Làm thế nào vượt qua được những cuộc trò chuyện khó khăn với một nhà lãnh đạo
Câu hỏi từ Giô-suê (Joshua):
Tôi cảm thấy rất khó khăn để đối mặt với các quyết định của đội ngũ quản lý của mình khi những quyết định đó không như những gì mà tôi đã được đào tạo. Điều đó khiến tôi phải đương đầu với những sự tức giận và lo lắng của những quyết định này và tôi cảm thấy mình không có ảnh hưởng tích cực đến các đồng nghiệp. Tôi phải chiến đấu với vấn đề này trong suốt thời gian nó tồn tại trong tâm trí tôi và nó thực sự đã trở thành một gánh nặng cho tôi. Nhưng tại sao tôi lại cảm thấy như vậy? Chúa đã tạo ra tôi theo cách này hay có khi nào chính tôi đã quên đi bức tranh viễn cảnh rồi không? Xin hãy giúp đỡ tôi.
Giô-suê đã nêu lên một vấn đề mô tả một sự việc rất thường hay xảy ra tại nơi làm việc.
Câu hỏi đề cập đến cảm giác thất vọng, lo lắng và thậm chí tức giận về các quyết định của các nhà lãnh đạo hoặc một nhóm các nhà lãnh đạo. Đôi khi nguyên nhân chính là do nhà lãnh đạo. Đôi khi đó là do chính bản thân chúng ta. Đôi khi điều đó xuất phát từ cả hai phía.
Trước khi xem xét những phương cách giúp chúng ta có thể không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong một môi trường làm việc không được như ý muốn, thì chúng ta hãy giải quyết vấn đề này. Tất cả chúng ta đều là những tạo vật dễ bị cám dỗ và chúng ta đang làm việc cho những tạo vật dễ bị cám dỗ.
Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có một nhân viên nào hoàn hảo. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có một ông chủ hoàn hảo hay một nhà lãnh đạo hoàn hảo.
Vì vậy, chúng ta sẽ làm gì khi những người chúng ta làm việc cùng, đặc biệt là những nhà quản lý và nhà lãnh đạo của chúng ta, mắc sai lầm, làm chúng ta thất vọng, hoặc thậm chí là thẳng thừng đưa ra những quyết định gây bất lợi cho nhân viên và toàn bộ tổ chức?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa Đa-vít và vua Sa-un và một vài nhân vật khác trong Kinh Thánh. Khi chúng ta khám phá ra, rằng mình không nên ngừng những nỗ lực hết sức mình; mà thay vào đó, chúng ta nên điều chỉnh những ước muốn của mình. Lời Chúa đã chỉ ra rất rõ ràng rằng khi mọi người thất bại hay khiến chúng ta thất vọng — và họ sẽ cũng như vậy — thì sự tập trung của chúng ta là nên hướng đến Đấng mà chúng ta thực sự cần khiến cho Ngài hài lòng, Chúa Giê-su chứ không phải ai khác hay sự việc khác.
Góc nhìn/Quan điểm: Nguyên nhân không phải do bạn
Khi phục vụ Vua Sa-un, Đa-vít đã làm một công việc đáng được ghi công, tuy nhiên, bất chấp sự phục vụ trung thành của ông, chúng ta lại đọc thấy vua Sa-un với những hành động:
- Giương mắt ghen tị với David
- Sợ Đa-vít vì Chúa ở cùng Đa-vít
- Khi thấy Đa-vít thành công, vua Sa-un sợ anh ta
Và vì vậy, Sa-un nung nấu ý định giết chết Đa-vít – nhưng lí do không phải bởi vì Đa-vít đã làm điều gì sai trái mà là vì Đa-vít đã thực hiện mọi sự đúng đắn!
Vì sự tức giận và ghen tị của Sa-un, Đa-vít đã phải bỏ trốn và sống như một kẻ bị truy đuổi trong gần 15 năm. Trong thời gian sống nơi đồng vắng, Đa-vít đã có những cơ hội duy nhất để ghi điểm, như dạy cho Sa-un một bài học và thực sự giết được vị vua ghen tị. Nhưng vì Đa-vít đã quyết định khán giả và người có thẩm quyền tối cao với mình là ai, nên anh ta từ chối giơ tay chống lại nhà vua.
Mẹo: Nguyên nhân không phải do bạn. Hành vi bên ngoài của Sa-un phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của ông với cái tôi, sự tư kiêu và nỗi sợ hãi. Khi các nhà lãnh đạo hiểu lầm bạn hoặc đưa ra những quyết định có vẻ bất lợi cho bạn và cho những người khác, đừng trả đũa. Tức giận vì sự bất công là không sai, nhưng trong cơn tức giận, bạn đừng để bản thân phạm tội (Ê-phê-xô 4:26), và đừng để sự cay đắng bén rễ trong lòng. Thay vào đó, hãy suy ngẫm về những câu sau trong Rô-ma 12: 19-21.
Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại,
kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống;
làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó.
Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.
Sai Lầm hay Sự Khác Biệt?
Bởi vì tất cả chúng ta là duy nhất, và do các đặc điểm về tính cách khác nhau của chúng ta, chúng ta sẽ cư xử, đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề, tiếp cận xung đột, v.v. theo những cách khác nhau.
Việc hiểu rõ tính cách của nhau cũng như điểm mạnh và điểm yếu rất tự nhiên của nhau không chỉ giúp làm sáng tỏ lý do tại sao các nhà lãnh đạo của chúng ta hành xử theo những cách khác biệt hoặc đưa ra những quyết định nhất định nào đó, mà còn giúp chúng ta thấu hiểu và mở rộng mối tương quan với anh em.
Tạp chí Harvard Business Review đã xuất bản một nghiên cứu, được thực hiện trên 58 nhóm và hơn 300 nhà lãnh đạo, để đo lường mức độ nhận thức chính xác về bản thân có liên quan đến năng suất của cả nhóm. Những gì các nhà nghiên cứu tìm thấy đã thực sự nói lên rằng:
“Đầu tiên, khi các cá nhân khả năng tự nhận thức (self-awareness) thấp (tức là tồn tại một khoảng cách lớn giữa sự đánh giá về đóng góp hành vi của chính họ và đánh giá của các thành viên trong nhóm của họ), thì các đội ngũ về cơ bản đã bị ảnh hưởng. Trên thực tế, những đội ngũ nào có những cá nhân có khả năng tự nhận thức thấp sẽ thường có những quyết định tồi tệ, khả năng phối hợp kém hơn và khả năng quản lý xung đột cũng thấp hơn. Những phát hiện này được duy trì ngay cả khi chúng tôi kiểm soát mức độ làm việc nhóm nói chung của các đội ngũ.
“Thứ hai, tình huống tai hại nhất xảy ra khi các đội ngũ bao gồm những người xếp hạng vượt trội đáng kể (tức là những cá nhân cho rằng họ đóng góp nhiều hơn là suy nghĩ của các thành viên khác trong đội). Chỉ cần bị vây quanh bởi những đồng đội có khả năng tự nhận thức thấp (hoặc một loạt những người tự đánh giá bản thân quá cao) đã cắt giảm một nửa cơ hội thành công của cả team”.
Có vẻ như nhận thức về bản thân chính xác có thể có tác động tích cực đến các đội ngũ của chúng ta, nhận thức về bản thân không chính xác hoặc thấp có thể có tác động rất lớn trong những lĩnh vực tương tự.
Mẹo: Trước khi trở nên khó chịu với quyết định của nhà lãnh đạo, hãy tự hỏi bản thân rằng: Quyết định này có sai không? Hay nó chỉ đơn giản là khác với những gì tôi đã từng làm, nhưng mục đích của nhà lãnh đạo có chính xác và có tốt không? Hãy lùi lại một bước và suy ngẫm thêm về sự tự nhận thức và nhận thức về người lãnh đạo của chúng ta có thể bảo vệ chúng ta khỏi phản ứng thái quá và sự đánh giá sai tình hình. Một cách để nâng cao nhận thức về bản thân trong nhóm của bạn là sử dụng các công cụ như Đánh giá tính cách DISC theo Kinh Thánh hoặc Cổ Điển với huấn luyện viên hoặc nhà tư vấn.
Trách Nhiệm Của Tôi Là Gì?
Sau khi kiểm tra ý định của chính bản thân chúng ta, hãy đảm bảo rằng phán đoán của chúng ta không bị bao bọc bởi sự cay cú hoặc động cơ phục vụ bản thân, bây giờ chúng ta có thể, với một sự tự nhận thức rõ ràng, hãy xác định xem chúng ta có nên tiếp cận nhà lãnh đạo về quyết định của họ hay không.
-
- Hãy dâng lời cầu nguyện trước hết. Hãy cầu xin sự hướng dẫn của Thiên Chúa và dâng hiến chính Con Tim của bạn cũng như Con Tim của nhà lãnh đạo của bạn (Mát-thêu 7: 3-5).
- Đừng tấn công người đó. Hãy trò chuyện thẳng thắn về vấn đề và trình bày về cách mà vấn đề nó tác động đến bạn, đồng nghiệp và tổ chức.
- Hãy dịu dàng. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ” Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.” Châm ngôn 15: 1
- Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nếu như thông điệp của bạn bị từ chối. Như chúng ta đã thấy nhiều lần trong Kinh Thánh, các nhà lãnh đạo thường từ chối những người nói lẽ thật. Bạn có còn nhớ Giê-rê-mi-a (chương 37-38) không?
Xuyên suốt khoảng thời gian cố gắng vì dân Chúa, Giê-rê-mi đã được Thiên Chúa yêu cầu chuyển thông điệp sau đây cho Vua Xít-ki-gia-hu và triều đình của ông: Vua Ba-by-lon sẽ đến đánh chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt bớ dân Chúa. Đừng có nghe lời của những nhà tiên tri cho rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu con có nghe tiếng Ta, nếu con bình lặng đi vào nơi bị giam cầm, thì con sẽ sống. Ai quyết định ở lại thành phố và chiến đấu sẽ bị chết bởi gươm giáo, bởi nạn đói hay dịch bệnh.
Các quan chức trong triều đình của Xít-ki-gia-hu khẳng định rằng thông điệp của Giê-rê-mi-a đã làm nản lòng những người lính đang cố gắng bảo vệ Giê-ru-sa-lem. Họ nói rằng Giê-rê-mi-a không thực sự tìm kiếm điều tốt đẹp cho con người mà là hủy hoại họ và ông đáng bị xử tử. Trong trường hợp này, lời nói của số đông đã phải trả giá bằng nhiều mạng sống quý giá. Chỉ đơn giản là để cung cấp sự thật của từ Thiên Chúa, mà anh ta suýt bị giết.
Hãy lưu ý rằng, ưu tiên tối cao chính là phải vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần chứ không phải để đạt được một kết quả nhất định nào đó với nhà lãnh đạo.
Mẹo: Một khi bạn gặp khó khăn trong cuộc trò chuyện, hãy phó thác kết quả trong tay Chúa. Hãy tập trung làm hết sức mình với bất kỳ nhiệm vụ nhỏ hay lớn nào mà bạn đã được giao. Sự cay đắng, lo âu và sầu não không phải là điều xuất phát từ Chúa, vì vậy hãy cảnh giác khi có bất kỳ dấu hiệu nào của những điều này đang bén rễ bên trong bạn.
Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/qa/when-leaders-disappoint-us
Người dịch: Anna Như Quỳnh