Bài 49 – PHÚC THAY AI BỊ BÁCH HẠI VÌ DANH CHÚA

0
955

Các bạn thân mến,

Bách hại là từ ngữ diễn tả hành động của những nhóm người dùng bạo lực để bắt bớ và đàn áp những người yếu đuối cô thế. Có nhiều nguyên do khiến người ta có thể bị bách hại: bị bách hại vì theo một tôn giáo, bị bách hại vì đấu tranh cho tự do, bị bách hại vì bất đồng về chính kiến, bị bách hại vì đòi quyền sống của con người… Tình trạng bách hại diễn ra thường xuyên trong những xã hội không có tự do và không có sự tôn trọng đầy đủ đối với các quyền con người.

Bị bách hại là điều thường gắn liền với thân phận người môn đệ của Đức Giêsu. Nhiều lần Đức Giêsu cảnh báo về những sự bách hại mà các môn đệ phải chịu trong thế gian: bị bách hại vì sống công chính (Mt 5, 10), bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa vì Danh Chúa (Lc 6, 22), bị nộp cho các hội đồng và bị đánh đập trong các hội đường để làm chứng cho Chúa (Mt 10, 17)…

Tại sao thế gian lại thù ghét những người môn đệ của Đức Giêsu? Nếu đủ công bằng, người ta ắt có thể nhận ra nhiều nét đẹp trong cộng đoàn của những người môn đệ Đức Giêsu. Nếu đủ thật lòng, người ta sẽ nhìn thấy những cái hay trong cung cách sống đạo và đời của nhiều người công giáo. Thế thì tại sao người môn đệ của Đức Giêsu lại bị một số người thù ghét? Tại sao họ lại không được lòng đối với một số nhà cầm quyền?

Lịch sử cho chúng ta thấy rằng, ở những chế độ càng độc quyền, người công giáo càng bị bách hại nhiều và mạnh. Những người độc quyền luôn muốn củng cố quyền lực của họ không chỉ bằng sức mạnh vũ trang, bằng sự điều khiển về kinh tế, nhưng còn bằng cả sức mạnh tinh thần. Trở nên độc quyền khi người ta muốn nắm trong tay mình quyền lực tuyệt đối toàn bộ trên con người. Trong khi đó, người Công Giáo chúng ta có một xác tín căn bản nhất, rằng chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối, mọi sự khác trong cuộc đời chỉ là tương đối. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng làm chủ linh hồn và thân xác con người, mới là Đấng đáng cho con người kính thờ. Còn những uy quyền chính đáng của thế gian, đáng được chúng ta tôn trọng chứ không đáng được chúng ta đặt lên hàng tuyệt đối. Xác tín này dễ đụng chạm đến những đấng bậc quyền thế. Thế nên trong những xã hội vô thần không chấp nhận Thiên Chúa, những người tin vào Chúa có nguy cơ bị thù ghét và bách hại nhiều nhất.

Hơn nữa, môn đệ Đức Giêsu được sai vào giữa lòng thế giới không chỉ để sống như một người công dân mẫu mực riêng phần mình, nhưng họ còn mang trên vai một phần trách nhiệm của việc xây dựng một xã hội tốt đẹp mẫu mực, để thăng tiến những giá trị Tin Mừng, để xây dựng một xã hội của tình huynh đệ và yêu thương. Xác tín tốt đẹp này đôi khi đặt người môn đệ đứng ở thế đối kháng với những giá trị phản Tin Mừng đang còn đầy dẫy trong thế giới sống của chúng ta như gian dối, bất công, tham nhũng, như xa hoa, đồi trụy, tội lỗi… Bằng cách sống của mình, người môn đệ được sai đi để chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng vào những góc mù tối như thế của xã hội.

Giữa cuộc đời, có lẽ chúng ta đã kinh nghiệm nhiều lần về sự ngang trái của việc bị ghét bỏ. Có khi chúng ta bị ghét chỉ đơn giản vì chúng ta không chịu làm điều gì xấu, không chịu thỏa hiệp với cái xấu của người khác. Có những lúc cung cách sống công chính và trong sạch biến chúng ta thành cái gai trong mắt người khác. Với những người bước đi trên đường nẻo bất chính, sự hiện diện của những người công chính không khác gì một lời kết án dành cho họ. Những người quen bước đi trong nẻo đường tội lỗi thường có xu hướng đạp xuống tất cả những ai không chung đường với họ, nhất là những ai dám mang tham vọng muốn cải hóa và kéo họ lên… Đức Giêsu đã giải thích điều này thật rõ ràng: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã mến thương cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, nên thế gian thù ghét anh em” (Ga 15, 19).

Sống như một người công giáo là sống với xác tín rõ ràng rằng mình thuộc về Đức Giêsu chứ không phải thuộc về thế gian. Tuy nhiên, những yêu ghét của thế gian liệu có ảnh hưởng trên cung cách sống của chúng ta chăng? Những đe dọa và khó khăn của thế gian có khi nào dồn chúng ta vào trong một lối sống cầu an và vị kỷ chăng? Sống đúng với ơn gọi một người môn đệ của Đức Giêsu thế nào chúng ta cũng gặp ít nhiều rắc rối với thế gian. Thế nên nhiều người e sợ. Nhiều người chủ trương chỉ cần sống tốt phần mình, đừng đụng chạm gì đến người ta, đừng đả động gì đến những cái xấu quanh mình. Có những người chủ trương tự bó mình lại để sống như những nấm men đã đánh mất phẩm chất của mình, như những hạt muối đã đánh mất vị mặn của mình? Đó chẳng phải là điều đáng tiếc lắm sao!

Tuyệt đỉnh của đời sống người môn đệ Đức Giêsu là được đồng hóa với Thầy của mình. Đồng hóa từ trong lối sống, trong cung cách loan báo Tin mừng, trong lòng can đảm không thỏa hiệp với điều xấu, nhất là trong chính những đau khổ và cái chết. Điều mà thế gian không ngờ đó là chính trong những bắt bớ bách hại mà gương mặt của người Kitô hữu được thể hiện rõ nhất giữa lòng thế giới. Những tấn công từ bên ngoài chỉ có một tác dụng duy nhất là làm nối kết bền chặt thêm tình đoàn kết liên đới giữa cộng đoàn. Những gian dối lừa bịp để bêu xấu chỉ đem lại một kết quả duy nhất là người ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa chứ không phải là những kẻ quyền thế hay bạo hành. Những tấn công bạo lực, những đánh đập tra tấn chỉ có tác dụng hướng lòng người ta về Thiên Chúa hơn nữa.

“Sự bất hạnh lớn nhất không phải là chịu đựng bất công, mà là khuất phục bất công” (Gandhi). Trong môi trường sống có nhiều bất công, sống đúng như một người công giáo có thể mang đến cho chúng ta nhiều phiền toái. Tuy nhiên, người công giáo không bao giờ là người chịu khuất phục bất công. Như những chứng nhân của Thiên Chúa, chúng ta khao khát sự công chính và sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính. Chỉ có chân lý và tình yêu mới khuất phục được chúng ta. Chỉ có công lý và hòa bình mới thuyết phục được chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta được no thỏa.

Lạy Chúa,

Trải qua hai ngàn năm lịch sử
Giáo hội của Chúa đã phải đi qua
biết bao là thăng trầm thử thách,
biết bao là bắt bớ bách hại.
Tạ ơn Chúa đã thương gìn giữ Giáo hội
vẫn trung kiên với sứ mạng của mình.
Sứ mạng trở thành tiếng nói
cho những người không có tiếng nói.
Sứ mạng trở nên lời tự do
cho những người bị áp bức bất công.
Sứ mạng trở nên ánh mắt yêu thương
cho những người lầm đường lạc bước.
Sứ mạng trở nên lời mời gọi sống đẹp
cho con cái của thế gian.

Là những người được kế thừa đức tin
như hoa quả hữu hình của lòng trung kiên và anh dũng,
của những giọt máu tử đạo đã thấm sâu vào lòng đất.
Xin dạy chúng con biết sống cung cách của một người công giáo
giữa lòng dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con.
Xin cho sự hiện diện của chúng con
là tác nhân quan trọng góp phần xây dựng nên
một đất nước Việt Nam tự do hạnh phúc. Amen

Bài hát kết thúc : CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA
Sáng tác : Văn Chu
Thể hiện : Lệ Hằng