“Thiên Chúa… đã trồng vĩnh cửu trong trái tim con người”. (Gv 3, 11).
“Hẳn Thiên Chúa đã không tạo dựng một hữu thể như con người để hiện hữu chỉ trong một ngày! Không, không, con người được tạo dựng cho bất tử” (Abraham Lincoln).
Bên kia cái chết – trong cõi đời đời – bạn sẽ trải qua một thời gian lâu dài hơn cuộc sống tại thế này. Nhiều lắm là bạn sẽ sống đến trăm tuổi trên trái đất, nhưng bạn sẽ sống mãi mãi trong cõi đời đời. Thời gian của bạn trên trái đất, nói như Thomas Browne, chỉ là “một ngoặc đơn bé tí tẹo trong cõi đời đời”. Bạn được tạo dựng để tồn tại muôn đời.
Kinh Thánh nói, “Thiên Chúa đã trồng vĩnh cửu trong trái tim con người” (Gv 3, 11). Tự bẩm sinh, bạn đã có bản năng khao khát một cuộc sống bất tử. Lý do là vì Thiên Chúa đã tác tạo bạn theo hình ảnh Người để bạn sống trong vĩnh cửu. Mặc dầu chúng ta biết rõ mọi người đều phải chết, một cái chết xem ra vẫn bất thường và bất công. Lý do chúng ta cảm thấy phải sống đời đời, chính là vì Thiên Chúa đã đặt để khát vọng đó bên trong mỗi người! NGÀY THỨ TƯ ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO CÕI ĐỜI ĐỜI Ngày kia, tim bạn sẽ ngừng đập.
Đó là hồi kết của thân xác và thời hạn của bạn trên trái đất, nhưng đó không phải là hồi kết của chính bạn. Kinh Thánh gọi thân xác của bạn là “chiếc lều”, nhưng khi đề cập thân xác mai ngày của bạn, thì coi đó là một “ngôi nhà”. Kinh Thánh nói, “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cr 5, 1). Đang khi cuộc sống trần gian cống hiến bao nhiêu chọn lựa, thì cuộc sống vĩnh cửu chỉ đưa ra hai điều: thiên đàng và hoả ngục. Tương quan giữa bạn với Thiên Chúa trên trái đất sẽ quyết định tương quan giữa bạn với Người trong cõi đời đời. Nếu bạn học biết yêu mến và tín thác vào Đức Giêsu, Con một của Người, bạn sẽ được mời vào chốn vĩnh cửu với Người. Ngược lại, nếu bạn chối từ tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ của Ngài, thì đời đời bạn sẽ sống xa cách Thiên Chúa.
C. S. Lewis nói, “Có hai loại người: những người nói với Thiên Chúa „Ý Cha thể hiện‟ và những người để Thiên Chúa nói, „Được, vậy thì đường con con cứ đi‟”. Thảm thương thay, nhiều người chịu đựng cõi đời đời mà không có Thiên Chúa vì họ đã chọn lối sống thiếu vắng Người trên dương gian. Chỉ khi nào bạn hiểu được có một cuộc sống tràn đầy hơn, phong phú hơn so với cuộc sống hôm nay, lúc này, và nhận ra rằng cuộc sống này chỉ là chuẩn bị cho vĩnh cửu, thì bạn sẽ bắt đầu sống một cách khác. Bạn sẽ bắt đầu sống trong ánh sáng vĩnh cửu, vốn sẽ soi chiếu cho bạn cách ứng xử với từng mối tương quan, từng bổn phận và từng hoàn cảnh. Bỗng nhiên, nhiều hoạt động, nhiều mục tiêu và ngay cả nhiều vấn đề xem ra quá quan trọng trước đây nay trở thành vô tích sự, nhỏ mọn và không đáng quan tâm. Càng sống gần Thiên Chúa, mọi sự khác càng trở nên nhỏ bé. Sống trong ánh sáng vĩnh cửu, cách nhận định các giá trị của bạn cũng đổi thay.
Bạn dùng thời giờ và tiền bạc khôn ngoan hơn. Bạn sẽ đặt ưu tiên cho các mối quan hệ và con người hơn thay vì chỉ muốn nổi danh, giàu có, thành đạt và ngay cả các cuộc vui. Các ưu tiên của bạn được sắp xếp theo một trật tự khác. Tỏ ra sành điệu, hợp thời trang, và những gì thức thời khác giờ đây không là gì cả. Thánh Phaolô nói, “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi” (Pl 3, 7).
Sống trong ánh sáng vĩnh cửu, cách nhận định các giá trị của bạn cũng đổi thay. Nếu thời gian trên trái đất là tất cả cho đời bạn, hẳn tôi đã thúc giục bạn tận hưởng ngay đi. Bận tâm chi đến việc sống thánh chết lành, cũng đừng lo nghĩ đến hậu quả của các hành động. Cứ nuông chiều bản thân với cái tôi làm trung tâm bởi vì các hành động của bạn đâu có để lại hậu quả lâu dài. Thế nhưng, cái chết đâu phải là kết thúc của đời bạn!
Điều này làm mọi sự khác hẳn, cái chết không phải là điểm dừng nhưng là một chuyển tiếp để bạn đi vào cõi đời đời. Vì thế, sẽ có những hậu quả đời đời ứng với mọi việc bạn làm trên trái đất. Mỗi hành động trong đời tựa phím đàn rung lên ngân vang tận vĩnh cửu.
Tai hoạ lớn nhất của lối sống hôm nay là cách suy nghĩ ngắn ngủi. Để có một cuộc sống tốt đẹp nhất, bạn phải giữ một cái nhìn liên lỉ về cõi vĩnh hằng trong tâm trí và phải ấp ủ các giá trị của nó trong tâm hồn. Cuộc sống ấy hơn hẳn cuộc sống hôm nay và lúc này. Hiện tại là chỏm băng trôi có thể nhìn thấy. Vĩnh cửu là tất cả những gì bạn không thấy bên dưới bề mặt ấy.
Vậy thì sống trong cõi đời đời với Thiên Chúa sẽ như thế nào? Thẳng thắn mà nói, khả năng trí óc con người chúng ta không tài nào nắm bắt được sự kỳ diệu và cao cả của thiên đàng. Tựa như việc tìm cách giải thích internet cho một con kiến. Thật vô ích. Ngôn ngữ không được phát minh để có thể truyền đạt kinh nghiệm cõi đời đời. Kinh Thánh nói, “Như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2, 6).
Tuy nhiên, trong Lời của Người, Thiên Chúa cũng cho chúng ta thoáng thấy vĩnh cửu. Chúng ta biết, ngay hôm nay, Thiên Chúa đang chuẩn bị cho chúng ta một ngôi nhà đời đời. Trên thiên quốc, chúng ta sẽ được sum họp với những người thân yêu là những tín hữu đã được giải thoát khỏi mọi khổ đau sầu muộn, chúng ta được tưởng thưởng bởi lòng tín trung khi còn trên dương thế và được giao cho những công việc mà hẳn chúng ta sẽ vui thích làm. Chúng ta không ngã mình trên những vờn mây với vầng quang trên đầu, tay gảy đàn hạc! Chúng ta sẽ vui hưởng mối thân tình không bao giờ đổ vỡ với Thiên Chúa, và Người sẽ vui sống với chúng ta mãi mãi. Ngày kia, Đức Giêsu sẽ nói, “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34).
C. S. Lewis đã ghi lại ý niệm về cõi đời đời ở trang cuối trong cuốn Sử Biên Niên của Narnia (The Chronicles of Narnia), loạt truyện giả tưởng bảy cuốn của ông dành cho thiếu nhi: “Với chúng ta, đây là kết thúc của tất cả mọi câu chuyện… nhưng với họ, đó mới là hồi đầu của câu chuyện thật. Cả cuộc đời họ trên thế gian này… chỉ là tờ bìa và trang đầu đề: cuối cùng rồi họ cũng đã bắt đầu Chương I của Câu Chuyện Vĩ Đại vốn chưa một người nào trên trái đất từng đọc và họ sẽ tiếp tục đọc nó đời đời mà mỗi chương sau đều tuyệt vời hơn chương trước”.
Thiên Chúa có một mục đích cho cuộc đời bạn trên trần gian nhưng không kết thúc ở đó. Chương trình của Người bao la hơn nhiều so với vài thập kỷ vắn vỏi mà bạn sẽ sống trên hành tinh này. Hơn cả “cơ hội của một cuộc đời”, Thiên Chúa còn trao tặng bạn cơ hội vượt quá cuộc đời. “Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn” (Tv 33, 11).
Thời điểm duy nhất mà phần lớn người ta suy nghĩ về cõi đời đời là ở các đám tang. Nhưng những suy nghĩ này thường nông cạn, cảm tính vì thiếu hiểu biết. Có thể bạn cho là bệnh hoạn khi nghĩ đến cái chết, nhưng thực ra cũng không lành mạnh khi sống mà phủ nhận nó và không nhìn nhận đó là điều không thể tránh khỏi. Chỉ có người điên mới sống nhởn nhơ, không cần chuẩn bị cho những gì mình biết chắc sẽ xảy ra.
Vậy bạn phải suy nghĩ nhiều hơn đến cõi đời đời, đừng không hay biết. Như việc ở trong lòng mẹ chín tháng, tự nó không phải là một kết thúc nhưng đây là việc chuẩn bị cho một cuộc sống, cũng thế cuộc đời này là sự chuẩn bị cho đời sau. Nếu bạn sống thiết thân với Thiên Chúa qua Đức Giêsu, bạn không cần phải sợ cái chết. Cái chết là cánh cửa đi vào cõi đời đời. Đó sẽ là giờ cuối cùng của khoảng thời gian dành cho bạn trên trái đất, nhưng không phải là giờ kết thúc của bạn. Thay vì đó là ngày kết thúc đời bạn, thì đó sẽ là ngày sinh nhật, ngày bạn đi vào cuộc sống đời đời. Tác giả thư Do Thái nói, “Vì trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Dt 13, 14).
Sánh với cõi đời đời, thời gian chúng ta sống trên trái đất chỉ là một chớp mắt, nhưng những hậu quả của nó thì tồn tại muôn đời. Những việc làm của đời này là số phận của đời sau. Nhiều năm trước đây, một khẩu hiệu khá phổ biến khích lệ mọi người sống mỗi ngày như “ngày đầu tiên của cuộc đời còn lại”. Thật vậy, hẳn là khôn ngoan khi sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn. Matthew Henry nói, “Công việc của mỗi ngày phải nhằm chuẩn bị cho ngày sau hết”.
NGÀY THỨ TƯ : NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Sau cuộc sống hôm nay, lúc này, còn có một cuộc sống tràn đầy hơn, phong phú hơn.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2, 17).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Vì được tạo dựng để sống đời đời, nên ngay hôm nay, điều gì tôi phải dừng và điều gì tôi phải bắt đầu?