Bài 3 – Các Bạn Tìm Gì Thế

0
1320

Các bạn thân mến,

Là những người trẻ bước chân vào đời, chúng ta có thể thấy nơi mình có nhiều điều giống với các môn đệ của Đức Giêsu ngày xưa. Hồi đó, có hai môn đệ của Gioan được giới thiệu đến với Đức Giêsu. Họ đến cùng Giêsu với ước mong tìm được một người thầy giỏi có thể giúp mình xây dựng cuộc đời, xây dựng tương lai. Thấy hai người đi theo mình, Đức Giêsu ngoảnh lại và hỏi: “Các bạn tìm gì thế?” (Ga 1, 38). Câu hỏi của Đức Giêsu thật đơn giản nhưng lại hết sức quan trọng, nhất là đối với những người trẻ đang trên hành trình tìm kiếm tương lai.

“Các bạn tìm gì thế?” cũng là câu hỏi mà ngày nay Đức Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta, cho từng người, cho chính tôi. Tôi muốn gì? Tôi ước mơ gì? Tôi khao khát điều gì? Hãy để cho câu hỏi của Giêsu đụng chạm vào trái tim tôi, soi chiếu những góc khuất trong tâm hồn tôi. Hãy để cho tôi được một lần đối diện thật sự với con tim của mình và thật sự hiểu được mình.

Để biết mình tìm gì, trước hết người ta phải biết mình muốn gì. Câu hỏi này cũng đơn giản, nhưng nó lại không dễ để trả lời. Có nhiều khi chúng ta rất giỏi trong việc vùi đầu vào những kế hoạch mà người khác đã vẽ ra cho mình, mà thường không biết và cũng chẳng quan tâm mình muốn gì. Trong cuộc sống thường ngày, dường như tôi cảm thấy dễ dàng khi để cho mình bị chi phối từ những thị hiếu bên ngoài, hơn là thật lòng lắng nghe tiếng nói của con tim mình. Thế nên tôi dễ bị lèo lái bởi nhiều điều, tôi dễ bắt chước và ăn theo nhiều người khác. Thấy người ta thích, tôi cũng thích, thấy người ta ghét tôi cũng ghét.
Hơn nữa, dường như ước mơ trong lòng mỗi người, nhất là những người trẻ chúng ta, thường là một tập hợp hỗn tạp. Tôi mơ mộng nhiều điều, nhưng hình như có rất nhiều điều trong những mơ ước của tôi là do thế giới bên ngoài đập vào tôi, có những điều là ước mơ của người khác dần dần được tôi nhận làm của mình, cũng có những điều như một trào lưu của xã hội mà tôi bị cuốn vào và cứ tưởng rằng đó là ước mơ thật của lòng mình. Lạc giữa thế giới của những điều mơ mộng đan dệt như thế, có bao giờ tôi đủ can đảm dừng lại để tự hỏi: điều nào không phải là ước mơ của tôi, điều nào tôi đã chịu ảnh hưởng và vay mượn từ người khác?

Triết gia Socrates đã chọn cho mình câu châm ngôn triết lý để dạy các môn sinh: “hãy biết mình”. Theo ông: “đối với con người ở đời, biết mình là nguồn phát xuất vô số điều thiện, còn sai lầm về mình gây trăm ngàn tai hại… Ai không biết giá trị của mình, họ cũng chẳng biết tha nhân: họ không biết điều họ phải làm, họ dễ dàng chán bỏ mọi sự”.

Quả thế, khi không đọc ra được ước mơ của mình, không biết mình muốn gì, tôi chỉ là một cánh lục bình trôi vô định. Tôi dễ buông mình theo dòng nước, để mặc dòng đời đưa đẩy, muốn đến đâu thì đến, muốn ra sao thì ra. Hoặc còn tệ hơn, tôi sống và chiến đấu hết mình cho một lý tưởng mà chính tôi chẳng hiểu gì. Một cuộc sống như thế, liệu có đáng gọi là sống không?

Là một người trẻ tôi muốn rằng mình phải làm chủ cuộc đời mình, tôi nghĩ rằng mình đủ khả năng để đảm nhận cuộc đời mình. Điều đó chỉ có thể, khi tôi có khả năng phân định các ý muốn trong lòng tôi. Chắc chắn, tôi có nhiều ước ao. Điều đáng nói là có những ước ao hết sức cháy bỏng, nhưng thực sự lại không quan trọng và không thực tế; ngược lại, có những ước ao hết sức quan trọng, nhưng lại có một chỗ đứng hời hợt trong tâm hồn tôi. Có những lúc tôi thấy mình ước muốn mãnh liệt trở thành một ca sĩ, một siêu mẫu, một siêu sao bóng đá… Có bao giờ tôi đủ tự do và thật tâm để tự vấn chính mình: đó là ước mơ thực của tôi, hay chỉ là ảo tưởng do tôi bị giật giây bởi cái vòng hào quang lấp lánh mà người khác được hưởng? Đó là ước mơ hay chỉ là những đua đòi viễn tưởng và không thực?

Một cuộc sống đáng thương là một cuộc sống mang nhiều ảo tưởng về chính mình. Với ảo tưởng, tôi theo đuổi nhiều thứ, nhưng cũng đánh mất nhiều thứ.

Con tim có lý lẽ riêng của nó. Có khi ước mơ trong tôi chỉ là những điều hết sức bình dị mà thực tế. Đó có thể là ước muốn làm một điều gì đó cho cha mẹ mình và những người đã dày công dưỡng dục mình. Đó có thể là ước muốn được chia sẻ cảm thông và làm một chút gì đó cho những người bất hạnh tật nguyền, cho những trẻ em lang thang trên đường phố, cho những người nghèo nàn bất hạnh và những người bị giạt ra bên lề xã hội.

Không phải ước mơ thật cao, thì người ta mới có thể trở thành vĩ đại. Nhiều người đã có thể làm được những điều phi thường, từ những ước mơ tưởng như rất bình thường.

Chắc chắn một khi đã cho tôi vào đời, Thiên Chúa cũng đặt nhiều ước mơ nơi cuộc đời của tôi. Những ước mơ ấy, chắc hẳn không dựa trên những mong đợi viển vông, nhưng dựa trên con người thật của tôi với cả những điều tốt đẹp và những điều chưa đẹp, với cả những khả năng và những giới hạn của tôi, với tất cả những gì tôi là. Cho đến khi nào tôi biết rõ mình muốn gì, mình thực sự mơ gì, tôi mới có thể biết được đâu là điều Thiên Chúa ước mơ nơi cuộc đời tôi.

Lạy Chúa,

Cuộc sống bên ngoài có bao nhiêu điều hấp dẫn
mà con thì dễ đánh mất chính mình,
có bao nhiêu điều níu kéo
mà con thì dễ buông xuôi.

Lạy Chúa, xin cho con đủ khôn ngoan và bản lĩnh
để trở về với chính mình và sống thực là mình.
Xin cho con biết con, để con biết Chúa.
Cũng xin cho con biết Chúa,
để càng ngày con càng biết rõ mình hơn. Amen
Bài hát kết thúc: BIẾT CHÚA BIẾT CON (5 phút 56 giây)
Nhạc: Ân Đức – Thể hiện: Lệ Hằng