Được Coi Trọng

0
1128

“Anh có nói với cô ấy là chúng tôi ở đây không? Chúng tôi đã hẹn vào lúc 11 giờ sáng nay và chúng tôi đã đợi 20 phút rồi.”

“Cô ấy đang tư vấn cho một người khác ngay lúc này. Hai vị có muốn dời cuộc hẹn sang ngày khác không?”

“Không thể nào. Chúng tôi đã lên hẹn cho việc này rồi.”

Chúng tôi đã chờ thêm 10 phút nữa và sau đó bỏ đi. Đây là một cuộc hẹn đã được lên kế hoạch cho việc mua các chuyến bay và chỗ ở cho chuyến dã ngoại mùa thu tới. Chúng tôi đã sử dụng dịch vụ du lịch của công ty này vài lần trước đây và đây là lần đầu tiên chúng tôi bị phớt lờ bởi một nhân viên đại diện. Chúng tôi vẫn muốn hoàn thành kế hoạch này nhưng chắc chắn không phải với nhân viên đại diện này. Tôi đề nghị với chồng tôi về một công ty khác. Sáng hôm sau chúng tôi dành hơn hai tiếng đồng hồ để hoàn thành kế hoạch cho chuyến đi với một nhà đại diện khác người đã dành toàn bộ sự quan tâm của anh ấy cho chúng tôi. Sau đó anh ta dành thời gian để trả lời những câu hỏi của chúng tôi và đưa ra những đề nghị để chúng tôi có những trải nghiệm tốt hơn. Rất rõ ràng là anh ấy coi trọng nghề nghiệp của anh ấy và cả chúng tôi. Và chắc chắn là chúng tôi sẽ trở lại với đại lý này cho những kì nghỉ sắp tới của chúng tôi.

Tôi không chắc điều gì đã xảy ra với nhân viên đại diện ban đầu. Sau đó cô ta có gửi tin nhắn đến chúng tôi để giải thích nhưng không có bất kì sự xin lỗi nào. Cặp đôi mà cô ấy đã làm việc đã đến trước cuộc hẹn của chúng tôi, và cô ấy cần dành thời gian cho họ. Thật vậy sao? Có lẽ họ đã đặt chuyến dã ngoại đắt hơn cùng với việc cô ấy nhận hoa hồng cao hơn chăng? Nhưng với bất kì lí do gì đi nữa thì cũng đã không còn là vấn đề đối với chúng tôi, chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyến đi của mình.

Chúng tôi từng chỉ bảo cho bọn trẻ rằng cần phải coi trọng cam kết của chúng. Thỉnh thoảng chúng sẽ nhận lời đến một sự kiện chỉ để nhằm nhận được một lời mời thứ hai cho điều gì đó mà chúng muốn. Rất tiếc, chúng cần phải học về việc tôn trọng cho lựa chọn thứ nhất của chúng. Chúng cần phải học để biết nó quan trọng như thế nào trong việc trân trọng một người bạn.

Không ai thích việc bị phớt lờ, không được coi trọng. Khi một ai đó chào hỏi tôi, tôi hi vọng rằng họ sẽ dành cho tôi mọi sự chú ý thay vì chỉ bắt tay tôi và tìm kiếm người kế tiếp trong hàng. Tôi biết đôi khi tôi thật có lỗi khi chào đón một người bạn đã lâu rồi tôi không gặp một cách vồn vã đến nổi gần như phớt lờ người bạn đời của cô ấy. Tôi ngờ rằng anh ấy sẽ cảm thấy mình giống như đồ thừa. Thường thì tôi sẽ phải tự xin lỗi người đó kèm theo một lời chào hỏi thân thiết.

“Chúng tôi tôn trọng doanh nghiệp của bạn!” “Tôi tôn trọng ý kiến của bạn!” “Khách hàng thân thiết!” Tôi thường nhìn thấy hoặc nghe thấy những câu nói này lúc này hay lúc khác. Khách hàng, nhà cung cấp, giáo dân, đồng nghiệp hay là thành viên trong gia đình dễ dàng nhận ra quan điểm của chúng tôi về họ, sự tôn trọng và suy nghĩ của chúng tôi dành cho họ, tầm quan trọng cũng như là sự biết ơn dành cho họ. Tất cả những ngôn từ và hành động được thể hiện ra đều là những cảm xúc chân thành của chúng tôi bất kể giá trị của chúng nhiều như thế nào.

Đôi lúc một doanh nghiệp hay một mối quan hệ chỉ dựa trên một điểm mấu chốt. Bạn mang lại bao nhiêu vật chất cho tôi? Bạn có thể làm gì cho tôi để giúp tôi đạt được mục tiêu? Một cá nhân hay tổ chức nào có cùng quan điểm này thì họ chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân họ. Họ không nhận ra được tầm quan trọng của việc tôn trọng sự chân thành của người khác. Họ luôn đưa ra quan điểm hẹp hòi của họ về giá trị của người khác.

Một tổ chức hướng đến sự phục vụ biết cách làm thế nào để thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với mọi người, đối với những người mà chúng ta cùng làm việc và những người sử dụng dịch vụ và sản phẩm của chúng ta. Nhưng hãy nhìn thẳng vào với việc này, đây thực sự không phải là một điều dễ dàng và tự nhiên có được. Điều này thực sự là một mục tiêu khó nhằn. Điều mà cần chúng ta liên tục thực hành.

Thậm chí chúng ta cũng không biết được việc tôn trọng phẩm giá của con người sẽ như thế nào nếu không có hình mẫu là Chúa Giêsu. Ngài thể hiện cho tất cả mọi người rằng họ quan trọng đối với Ngài như thế nào: tất cả đàn ông, đàn bà và cả trẻ nhỏ; những người thu thuế hay quân lính; những người có tội hay những công dân đáng kính; người giàu hay người nghèo. Ngài nhìn thấy phẩm giá của họ ẩn dưới tình trạng xã hội của họ. Ngài biết ơn tất cả những ai phục vụ Ngài, và Ngài phục vụ cho tất cả những ai muốn trở thành một người có phẩm giá.

Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là tạo vật giá trị nhất trong công trình sáng tạo của Ngài. “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mát-thêu 6:26). Ngài quan tâm đến ích lợi của chúng ta trên thế gian này, nhu cầu và cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Nhưng sự quan tâm của Ngài dành cho chúng ta còn nhiều hơn là cuộc sống này. Và chúng ta tìm kiếm tình yêu của Chúa Cha khi chúng ta nhìn vào những người khác và nhận ra phẩm giá của họ. Chúng ta cần ánh mắt cảm thông và ánh mắt tình yêu như ánh mắt của Ngài đối với chúng ta.

Sau tất cả, Thiên Chúa yêu thương thế gian này, yêu thương tất cả chúng ta. Ngài coi trọng giá trị thế gian rất nhiều… Ngài coi trọng tất cả chúng ta… vì thế mà Ngài đã ban con một Ngài cho chúng ta. Không ai là không có phẩm giá. Và xin cảm tạ lòng nhân từ của Ngài vì Ngài không bao giờ bỏ rơi hay từ chối bất kỳ ai trong chúng ta.

Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/blog/being-valued

Người dịch: Maria Như Quỳnh