Cuộc đời đầy sóng gió. Trước đây chúng ta đã thảo luận về các hoàn cảnh giải thích về sóng gió cuộc đời. Chúng có thể được gói gọn trong ba nhóm: Do Thánh Ý của Chúa, do hành vi của người khác hoặc hành động và quyết định của chúng ta (tháng 8 năm 2021). Chúng ta đang sống trong đại dịch và có nhiều tranh luận về việc sử dụng vắc-xin, cháy rừng hoành hành ở miền Tây Hoa Kỳ trong khi hạn hán cực đoan vẫn đang diễn ra, các đợt nắng nóng lịch sử lan rộng khắp thế giới và biến đổi khí hậu cũng cho thấy sức mạnh của nó đối với nhân loại.
Trong một cơn giông bão thật khó để chúng ta trụ vững trong đức tin của mình, chúng ta rất dễ bị lung lay. Chúng ta có xu hướng tập trung vào cảm giác khó chịu, những đau đớn và nỗi buồn đâu đó chúng ta đang cảm nhận, và thường chúng ta không nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm”. Giông bão không ngừng tới trong đời chúng ta và thường chúng ta không dễ nhận ra lối thoát. Chúng ta có thể quên rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, rằng ngày mai mặt trời sẽ lại mọc lên, và rằng khi chúng ta nhìn lên bầu trời vào ban đêm, mặt trăng và các vì sao vẫy chào chúng ta. Cơn bão có thể có sức tàn phá, có thể vùi dập chúng ta, và đôi khi còn để lại những vết thương lòng cho chúng ta; nhưng qua giông bão, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh, và quan trọng hơn là niềm tin, để kiên vững.
Khi đang giữa bão tố, đôi khi chúng ta quên rằng thời khắc sóng gió chính là cơ hội tuyệt vời để “tạ ơn”. Khi mọi thứ đang diễn ra theo ý chúng ta thì có vẻ chúng ta dễ dàng tạ ơn hơn nhiều; nhưng Thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca 5:18, nhắc nhở chúng ta:
“Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.”
Nhưng khi giông bão đến thật khó để tỏ lòng biết ơn; nhất là khi giông bão đó xảy đến với riêng cá nhân chúng ta. Tại sao chúng ta cần tạ ơn khi những điều tồi tệ xảy ra; đặc biệt là những gì đau khổ tột cùng, chẳng hạn như cái chết của con của chúng ta? Thành thật mà nói, tôi không biết phải nói thế nào nhưng một ví dụ điển hình được Kevin Michael McKeehan chia sẻ như sau:
“Không cha mẹ nào phải chôn cất con mình.” Bạn đã nghe điều này bao nhiêu lần rồi? Giống như nhiều người trong chúng ta.
Kevin Michael McKeehan đã nghe câu này hàng trăm lần. Vào ngày 23 tháng 10 năm 2019, ông rơi vào hoàn cảnh này khi con trai ông, Truett Foster McKeehan, qua đời vì sử dụng ma túy quá liều ở tuổi 21. Trong vài năm qua, mối tương quan giữa Truett và bố của anh đã trở nên căng thẳng. Khoảng cách giữa hai người đã khiến bố anh lo lắng. Ông ấy luôn nhắc nhở Truett rằng trong mọi việc trong đời rằng, anh ấy không đơn độc. Kevin đã thu âm bài hát “Vết thương lòng (Scars)” để cố gắng tiếp cận con trai mình và cũng thành công phần nào đó cho đến khi con trai ông qua đời. Tuy nhiên, trước nỗi đau buồn và thương tiếc đó, Kevin vẫn tìm ra cách để tạ ơn và nói rằng:
“Khi chúng tôi thương tiếc đứa con trai đầu lòng của mình, Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu thương của Ngài trên chúng tôi qua mọi người…những hành động và lời nói tử tế và những lời cầu nguyện và suy nghĩ và những bài hát, bài thơ và những lời dạy, những món quà và bữa ăn, thời gian, công việc chuyên biệt và những người qua lại đã giúp chúng tôi có thể vượt qua nỗi đau mất người con trai. Quí vị là ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trên chúng tôi trong những ngày đen tối nhất của mình.“
Sau cái chết của Truett, Kevin đã ghi âm bài hát “21 năm”, có lẽ là theo cảm tính, để bày tỏ cảm xúc của mình với cả Chúa và con trai mình. Nếu đến giờ bạn vẫn chưa đoán ra, thì xin chia sẻ là Kevin Michael McKeehan là người đoạt giải Grammy và nghệ sĩ Kitô hữu, TobyMac. Anh ấy nhắc nhở chúng ta “Bạn là ai không quan trọng, thế giới này sẽ để lại những vết thương lòng từ những cuộc chiến trong đời.” Quan trọng hơn, anh ấy nhắc chúng ta “hãy ngẩng cao đầu hướng đến nơi mà sự trợ giúp cho bạn từ đó mà đến”. Những điều kỳ diệu có thể xảy ra khi bạn ngẩng đầu lên. Khi bạn ngẩng đầu lên, dù bạn đối diện với bất cứ cơn bão tố nào, Thánh Vịnh 107, 28-30 nhắc nhở chúng ta về sự trung tín của Thiên Chúa:
“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA, Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.”
Biết ơn, đặc biệt là giữa lúc phong ba bão táp, không phải là điều dễ dàng, và vai trò lãnh đạo cũng không dễ dàng. Vai trò lãnh đạo đòi hỏi chúng ta phải hạ mình trước Thiên Chúa và tha nhân. Vai trò lãnh đạo đòi hỏi chúng ta đơn sơ với sự mỏng dòn của mình và sẵn lòng xin trợ giúp. Cần có tình yêu và cam kết để tỏ lòng biết ơn. Và nếu bạn nghĩ điều này khó thực hiện, thì bạn nhận định đúng đó, nhưng hãy nhớ rằng dù chúng ta bất toàn và mang đầy thương tích, luôn có một người Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con Một của Ngài đến để cứu độ chúng ta (Gioan 3:16). Bạn không muốn đón nhận tình yêu thương như thế sao? Bạn không nghĩ rằng những người bạn phục vụ và lãnh đạo cũng mong muốn đón nhận tình yêu như thế sao?
Thử thách: Truy cập YouTube và xem bài hát “Scar” “Vết sẹo”. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những vết thương lòng mà bạn đang mang trong mình, do đâu mà bạn có những vết thương lòng đó và bạn rút ra được bài học gì từ chúng. Tiếp theo, hãy xem “21 Years” “21 năm”. Bạn có thể chọn một người, hoặc những người xứng đáng nhận lời cảm ơn của bạn không? Hãy cố gắng cảm ơn họ; có thể thật khó khăn nếu bạn mang vết thương lòng do họ gây nên; nhưng bạn sẽ lớn lên từ chính việc đó, với tư cách là một nhà lãnh đạo và là một con người chân chính.
“Hành trình thăng tiến thì rất gian nan và hiếm khi dễ dàng, nhưng cuộc sống mà không thăng tiến thì chẳng phải là sống. Hãy tận hưởng cảm giác khó chịu song hành cùng với sự thăng tiến, hãy tựa vào đó và nhắc nhở bản thân rằng nếu vượt qua nỗi đau thì bạn sẽ trưởng thành hơn. Có người từng sai lầm, sảy chân và vấp ngã nhưng luôn tự vực dậy mình. Ai đó đã phải chiến đấu nhưng chính nhờ vậy đã trở nên mạnh mẽ hơn”. (Rae Harris, 2016.)