Bài 8 – Bạn Được Tạo Dựng Để Chia Sẻ Niềm Vui Với Thiên Chua

0
2085

“Người ta sẽ gọi họ là cây thánh rừng thiêng,
là vườn cây Thiên Chúa trồng
để làm cho Người được vinh hiển”
(Isaia 61, 3b).

“Vì Ngài đã dựng nên muôn vật,
và do ý Ngài muốn,
mọi loài liền có và được dựng nên”
(Kh 4, 11).

“Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người”
(Tv 149, 4a).

Bạn được tạo dựng để chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa.
Giây phút bạn được sinh ra trên trần gian, Thiên Chúa có mặt ở đó như một nhân chứng vô hình đang mỉm cười nhìn bạn chào đời. Người muốn bạn sống, và việc bạn chào đời mang cho Người niềm vui lớn lao. Người đâu cần phải tạo dựng bạn, nhưng Người chọn tạo dựng bạn để chia sẻ niềm vui riêng của Người.

Sống trong niềm vui của Thiên Chúa là mục đích đầu tiên của cuộc đời bạn.
Một trong những quà tặng lớn nhất Thiên Chúa ban cho bạn là khả năng tận hưởng niềm vui.
Người mặc cho bạn ngũ quan và những tình cảm để bạn cũng có thể cảm nhận nó. Người muốn bạn tận hưởng cuộc sống chứ không chỉ chịu đựng nó. Lý do mà bạn có thể tận hưởng niềm vui vì bạn được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Người.

Có lẽ Thiên Chúa cũng có những tình cảm buồn vui. Người cảm nhận mọi điều cách
sâu sắc. Kinh Thánh cho chúng ta biết, dân Israel kinh nghiệm về một Thiên Chúa cũng biết u buồn, cũng ghen tuông, nổi giận, đau khổ, tiếc nuối, xót xa và động lòng trắc ẩn; cũng như Người vẫn hạnh phúc, vui sướng và thoả lòng. Người yêu, Người vui, Người mừng, Người hân hoan và thậm chí Người còn cười nữa.

Bất cứ công việc nào bạn làm khiến bạn có thể sống trong niềm vui của Thiên Chúa đều là một hành vi thờ phượng. Như viên kim cương, thờ phượng có nhiều mặt. Cần có nhiều cuốn sách để nói đến tất cả những gì phải hiểu về việc thờ phượng, nhưng ở đây, chúng ta chỉ nhìn những khía cạnh chính của nó. Các nhà nhân loại học nhận xét, thờ phượng là một thôi thúc phổ cập được Thiên Chúa đan quyện chặt chẽ trong bản thể con người chúng ta, đó là một nhu cầu đặt sẵn trong con người để con người có thể thông hiệp với Thiên Chúa. Thờ phượng cũng tự nhiên như ăn uống hay hít thở. Nếu không thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm một cái gì đó để thế chỗ Người, dù cái đó cuối cùng là chính bản thân chúng ta.

Tuỳ theo bối cảnh tôn giáo của bạn, có thể bạn cần mở rộng thêm hiểu biết của bạn về việc “thờ phượng”. Bạn có thể nghĩ đến những buổi cử hành phụng vụ của Hội Thánh gồm việc ca hát, cầu nguyện, nghe giảng. Hoặc các buổi cử hành nghi thức, rước nến, hay rước lễ. Hoặc bạn có thể nghĩ đến việc chữa lành, phép lạ, xuất thần… Thờ phượng có thể bao gồm tất cả các yếu tố đó, nhưng thật ra, nó còn mang một chiều kích vượt trội những thể hiện ấy. Thờ phượng là một lối sống. Thờ phượng không chỉ là âm nhạc, nhưng vượt trội âm nhạc. Với nhiều người, thờ phượng đồng nghĩa với âm nhạc. Họ nói, “Tại nhà thờ chúng tôi, trước hết là thờ phượng, sau đó là giảng dạy”. Đó là một sai lầm lớn. Mỗi một phần của phụng vụ đều là một hành vi thờ phượng: cầu nguyện, đọc Lời Chúa, ca hát, xưng thú, im lặng, đứng yên, nghe giảng, ghi chép, dâng của lễ, rửa tội, hiệp lễ, ký một cam kết và ngay cả cúi chào nhau đều là thờ phượng.

Thực ra, thờ phượng có trước âm nhạc. Adam đã thờ phượng trong Vườn Địa Đàng, nhưng âm nhạc không được nhắc đến, mãi cho tới St 4, 21 với việc chào đời của Giuvan. Nếu thờ Thờ phượng chỉ là âm nhạc, thì tất cả những ai không biết nhạc sẽ không bao giờ biết đến thờ phượng. Thờ phượng vượt trội âm nhạc. Tệ hơn, khái niệm “thờ phượng” thường bị dùng sai khi nói đến một thể loại âm nhạc nào đó: “Trước hết, chúng tôi hát một thánh ca, sau đó là một bài ngợi khen và thờ phượng”. Hoặc là, “Tôi thích những bài tán tụng rộn rã nhưng thích nhất vẫn là những bài thờ phượng chậm rãi”. Trong cách dùng này, nếu một bài thánh ca hát nhanh, ồn ào hoặc sử dụng dàn kèn đồng, thì nó được xem là loại “ngợi ca”. Nhưng nếu nó chậm rãi và trầm lắng, có thể có đàn guitar đệm theo, thì đó là loại thờ phượng. Đây
là sai lầm phổ biến trong việc dùng từ “thờ phượng”.

Thờ phượng không liên quan gì đến thể loại, âm lượng, nhịp điệu của một bài hát. Thiên Chúa yêu thích tất cả mọi loại hình âm nhạc, vì Người phát minh tất cả chúng – nhanh, chậm, mạnh, nhẹ, cũ, mới. Có thể bạn chẳng tha thiết gì với những thứ đó, nhưng Thiên Chúa thì có! Nếu nó được dâng lên Người trong tinh thần và chân lý, thì đó là một hành vi thờ phượng.
Các tín hữu thường không đồng ý với nhau về các loại hình âm nhạc dùng trong thờ phượng, họ say sưa bảo vệ loại hình mình yêu thích và coi đó là đúng Kinh Thánh nhất, Chúa thích nhất. Nhưng làm gì có loại nhạc kiểu Kinh Thánh! Trong Kinh Thánh đâu có nốt nhạc nào? Ngay cả những nhạc cụ cũng không thấy trong thời Kinh Thánh.

Thẳng thắn mà nói, loại hình âm nhạc bạn yêu thích nói nhiều về chính bạn – bối cảnh, con người của bạn – hơn là nói về Thiên Chúa. Âm nhạc của dân tộc này chỉ có thể là tiếng động ồn ào đối với dân tộc kia. Nhưng Thiên Chúa lại thích sự đa dạng phong phú đó và Người thưởng thức tất cả. Không bao giờ có cái gọi là âm nhạc “Kitô giáo”; chỉ có những lời ca Kitô giáo. Chính lời ca mới làm cho bài hát nên thiêng thánh chứ không phải là giai điệu. Không có những giai điệu thánh. Nếu tôi đánh một bản nhạc không lời, không tài nào bạn biết liệu nó có phải là một bài hát “Kitô giáo” không.

Thờ phượng không chỉ nhằm lợi ích của bạn.
Nếu bạn đã từng nói, “Tôi không nhận được gì từ buổi thờ phượng hôm nay”, bạn đã thờ phượng vì một lý do sai lầm. Thờ phượng không dành cho bạn nhưng dành cho Thiên Chúa. Dĩ nhiên, những cử hành mang tính thờ phượng nhất cũng bao hàm những yếu tố của tình thân hữu, học hỏi, giảng giải Tin Mừng, và ở đó còn có những lợi ích khác, nhưng chúng ta không chỉ thờ phượng để tâm hồn được vui thỏa. Động lực chính của chúng ta là tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Trong Isaia 29, Thiên Chúa phàn nàn về việc thờ phượng hai lòng và giả hình. Dân Chúa dâng lên Người những kinh nguyện cũ rích, những lời ngợi khen không thật lòng, những lời lẽ trống rỗng và những nghi thức tế tự nhân tạo mà không nghĩ đến ngay cả ý nghĩa của nó. Thiên Chúa không động lòng bởi những truyền thống máy móc trong thờ phượng, nhưng sẽ động lòng bởi tình mến nồng nàn và đầy cam kết. Kinh Thánh nói, “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29, 13).

Thờ phượng không phải là một phần cuộc sống; đó là cả cuộc sống của bạn. Thờ phượng không chỉ là những gì diễn ra ở nhà thờ. Chúng ta nghe nói để “thờ phượng Người liên lỉ” và để “ngợi khen Người từ bình minh tới lúc hoàng hôn”. Trong Kinh Thánh, dân Chúa ngợi khen Người lúc làm việc, khi ở nhà, trong trận mạc, trong nhà tù và cả trên giường ngủ! Ngợi khen phải là công việc đầu tiên khi bạn vừa chớp mắt thức dậy mỗi sáng và cũng là việc cuối cùng khi bạn khép mắt lúc đêm về. Vua Đavít nói, “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34, 2). Mỗi một công việc đều có thể biến thành một hành vi thờ phượng khi bạn thực hiện nó vì lời ngợi khen, vinh quang và đẹp lòng Chúa. Kinh Thánh nói, “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31). Martin Luther nói, “Người vắt sữa có thể vắt sữa bò cho
vinh quang Chúa”.

Bằng cách nào có thể làm mọi việc cho vinh quang Chúa? Hãy làm mọi việc như thể bạn đang làm nó thay cho Đức Giêsu qua việc nói chuyện liên lỉ với Ngài trong khi bạn làm công việc đó. Thánh Phaolô nói, “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23). Đây là bí quyết của một đời sống thờ phượng – làm mọi việc như đang làm cho Đức Giêsu. Chú giải thư Rôma 12, 1, có đoạn viết, “Hãy lấy mỗi ngày, cuộc sống thường nhật của bạn – ngủ nghỉ, ăn uống, trên đường đi làm việc, và lúc bách bộ – để đặt nó trước nhan Thiên Chúa như một của lễ”. Công việc trở nên thờ phượng khi bạn dâng nó cho Thiên Chúa và thực hiện nó với ý thức Người đang hiện diện.

Lần đầu tiên khi phải lòng nhà tôi, tôi nghĩ đến nàng liên lỉ: khi điểm tâm, khi lái xe đến trường, khi ngồi học, khi sắp hàng trong siêu thị, khi đổ xăng – tôi không ngừng nghĩ đến người phụ nữ này! Tôi thường nói với mình về nàng và nghĩ đến mọi điều khiến tôi yêu nàng. Điều này giúp tôi cảm thấy gần gũi Kay mặc dầu chúng tôi ở cách nhau hàng trăm dặm và học ở những đại học khác nhau. Bằng việc nghĩ đến nàng mãi như thế, tôi ở lại trong tình yêu nàng. Thờ phượng đích thực cũng vậy – phải lòng và yêu mến Đức Giêsu.

Một điểm để suy tư: Tôi được tạo dựng để chia sẻ niềm vui với Thiên Chúa.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Chúa mến chuộng dân Người” (Tv 149, 4a).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Công việc nào khiến tôi có thể bắt đầu làm như thể đang làm cho Đức Giêsu?