Bài 32 – Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa Và Vận Mệnh Của Con Người

0
1383

Các bạn thân mến,

Tục ngữ Việt Nam chúng ta thường dạy rằng: “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông”. Để có mặt trên cuộc đời, ai cũng phải có một nguồn gốc. Người nào trân trọng cuộc sống của mình, người ấy cũng phải biết trân trọng cội nguồn của cuộc sống.

Nhưng con người là ai? Loài người từ đâu mà đến? đâu là cội nguồn của con người?… Muốn hay không muốn những câu hỏi này bắt người ta phải đối diện với vấn đề Thiên Chúa. Trả lời như thế nào về câu hỏi Thiên Chúa, con người sẽ được dẫn đến những hướng trả lời khác nhau cho câu trả lời về con người.

Có nhiều người chủ trương vô thần, cho rằng Thiên Chúa chỉ là một ảo tưởng của con người. Kết quả là với họ, những ý tưởng tốt đẹp về con người cũng chỉ là những ảo tưởng. Với họ con người không gì khác hơn chỉ là một phương tiện sản xuất (K. Max), là một nạn nhân bị tất định bởi vô thức (S. Freud), là một phần tử vô danh trong guồng máy khổng lồ của xã hội (E. Durkheim). Cũng có người chỉ nhìn vào những thực tại tiêu cực của lòng người, khẳng định rằng con người là một dòng sông nhơ bẩn (F. Nietzsche), con người là một địa ngục đối với người khác (Jean-Paul Sartre). Có người tuyên bố: “tôi tin rằng con người từ khỉ mà ra, bởi lẽ con người vẫn thường giở trò khỉ với nhau” (Federich Nietszche, x. ‘Zarathustra đã nói như thế’).

Nếu tin rằng con người từ khỉ mà ra, làm sao con người tránh được bi kịch hay ‘giở trò khỉ’ ra với nhau! Niềm tin ấy liệu có mang lại cho con người nền tảng đạo đức cao đẹp nào để sống, để xây dựng cuộc đời và xã hội loài người chăng?…

Nhiều người chủ trương rằng phải gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, thì con người mới có thể tự do mà sống, phải bỏ Thiên Chúa thì con người mới có thể hoàn toàn đảm nhận trách nhiệm cuộc đời của chính mình. Điều kỳ lạ là khi quyết định gạt bỏ Thiên Chúa, người ta cũng thẳng tay gạt bỏ con người. Trước một Thiên Chúa vĩ đại, con người có một giá trị nhỏ nhoi. Nhưng không có một Thiên Chúa trên đầu, con người chẳng còn là gì cả.

Quả thế, những người chủ trương gạt bỏ Thiên Chúa mong rằng con người trở thành chủ tể của mọi sự. Thế nhưng thực tế lại chứng minh, khi được tự do theo nghĩa muốn làm gì thì làm, người ta lại thường tự do quẳng cuộc đời mình theo bất cứ thúc đẩy nào, dù đó là thúc đẩy của các bản năng thấp hèn nhất. Tai họa làm sao, đó là cách nhanh nhất để người ta hủy diệt chính cuộc đời và nhân cách của một con người. Đó cũng là con đường ngắn nhất để đưa một xã hội đến bên bờ hủy diệt. Khi trên đầu con người không còn có một quy chuẩn đạo đức nào, liệu điều gì có thể ngăn cản con người dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ và tham lam của lòng mình? Không màng đến Thiên Chúa, cuộc sống trần gian luôn có nguy cơ trở nên một bãi hỗn chiến, trong đó kẻ mạnh đạp lên đầu kẻ yếu để mà sống, kẻ có quyền sẽ bóc lột hà hiếp những người thấp cổ bé họng để phục vụ tối đa cho quyền lợi của mình. Không có Thiên Chúa, thật khó để lý giải tại sao người ta lại phải làm lành lánh dữ, phải yêu thương tha thứ, phải hy sinh quên mình vì người khác…

Hơn thế nữa, khi Thiên Chúa bị đẩy ra khỏi cuộc đời, tâm hồn con người còn lại gì ngoài một khoảng trống rỗng của hư vô? Cuộc sống này còn ý nghĩa gì khi người ta ra công thu góp mà chẳng nắm giữ được gì cho mình ở lúc cuối cùng? Nếu sống chỉ để hưởng thụ và thu vén cho mình, chẳng phải một cuộc đời là quá ngắn ngủi và mỏng manh sao? Nếu không có một cùng đích và cội nguồn thánh thiêng là Thiên Chúa, con người sống chỉ để mà chờ chết thôi sao?

Mặt khác, với những người tin vào Thiên Chúa, những hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa cũng đưa cuộc sống con người vào nhiều tấn bi kịch. Nếu Thiên Chúa là một ông thần hay đòi hỏi, con người trở nên những kẻ bị áp đặt tù túng. Nếu Thiên Chúa là một ông thẩm phán sòng phẳng, con người chỉ có thể sống trong lo sợ và hoang mang. Nếu Thiên Chúa là người lúc nào cũng thích ra tay can thiệp, con người trở nên không khác gì những con rối…

Để có một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa, chúng ta phải đến và học cùng Giêsu! Giêsu đến trần gian là để dạy cho con người về Thiên Chúa. Nơi Giêsu, Thiên Chúa có thể nói với con người bằng ngôn ngữ của loài người. Nơi Giêsu, chúng ta gặp được một con người trọn vẹn và một Thiên Chúa trọn vẹn. Nơi Giêsu, ý tưởng về Thiên Chúa không còn là một khái niệm cao vời, và tình yêu Thiên Chúa không còn là một điều trừu tượng xa xôi nữa. Giêsu đến để dạy rằng Thiên Chúa là một người Cha. Giêsu đến để dạy con người chúng ta sống như những người con. Một người con có cha và được sống trong tình thương của Cha, thì sẽ rất khác với một người con không cha. Một nhân loại có một nguồn gốc và một người cha, chắc chắn sẽ sống rất khác với một nhân loại phủ nhận cội nguồn của mình để sống như những đứa con hoang, trên đầu chẳng có cha mà cũng chẳng có Chúa. Nơi Giêsu, mỗi con người chúng ta nhận ra giá trị đặc biệt và vận mệnh cao cả của mình.

Lạy Chúa,

Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con Đức Giêsu.
Nơi Giêsu, Chúa đến và ở với loài người chúng con
Nơi Giêsu, chúng con học biết về Chúa và tình yêu của Chúa.
Chúng con chỉ là những tạo vật bé nhỏ
nhưng lại được Chúa ban cho phẩm giá cao vời
là được làm con cái của Thiên Chúa.
Con người bé nhỏ trở nên cao trọng,
nhờ có sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.

Xin Chúa dẫn chúng con bước đi mỗi ngày
trong sự hiện diện của Chúa.
Sự hiện diện quan phòng gìn giữ
cho chúng con an tâm tín thác để vui sống.
Sự hiện diện nhắc nhở và dạy dỗ
dẫn chúng con lìa xa những đường nẻo bất chính.
Sự hiện diện yêu thương trìu mến
giúp chúng con sống và thực thi tình yêu.
Nhờ sống và đặt mình trước sự hiện diện của Chúa,
xin cho chúng con sống xứng đáng
với phẩm giá cao quý của cuộc đời mình. Amen

Bài hát kết thúc: CON CHỈ LÀ TẠO VẬT
Sáng tác: Phanxico
Thể hiện: Lệ Hằng