Các bạn thân mến,
Tin Mừng Phục Sinh bắt đầu với hình ảnh một người phụ nữ đứng bên ngôi mồ trống. Đó là lúc đất trời còn mờ tối. Ánh bình minh còn lẩn khuất đâu đó bên kia sườn đồi. Người phụ nữ đứng bên ngoài ngôi mộ mà khóc.
Khung cảnh ấy gợi lên thật nhiều điều để chúng ta có thể suy niệm về Tin Mừng Phục Sinh. Vâng, đứng trước Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta cần có một cặp mắt biết chiêm ngắm và suy niệm. Nhờ đó tâm trí chúng ta mới có thể được khai mở để đón nhận, và con tim chúng ta mới có thể được đụng chạm để sống Tin Mừng ấy mỗi ngày trong chính cuộc đời mình.
Các Tin Mừng kể lại rằng đó là buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần. Đó là khởi đầu của một ngày mới, một tuần mới, một sự sống mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó cái lờ mờ của màn đêm, cái lạnh vắng của sương khuya, cái thâm u của chốn huyệt mộ. Maria Mađalena đứng khóc giữa cái nhập nhoạng như thế của cũ và mới, của tối và sáng, của đêm và ngày.
Cái nhập nhoạng của đất trời phản ánh chính tình trạng nhập nhoạng trong tâm hồn Maria Mađalena. Maria dành cho Thầy Giêsu một tình yêu đặc biệt. Thế nên cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu hẳn để lại trong lòng bà một vết thương khủng khiếp. Mang trong lòng nỗi đau mới nguyên ấy, bà tìm đến huyệt mộ của Thầy Giêsu. Bà chăm chú nhìn vào ngôi mộ trống và òa khóc. Bà chỉ biết cúi xuống trên nỗi đau của mình chứ không biết ngẩng đầu lên. Bà chỉ chăm bẵm vào ngôi mộ trống mà không ý thức được ánh bình minh của một ngày mới đang dần hiển lộ xung quanh. Bà cũng không nhớ gì về niềm hy vọng Phục Sinh mà Thầy Giêsu đã tiên báo. Hơn thế nữa, nỗi đau trong lòng còn ghì buộc đến độ Maria không nhận ra được cả Thầy của mình khi Người xuất hiện. Chúa đến trước mặt Maria. Maria nhìn Chúa như nhìn một người khách lạ.
Trong chính tâm hồn mình, có lẽ chúng ta cũng thường kinh nghiệm nhiều về tình trạng như thế. Cái cũ kỹ tối tăm của nỗi đau và đổ vỡ mất mát luôn có một sức ghì khủng khiếp. Có những người đi qua một tai biến nào đó của cuộc sống, tưởng rằng mình đã vượt thoát, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đọng lại dai dẳng trong lòng họ. Con tim họ vẫn cứ ù lì cố chấp và không chịu buông rơi nỗi đau của mình. Cả cuộc sống họ luôn bị ám ảnh với những hoài niệm đau thương về quá khứ. Họ gặm nhấm nó trong nặng nề bi lụy. Thế nên những người đau khổ thường chỉ thấy nỗi đau của mình. Chìm trong nỗi đau riêng ấy, người ta thường không nhận ra dấu hiệu của một sự sống mới, một chân trời mới, một bình minh mới vẫn đang không ngừng hiển lộ trước mắt. Chìm trong nỗi đau ấy, những gì thân thuộc đáng mến trong cuộc sống quanh họ cũng trở thành xa lạ tang tóc.
Thật lạ là Tin Mừng Phục Sinh lại bắt đầu với một khung cảnh nhập nhoạng với nhiều tàn tích của nỗi đau như vậy. Thế nhưng cũng chính trong khung cảnh ấy mà Tin Mừng Phục Sinh trở nên một Tin Mừng giải phóng. Tin Mừng ấy dẫn con người ra khỏi bóng tối của đau đớn, thất vọng, buồn chán đến với việc được chữa lành, hy vọng và vui mừng. Tin Mừng Phục Sinh đưa con người từ sự chết đến sự sống.
Này bà, sao bà khóc? Theo trình tự thời gian được sắp xếp trong các Tin Mừng, đây là câu nói đầu tiên của Đức Giêsu Phục Sinh. Là người đã phải đi qua bao thăng trầm vất vả trong cuộc đời làm người, hơn ai hết Giêsu trở nên gần thật gần với những giọt nước mắt con người. Là người đã đi qua bao thống khổ của cuộc Thương Khó, hơn ai hết Giêsu trở nên gần thật gần với nỗi đau, với niềm tuyệt vọng, với nỗi sợ hãi và hoang mang trong con tim nhân loại. Thế nên câu đầu tiên của Đức Giêsu Phục Sinh không phải là khoe ra vinh quang của mình, không phải là tuyên báo chiến thắng của mình. Nghĩa cử đầu tiên của Đức Giêsu Phục Sinh chính là sự ân cần quan tâm đến nỗi đau của con người.
Này bạn, sao bạn khóc? Bạn tìm ai? Đức Giêsu vẫn từng ngày hỏi tôi câu hỏi ấy. Bạn có dám tin rằng Giêsu vẫn từng ngày đến bên bạn, vẫn luôn sẵn sàng là một người thông cảm, chia sẻ, ủi an và cùng gồng gánh với bạn trong những nỗi đau kiếp người không?
Này bạn, sao bạn khóc? Nếu chỉ nhìn cuộc sống này ngắn ngủi với những cái diễn ra trước mắt, chúng ta luôn có lý do để khóc. Có những người đi qua nỗi đau, họ đặt câu hỏi có phải Chúa đã chơi ác với họ, có phải Chúa thử thách họ quá sức? Đức Giêsu đã đi qua cuộc Thương Khó đẫm máu và nước mắt để dạy chúng ta về giá trị của thử thách trong cuộc đời. Chỉ những người nào đi qua Thương Khó thì mới hiểu đúng giá trị của Phục Sinh. Chỉ người nào trải qua đau khổ cuộc đời thì mới thưởng nếm trọn vẹn niềm vui được Thiên Chúa cứu vớt.
Để sống trong niềm vui và hy vọng, chúng ta không thể chỉ chú tâm vào hiện tại bi đát của mình. Đôi khi, chúng ta được mời gọi nhìn lại quá khứ của mình, nhìn lại những lần mình đã phải đối mặt với ngõ cụt, những lần tưởng rằng mình đã hết đường vượt thoát, và đó cũng là những lần chúng ta được ơn Chúa giải thoát và dẫn đi cách kỳ diệu. Chúng ta được mời gọi nhìn quanh những biến cố xảy ra trong cuộc đời để thấy vòng tay bảo bọc của Thiên Chúa, để thấy rõ sức sống của Đức Kitô Phục Sinh đang hiển lộ nơi mọi người, nơi mọi sự. Chúng ta cũng được mời nhìn đến tương lai, với trọn niềm hy vọng và tin tưởng vào lời hứa tốt đẹp mà chính Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Chúa đã gọi đích danh Maria
bằng cái tên thân thuộc của bà
Nghĩa cử yêu thương ấy
đã kéo Maria ra khỏi nỗi đau riêng mình.
Đưa bà vào một đời sống mới
với tràn ngập niềm vui.
Xin Chúa cũng gọi tên chúng con,
những lúc chúng con bị dìm vào nỗi đau đớn khốn quẫn.
Xin Chúa đụng chạm đến tâm hồn chúng con
để chúng con có thể vui sướng thốt lên: tôi đã thấy Chúa.
Xin Chúa đến với chúng con mỗi ngày,
và khơi dậy trong chúng con
bao niềm hy vọng tưởng chừng đã lụi tắt.
Xin Chúa ở lại với chúng con mỗi ngày
để chúng con được sống trong niềm vui chan chứa,
niềm vui được dự phần vào sự sống vĩnh cửu
cùng với Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết
vì yêu thương chúng con. Amen
Bài hát kết thúc: SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ
Tác giả: Thy Yên
Thể hiện: AC&M