Động Lực Của Bạn Là Gì?

0
1129

Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian khi con trai của tôi còn nhỏ, và gặp rắc rối. Tôi thậm chí không thể nhớ được cậu bé đã làm gì. Những gì mà tôi có thể nhớ được, là cậu bé hỏi tôi rằng, “Mẹ trừng phạt con vì con đã làm sai hay là vì con khiến cho mẹ thấy xấu hổ?” Cậu bé là một đứa trẻ có tính cách khá mạnh mẽ và hay chống đối. Nhưng câu hỏi đó đã khiến tôi suy nghĩ về động cơ thúc đẩy của tôi.

Theo trang web dictionary.com, từ “động lực(motive)” được định nghĩa là “những gì khiến một người hành động theo một cách nhất định hoặc thực hiện những hành vi có mục đích.” Chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm về động lực/động cơ thúc đẩy này mỗi ngày. Điều thúc đẩy chúng ta đi làm mỗi ngày chính là vì tổ ấm, ngôi nhà và thức ăn cho chính chúng ta. Động lực thúc đẩy chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ trong sự kỉ luật chính là để tạo nên những người trưởng thành đáng tôn trọng. Động lực khiến chúng ta vào đại học cao đẳng là để học hỏi những kĩ năng hoặc cách giao thương để chúng ta có thể tìm việc kiếm tiền và sống tự lập. Những động lực ấy có thể là những điều gì đó tiêu cực. Nếu động lực của chúng ta là để trả thù một ai đó xúc phạm chúng ta tại nơi làm việc, thì có thể là chúng ta sẽ lan truyền những tin đồn không đúng sự thật về người đó. Kinh Thánh đã có rất nhiều câu chuyện về động lực.

Trong Sách Xuất Hành 2, chúng ta đã đọc về sự ra đời của Mô-sê. Mô-sê được sinh ra sau khi vua Pha-ra-ô ban hành một sắc lệnh rằng “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin; mọi con gái thì để cho sống”. Khi Mô-sê được sinh ra, mẹ ông đã giấu ông suốt ba tháng trời nên ông không bị vứt xuống sông Nin. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nin. Và rồi công chúa của Pha-ra-ô đã tìm thấy ông và gửi nó cho một bà vú nuôi người Híp-ri để nuôi dưỡng ông. Người phụ nữ Híp-ri ấy chính là mẹ ruột của Mô-sê. Khi Mô-sê lớn lên, ông được gửi về với công chúa Pha-ra-ô để được dạy dỗ nuôi nấng. Nếu chúng ta suy ngẫm về mẹ của Mô-sê, chúng ta biết rằng nàng ta được thúc đẩy làm như thế để bảo vệ con trai nàng. Nàng ta đã liều mạng để bảo vệ mạng sống của Mô-sê.

Trong 1 Sa-mu-en 17, chúng ta đã đọc về câu chuyện của Đa-vít và Go-li-át. Đa-vít được cha bảo ra chiến trận để mang thức ăn cho các anh trai của cậu. Khi cậu ở đó, thì hằng ngày Go-li-át lại ra trước chiến trận và chế nhạo đội quân Ít-ra-en. Đa-vít hỏi về Go-li-át và muốn nhận lời thách thức để hạ Go-li-át. Vua Sa-un lấy y phục của mình mặc cho Ða-vít, đội mũ chiến bằng đồng lên đầu và mặc áo giáp cho cậu, nhưng Đa-vít cảm thấy không quen và bỏ những thứ đó ra. Cậu cầm gậy trong tay, chọn lấy năm hòn đá cuội dưới suối, bỏ vào túi chăn chiên, vào bị của cậu, rồi tay cầm dây phóng đá, cậu tiến về phía Go-li-át. Go-li-át coi thường Đa-vít. Đa-vít tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa, rồi cậu thọc tay vào bị, rút từ đó ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán Go-li-át, hòn đá cắm sâu vào trán, khiến Go-li-át ngã sấp mặt xuống đất. Đa-vít đã được thúc đẩy để tiêu diệt tên Phi-li-tin Go-li-át bởi vì Go-li-át đã nhạo báng Đức Chúa của Ít-ra-en. Bằng cách tuyên bố sức mạnh của mình trong Chúa, cậu đã có thể thực hiện được điều đó.

Hãy dành một khoảng thời gian nhất định để suy ngẫm về những động lực thúc đẩy bạn. Bạn có đang được thúc đẩy theo đúng hướng, trên một con đường đúng? Liệu rằng có thể có những quyết định khác trong cuộc sống hoặc những khuynh hướng khác đang thúc đẩy bạn nhiều hơn? Khi bạn suy ngẫm về những điều này, xin hãy luôn ghi nhớ rằng về việc tôn vinh Thiên Chúa vì những điểm mạnh mà Ngài ban cho bạn như ông Đa-vít đã từng làm. Cầu nguyện là điều cần thiết chính yếu trên hành trình ấy.

Và dù gì thì con trai của tôi đã không bị trừng phạt vì tôi đã nhận ra rằng động lực khiến tôi quở trách cậu bé không hoàn toàn xuất phát từ việc làm sai trái của cậu ấy! 🙂

Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/blog/whats-your-motive

Người dịch: Anna NQ