Lãnh Đạo Theo Kinh Thánh Khác Với Lãnh Đạo Theo Thế Gian Như Thế Nào?

0
1303

Hiện nay có đến hàng nghìn nguồn tài nguyên để học hỏi về sự lãnh đạo, bắt đầu từ sách, podcast, báo chí, đến sự tư vấn từ huấn luyện viên cá nhân, các hội nghị và hội thảo. Nhưng liệu tất cả việc đào tạo và giáo dục về lãnh đạo có tương đồng? Tất cả các phương pháp và hướng đào tạo có dẫn đến cùng một đích cuối cùng không?

Câu trả lời mà tôi tin, khẳng định là không, bởi vì họ không có cùng một mục đích cuối cùng trong tâm trí.

Có thể nhận ra sự khác biệt cơ bản giữa cách lãnh đạo theo Kinh Thánh và cách tiếp cận lãnh đạo thông thường bằng cách xem xét ba khía cạnh chính sau đây.

Trọng Tâm

Sự lãnh đạo không tồn tại ngoài người lãnh đạo. Lãnh đạo theo Kinh Thánh, là cách lãnh đạo tập trung vào Chúa Giê-su và xem Ngài là hình mẫu lãnh đạo vĩ đại nhất, thừa nhận sự thật rằng trừ khi con người được thay đổi từ bên trong, ngoài ra không có thay đổi chiến thuật bên ngoài nào có thể tạo ra sự khác biệt lâu dài.

Lãnh đạo theo Kinh thánh trước hết bắt đầu từ Con Tim của người lãnh đạo. Tại sao?

Bởi vì bất kì vấn đề quan trọng nào, dù ở nhà hay ở nơi làm việc, đều có thể bắt nguồn từ những vấn đề trong Con Tim của nhà lãnh đạo: tính cách yếu đuối, sợ hãi, kiêu ngạo, không phân biệt được đúng sai hoặc đặt sai vị trí ưu tiên. Con Tim của một nhà lãnh đạo cần phải được biến đổi trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào cho cá nhân hay tổ chức một cách lâu dài.

Cách lãnh đạo thông thường có xu hướng gạt bỏ hoặc đánh giá thấp sự cần thiết của việc thay đổi từ bên trong, và thay vào đó, nó tạo ra các chương trình và giải pháp thay đổi các hành vi bên ngoài.

Mục Đích (Tại Sao? Why)

Mục đích không phải là những gì chúng ta làm, cũng không phải là cách thức chúng ta thực thi. Mục đích là “Tại Sao” ẩn phía sau của những gì mà chúng ta thực hiện. Mục đích là điều để phân biệt sự lãnh đạo theo Kinh Thánh với sự lãnh đạo thông thường khác.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, có ít hơn 20% các nhà lãnh đạo có ý thức sâu sắc về mục đích bên trong của họ. Thống kê đáng kinh ngạc này phản ánh xu hướng của các nguồn lãnh đạo truyền thống là tập trung vào “Điều Gì” (What) và “Như Thế Nào” (How) mà bỏ qua “Tại Sao” (Why). Vì thế, khi mà cả thế giới cố gắng điều chỉnh các phương pháp và thủ thuật như là bước đi đầu tiên, thì sự lãnh đạo theo Kinh Thánh tập trung chính là việc trả lời “Tại Sao” (Why).

Hình mẫu lãnh đạo vĩ đại nhất mọi thời đại, Chúa Giê-su, dạy chúng ta nhiều điều về tầm quan trọng của mục đích. Trong Thư Gửi Các Tín Hữu Do Thái 12: 2, chúng ta được dạy rằng Ngài “… Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Chúa Giê-su khước từ sự nổi tiếng, giàu sang và sự tán thưởng của thế gian, vì Ngài biết mục đích của Ngài – là niềm vui được hòa giải chúng ta với Chúa Cha.

Mọi việc Ngài làm trong khoảng thời gian sứ mệnh của Ngài ở thế gian đều tập trung vào một mục đích duy nhất này. Và Ngài đã không bao giờ chệch hướng khỏi điều đó.

Xác định mục đích của một nhà lãnh đạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi hỏi sự tìm kiếm trong linh hồn, hiểu các giá trị sống cốt lõi của một người và khát khao về một đích đến không chỉ đơn thuần là lợi nhuận hay thành công của một cá nhân.

Vậy thì “Tại Sao” (Why) của bạn là gì? Tại Sao bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng? Tại sao bạn lãnh đạo và tạo ảnh hưởng đến người khác?

Những câu hỏi này đáng để dành thời gian khám phá. Một khi chúng ta hiểu điều “Tại sao” (Why) của mình, thì chúng ta sẽ thực thi hiệu quả hơn nhiều với ‘Điều Gì’ (What) và “Như Thế Nào” (How).

Cùng Đích

Mọi người đều hướng tới một điều gì đó. Luôn có một mục tiêu cuối cùng, hay một kết quả mong muốn, một mục tiêu dài hạn trong tâm trí.

Sự lãnh đạo theo Kinh Thánh nhằm mục đích cuối cùng là đưa người khác vào mối quan hệ mật thiết hơn với Chúa Giê-su. Không sử dụng con người làm phương tiện để đạt được những mục đích nhất định nào đó. Lãnh đạo theo Kinh thánh được xây dựng dựa trên tình yêu thương, ân sủng, sự tha thứ và đặt người khác lên trước bản thân mình.

Vì con người là đối tượng cho tình yêu của Thiên Chúa, nên sự lãnh đạo theo Kinh thánh cũng nhìn nhận tất cả mọi người như thế.

Sự lãnh đạo theo Kinh thánh xác tín rằng Thiên Chúa là khán giả duy nhất và có quyền lực tối thượng đối với mọi sự. Và thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo là những người quản gia (quản lý) được Chúa giao phó những trách nhiệm nhất định.

Sự lãnh đạo theo Kinh thánh nhìn nhận việc phục vụ người khác là hình thức lãnh đạo cao nhất, như được thể hiện trong những lời này của Chúa Giê-su được Mát-Thêu ghi lại:

“Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.””(Mát-thêu 20: 24-28).

Vì vậy, hãy để tôi thử thách bạn. Khi bạn tìm cách phát triển các kỹ năng và vai trò lãnh đạo (tất cả chúng ta đều muốn làm thế), đừng để bị các “chuyên gia” trên thế giới thu hút và các nguồn lực hứa hẹn sự thay đổi và thành công ngoài mô hình Kinh thánh mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta. Chỉ có cách của Ngài mới mang lại sự thay đổi đích thực và kết quả lâu dài.

Có ít hơn 20% các nhà lãnh đạo có ý thức mạnh mẽ về mục đích bên trong của họ. Trừ khi chúng ta thay đổi từ bên trong, không có bất kì sự thay đổi bên ngoài nào sẽ tạo ra sự khác biệt lâu dài.

Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/qa/how-different-biblical-leadership-worldly-leadership
Người dịch: Minh Hệ