“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế”
(Tv 39, 5).
“Ở trên đời, con là thân lữ khách”
(Tv 119, 19a).
Cuộc sống trên trần gian là một nhiệm vụ tạm thời.
Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều ẩn dụ dạy cho biết tính chất ngắn ngủi, tạm bợ và chóng qua của cuộc sống trên trần gian. Đời người được mô tả như một hạt sương, một người chạy nhanh, một hơi thở, một làn khói. Kinh Thánh nói: “Cuộc đời chúng ta trên dương thế chẳng khác gì bóng câu” (G 8, 9).
Để sử dụng đời mình cách tốt nhất, bạn đừng bao giờ quên hai chân lý này: Thứ nhất, nếu đem so với cõi đời đời, cuộc sống hôm nay quá sức ngắn ngủi. Thứ hai, trần gian chỉ là nơi tạm trú. Bạn không sống lâu ở đây; thế nên, đừng quá bám víu vào nó. Hãy xin Thiên Chúa cho bạn biết nhìn cuộc sống trên trái đất như Người nhìn nó. Vua Đavít đã cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế” (Tv 39, 5).
Kinh Thánh nhắc đi nhắc lại khi so sánh cuộc sống trần gian như là cuộc sống tạm thời trên đất khách quê người. Đây không phải là căn nhà thường xuyên, cũng không là điểm dừng chân cuối cùng của bạn. Bạn chỉ đi ngang qua, ghé thăm trái đất mà thôi. Kinh Thánh sử dụng những từ ngữ như người khách lạ, người hành hương, người ngoại quốc, người xa lạ, người khách, người đi đường để mô tả sự lưu lại ngắn ngủi trên trái đất. Vua Đavít nói: “Ở trên đời, con là thân lữ khách” (Tv 119, 19), và thánh Phêrô giải thích, “Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (1Pr 1, 17b).
Tại California, nơi tôi đang sống, nhiều người từ những miền khác nhau trên thế giới đến làm việc nhưng họ vẫn là công dân của đất nước họ. Họ buộc phải có một thẻ đăng ký du khách (gọi là “Thẻ Xanh”) để được làm việc tại đây mặc dầu họ không phải là những công dân Hoa Kỳ. Các Kitô hữu cũng cần một thẻ xanh thiêng liêng như vậy để nhắc cho mình là công dân Nước Trời. Thiên Chúa nói, con cái của Người phải nghĩ về cuộc đời một cách khác với cách suy nghĩ của những người không tin. “Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3, 19b-20). Những kẻ có đức tin thực sự thì hiểu rằng, ngoài cuộc sống của những năm vắn vỏi trên trần gian, sẽ còn có một cuộc sống tràn đầy hơn, phong phú hơn.
Lai lịch của bạn ở cõi đời đời và quê hương của bạn là thiên đàng. Một khi nắm được chân lý này, bạn sẽ không còn lo lắng có đủ mọi sự trên trần gian.
Chúa thẳng thắn nói đến hiểm hoạ của lối sống thực dụng trước mắt khi chúng ta lấy những giá trị, những ưu tiên cùng với lối sống của thế giới chung quanh làm của mình. Khi chúng ta đùa cợt với những cám dỗ của thế gian, Thiên Chúa gọi đó là ngoại tình thiêng liêng. Thánh Giacôbê nói, “Hỡi những kẻ ngoại tình, các người không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa” (Gc 4, 4).
Hãy tưởng tượng, nếu vì tổ quốc mình mà bạn được yêu cầu làm đại sứ tại một đất nước thù nghịch. Hẳn bạn phải học tiếng nói và thích nghi một vài phong tục cùng những khác biệt văn hoá của họ để trở nên lịch lãm mà hoàn thành nhiệm vụ. Với tư cách đại sứ, bạn không thể tách mình khỏi kẻ thù. Để hoàn thành sứ mạng, bạn phải tiếp xúc và liên hệ với họ.
NGÀY THỨ SÁU CUỘC SỐNG LÀ MỘT NHIỆM VỤ TẠM THỜI
Nhưng giả thiết bạn trở nên quá thích ứng với xứ lạ quê người đến nỗi yêu mến nó và thiết tha với nó hơn chính quê hương mình, lòng trung thành và cam kết của bạn đổi thay. Vai trò đại sứ của bạn hẳn sẽ đi đến chỗ thoả hiệp, nhượng bộ. Thay vì đại diện cho quốc gia mình, bạn lại bắt đầu hành động như một kẻ thù và trở thành kẻ phản bội.
Kinh Thánh nói, “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô” (2Cr 5, 20). Buồn thay, không ít Kitô hữu đã bội phản Đức Vua và vương quốc Người. Họ kết luận một cách khờ khạo rằng, bởi vì họ sống trên đất nên đất là quê hương của họ. Không phải thế. Lời Kinh Thánh thật hiển nhiên, “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1Pr 2, 11). Thiên Chúa cảnh báo chúng ta đừng quá bám dính vào những gì chung quanh, vì chúng thật tạm thời. Thánh Phaolô căn dặn, “Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7, 31).
So với những thế kỷ qua, cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay đối với thế giới các nước phương Tây. Chúng ta được giải trí, được tiêu khiển, và được các dịch vụ cung ứng mọi thứ. Với tất cả hấp dẫn đầy tưởng tượng, những phương tiện truyền thông mê hoặc, và bao mời mọc hưởng thụ trong tầm tay ngày nay, con người rất dễ quên rằng, việc tìm kiếm hạnh phúc không nằm ở những gì thuộc thế giới này. Chỉ khi nào chúng ta nhớ rằng, cuộc sống là một thử nghiệm, một uỷ thác và là một trách nhiệm tạm thời, thì lúc đó những trói buộc này mới buông khỏi cuộc sống chúng ta. Chúng ta đang chuẩn bị cho một điều gì đó cao cả hơn. “Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4, 18b).
Chính vì thế gian không phải là quê hương tối thượng, nên thật dễ hiểu khi biết rằng, là những người theo Đức Giêsu, chúng ta thường cảm nghiệm những khó khăn, đau buồn và từ khước của thế gian này (Ga 16, 33; 16, 20; 15, 18-19). Đồng thời nó cũng giải thích tại sao một vài lời hứa của Thiên Chúa xem ra chưa được thực hiện, một vài lời cầu không được đáp trả và một vài hoàn cảnh xem ra bất công. Nhưng chuyện đã kết thúc đâu!
Để chúng ta khỏi quá bám dính thế gian, Thiên Chúa để chúng ta cảm nhận một vài bất ưng và không thoả lòng trong cuộc sống – những khắc khoải chờ mong vốn không bao giờ được no thoả ngoài cõi đời đời. Chúng ta không bao giờ hạnh phúc thật sự trên trần gian, bởi lẽ chúng ta không được định để ở đây. Trần gian không là ngôi nhà sau cùng của mỗi người, chúng ta được tạo dựng cho một điều gì đó cao cả hơn.
Con cá sẽ không bao giờ vui thích khi sống trên đất, bởi nó được tạo dựng để sống trong nước. Con đại bàng không bao giờ cảm thấy hài lòng khi không được bay lên. Bạn cũng sẽ không bao giờ thoả mãn trên dương gian này vì bạn được tạo dựng không chỉ cho thế gian. Bạn sẽ có những giây phút hạnh phúc ở thế gian nhưng làm sao có thể sánh với những gì Thiên Chúa đã dự liệu cho bạn.
Nhận thức cuộc sống trên trần gian chỉ là nhiệm vụ tạm thời sẽ làm thay đổi tận căn cách bạn nhìn các giá trị. Các giá trị vĩnh cửu, chứ không phải những giá trị tạm thời, sẽ trở nên những yếu tố định đoạt cho những quyết định của bạn. Như C. S. Lewis nhận xét, “Tất cả những gì không vĩnh cửu sẽ đời đời vô dụng”. Thánh Phaolô nói, “Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4, 18).
Điều Gì Đang Định Hướng Cuộc Đời Bạn?
Thật là sai lầm chết người khi cho rằng, mục đích của Thiên Chúa dành cho đời bạn là thịnh vượng vật chất hay thành công, nổi tiếng như thế gian đánh giá. Cuộc sống đầy tràn không liên quan gì đến việc dư đầy vật chất cả, và lòng trung tín đối với Thiên Chúa không bảo đảm cho thành công trong nghề nghiệp hoặc ngay cả trong một sứ vụ Chúa trao. Đừng bao giờ chú tâm đến những vương miện tạm thời.
Trần gian không là ngôi nhà sau cùng của mỗi người, chúng ta được tạo dựng cho một điều gì đó cao cả hơn.
Thánh Phaolô thật trung tín, vậy mà ngài chịu cảnh tù đày. Gioan Tẩy Giả cũng tín trung, nhưng lại bị chém đầu. Hằng triệu tín hữu kiên trung tử vì đạo, mất hết mọi sự hay chết đi với hai bàn tay trắng đã chứng minh điều đó. Nhưng tận cùng của cuộc sống đâu phải là cùng tận!
Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, những anh hùng đức tin cao cả nhất không phải là những người có nhiều của cải, thành công và uy quyền trong cuộc đời này; nhưng đó là những người coi cuộc sống như là một nhiệm vụ tạm thời, trung thành phục vụ và ngóng trông phần thưởng đã hứa cho họ trong cõi đời sau. Kinh Thánh nói điều này khi gợi lên hình ảnh Thành Đô của Thiên Chúa, “Tất cả các ngài đã chết lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất… các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài” (Dt 11, 13.16).
Thời gian của bạn trên trái đất đâu phải là toàn bộ câu chuyện đời bạn. Phải đợi khi đến thiên đàng bạn mới đọc được những chương còn lại. Bạn cần có đức tin để sống trên trần gian như một lữ khách.
Một câu chuyện xưa nói đến nhà truyền giáo kia ở tuổi hưu trở về nước Mỹ cùng chuyến tàu với vị tổng thống. Nào là những đám đông hò reo, nào là ban quân nhạc, thảm đỏ, biểu ngữ, và máy phóng thanh chào đón vị tổng thống trở về; đang khi nhà truyền giáo rời tàu mà không ai ngó ngàng tới. Cảm thấy xấu hổ, tủi hờn, ông bắt đầu phàn nàn với Chúa. Chúa nhẹ nhàng bảo ông, “Nhưng con ơi, con đã về đến nhà đâu!”.
Ở trên thiên đàng chưa được hai giây, bạn sẽ la lên, “Tại sao tôi lại quá chú trọng đến những gì quá ư là tạm bợ như thế?”. Tôi đã nghĩ gì? Tại sao tôi lại lãng phí quá nhiều thời giờ, sức lực và bận tâm đến những cái chóng qua đến như vậy?
Khi cuộc sống trở nên khó khăn, khi bạn bị ngập chìm trong nghi ngờ, hoặc khi bạn tự hỏi việc sống cho Đức Kitô liệu có đáng để bạn nỗ lực không, hãy nhớ rằng bạn chưa về nhà. Giờ chết đến, đó cũng không phải lúc bạn rời nhà – nhưng đó là lúc bạn sẽ về nhà.
NGÀY THỨ SÁU: NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Thế giới này đâu phải là nhà của tôi.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4, 18).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Cuộc sống trần gian chỉ là một nhiệm vụ tạm thời, làm sao sự kiện này có thể thay đổi cách sống của tôi ngay hôm nay?