buổi tiệc cuối cùng với các môn đệ thân tín của mình, Đức Giêsu trăn trối lại tình yêu ấy. Trọn vẹn nghĩa cử mà Đức Giêsu thực hiện cho các môn đệ của mình trong buổi Tiệc Ly trở nên một điều răn mới, gói ghém trọn vẹn con tim của Giêsu: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13, 34).

Yêu thương là hạ mình để phục vụ, như Thiên Chúa đã yêu thương và hạ mình xuống trên con người, như Đức Giêsu đã yêu thương hạ mình và trở nên tan nát để phục vụ sự sống đời đời của những người môn đệ. Đó là điều mà một người môn đệ thật sự được mời gọi để sống: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).

Tuy nhiên những người được Đức Giêsu mời gọi yêu thương là những người còn sống trong thế gian. Nơi mà Đức Giêsu muốn cho điều răn yêu thương được thực hiện chính là trong thế gian này. Đây luôn là một thách đố cho những người môn đệ của Giêsu.

Phêrô lớn tiếng bày tỏ sự e ngại khi Đức Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho ông. Sự e ngại ấy tự nhiên biết bao. Giêsu là Thầy, là người mà ông bước theo. Con đường của Giêsu cũng sẽ là con đường của ông. Thường thường, bước đi trên đường đời, ai mà chẳng thích đứng thẳng chỉ tay hơn là quỳ gối phục vụ, ai mà chẳng thích ngẩng đầu kiêu hãnh hơn là phải cúi đầu khiêm hạ.

Thế nhưng con đường của Giêsu lại đi ngược lại với những cái thường thường như thế của thế gian. Thế gian dạy người ta đua chen tranh dành để làm lớn, Đức Giêsu dạy các môn đệ của mình sống khiêm hạ yêu thương. Thế gian dạy người ta sống ích kỷ để thoải mái thừa hưởng nhiều bao nhiêu có thể, Giêsu dạy các môn đệ của mình từ bỏ để trao ban. Thế gian dạy người ta đứng thẳng huênh hoang để khẳng định mình, Giêsu dạy người ta cúi mình để phục vụ. Thế gian dạy người ta ở yên trong những vị thế ngon lành mà mình đã chiếm được, Giêsu dạy người ta đứng dậy, rời khỏi chiếc ghế của mình, cởi bỏ những tiện nghi được khoác cho riêng mình, dùng chính những tiện nghi ấy để phục vụ cho người chung quanh.

Đây là một bài học khó, vì vinh quan trần thế luôn có cái lấp lánh hấp dẫn của nó. Tuy nhiên, vinh quang ấy cũng luôn đòi những giá trả đắt đỏ. Vinh quang trần thế dường như là điều chỉ đạt được bằng việc tước đoạt của người khác, đạp người khác xuống để vươn lên. Giáo huấn của Đức Giêsu bắt người môn đệ phải đi ngược với dòng đời. Nhưng nếu giáo huấn ấy được thực hiện, thế gian này sẽ đâu còn là một bãi hỗn chiến tan thương…

Giêsu biết không chỉ lý thuyết thì có thể thấm vào lòng trí các môn đệ của mình. Ngài đã thực hiện bài học ấy bằng trọn con người mình. Bài học mà một người môn đệ được mời noi theo, là nhìn vào và bắt chước tấm gương sáng chói của Thầy mình. Đức Giêsu vẫn từng ngày cúi mình xuống trên đời tôi, vẫn yêu thương hiến mình từng ngày cho tôi. Giêsu vẫn khát mong rằng một khi được lãnh nhận tình yêu từ Giêsu, chính tôi lại có thể trở nên một suối nguồn trào tuôn tình yêu cho người khác.

Để rửa chân cho nhau, một lần nữa người môn đệ của Giêsu được mời gọi hạ mình xuống. Để có thể cúi mình xuống trước anh em, tôi cần phải luôn ghi nhớ rằng chính Thiên Chúa đã cúi xuống trên tôi trước. Để có thể yêu thương phục vụ cho anh em mình, tôi luôn cần ghi nhớ rằng chính Thiên Chúa đã yêu thương phục vụ tôi trước. Để có thể hy sinh từ bỏ một chút gì đó cho anh chị em của mình, tôi luôn cần nhớ rằng chính Đức Giêsu đã bỏ cả mạng sống mình vì tôi. Chiêm ngắm từng động tác của Giêsu trong buổi tiệc ly, tôi có thể nhận ra lời mời gọi dành cho chính mình: tôi đứng lên, rời khỏi chỗ ngồi của mình, tôi quỳ xuống rửa chân cho những người anh chị em của mình.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa vẫn cúi mình xuống
để rửa chân cho chúng con từng ngày
đôi chân đã bao lần cứng cỏi cố chấp,
cứ mê mải lao theo một hướng đi
mà không thèm biết mình đang đi về đâu.
Đôi chân đã lấm lem bụi đời.
Đôi chân đã nên chai sần sỏi đá
vì những va vấp trên đường đời.
Đôi chân sẵn sàng giẫm đạp lên người khác,
để thăng tiến thẳng bước trên con đường của mình.

Xin dòng nước mát từ Chúa tẩy rửa đôi chân chúng con
Xin đôi tay mềm mại của Chúa uốn nắn đôi chân chúng con.
Xin tình yêu bao la từ con tim Chúa thấm đẫm vào con tim chúng con,
để chúng con luôn có thể sống cuộc đời mình như một hy lễ
để cuộc sống chúng con trở nên như một tấm bánh bẻ ra mỗi ngày
để trao ban cho nhiều người khác
để tình yêu của Chúa luôn được nối dài
và thắp sáng mãi trong thế gian của chúng con. Amen

Bài hát kết thúc: ĐÊM GIÃ TỪ
Sáng tác: Khuất Duy Linh, S.J
Thể hiện: Mai Thảo – Tấn Đạt – Trung Thông