Suy Niệm 3

0
1410

Tĩnh tâm là những ngày nhìn lại linh hồn mình, xét xem tôi đang đi về đâu, ý nghĩa cuộc đời, để rồi chìm sâu hơn nữa trong đời sống tìm kiếm ơn thánh. Trong những ngày này, người tĩnh tâm thường đặt câu hỏi làm sao tôi có thể nghe tiếng Chúa nói.

Trong cuộc sống, người ta rất thường phân vân, đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của chính mình. Khi phải quyết định một vấn đề gì đó hệ trọng, họ tới nhà cầu nguyện, mong nghe được tiếng Chúa dạy. Họ cầu nguyện nhưng phân vân, rồi vẫn không biết làm sao quyết định.

Nghe là một nghệ thuật không dễ. Học một ngôn ngữ bao giờ cũng cần có thời gian. Phải nghe nhiều lần mới quen. Nghe trong định nghĩa bình thường là âm thanh vật lý vang lên, rồi truyền qua những làn sóng mà đến các thần kinh của tai. Thần kinh ghi những ký hiệu này, cất trong ngăn kéo của máy tính não bộ. Khi gặp lại âm thanh ấy thì não bộ cho nó một nhận định và một giá trị. Việc nhận định càng dễ nếu bão bộ càng quen âm thanh này. Nghĩa là âm thanh ấy được lập đi lập lại nhiều lần.

Tập nghe để phân biệt âm thanh này với âm thanh khác cũng đã khó. Nhưng nghe âm thanh là tiếng nói của lòng thì bước sang một chiều sâu hơn nữa rồi. Vì tiếng nói của lòng không là âm thanh vật lý, nó thiêng liêng, vô hình. Cũng tiếng cười, nhưng ý của nó có thể không làm vui, mà là mỉa mai, giễu cợt. Hiểu tâm hồn nhau là một tiếng nghe đòi hỏi nghệ thuật trong đó có yêu, có hy sinh, có tế nhị, có mình muốn thuộc về người đó. Vì thế mà có khi sống bên nhau chẳng hiểu ngôn ngữ của nhau.

Mẩu đối thoại giữa ba người, Đức Kitô, ông Tôma và Philipphê cho thấy sự lúng túng về loại ngôn ngữ này. Chúa nói: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” Ông Tôma thưa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường?” Đức Kitô đáp: “Thầy là đường, là sự thật, là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Ông Philipphê đáp: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Kitô đáp: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Yn 14:1-9).

Chúa nói là Chúa đi đâu thì các ông ấy biết đường rồi. Nhưng tôma lại thưa các ông ấy không biết Chúa đi đâu. Các ông muốn biết Chúa Cha, Chúa Giêsu lại bảo ở với nhau lâu vậy rồi mà chưa biết được ư. Cuộc đối thoại cứ như mỗi người nói một nẻo. Đọc lại mẩu chuyện đối thoại ấy để thấy nghe là một công trình phải luyện tập, phải có thời gian, phải quen nhau nhiều. Nghe người nói với người đã không dễ, bây giờ nghe Chúa nói là tiếng nói vô âm thanh thì làm sao nghe.

Khó, nhưng không có nghĩa là không nghe được. Tiếng nói tình yêu thường là tiếng nói bằng con tim hơn bằng ngôn ngữ. Khi hai người thương nhau, họ nói một thứ ngôn ngữ riêng, không theo định nghĩa của tự điển nữa. Họ nói bằng ánh mắt. Họ hiểu bằng tâm tư. Họ ngỏ ý bằng một chút hờn. Họ muốn người khác bắt ý bằng một chút giận. Đó cũng là một thứ ngôn ngữ không có âm thanh. Như vậy, ngôn ngữ của Chúa cũng có thể nghe, cũng có thể hiểu. Một biến cố đau khổ xảy đến có thể như cái trách của Chúa gởi cho ta một nhắc nhở. Một chút cắn rứt lương tâm có thể so sánh như một  sự dỗi hờn của hai người đang thương nhau.

Trở lại vấn đề nghe là một nghệ thuật phải luyện tập, ta thấy yếu tối quan trọng nhất là phải quen với ngôn ngữ ấy. Vì thế, cứ đợi khi có một vấn đề gì đó rồi mới hỏi Chúa thì e rằng khó hiểu được ngôn ngữ của Ngài. Dụ ngôn người chăn chiên và đàn chiên cho ta hình ảnh khá rõ về nghệ thuật nghe này. Ta có thể chia đàn chiên làm ba loại: Một loại không quen ngôn ngữ của chủ, một loại chỉ nghi ngờ tiếng nói của chủ, một loại nhận ra tiếng chủ ngay.

Không Quen Ngôn Ngữ

Tiếng gọi trong đêm là tiếng gọi gian nan. Không biết ai gọi. Không biết từ đâu đến. Một lúc nào đó bất ngời có tiếng gọi tên mình. Trong đêm tối, con chiên này bừng dậy. Kẻ cắp giấu mặt cho khỏi bị nhìn. Tên trộm nào cũng ưa bóng tối. Bầy chiên đang ngủ ngon, bỗng có tiếng gọi. Hạng chiên không quen ngôn ngữ của người chăn là loại không khi nào gần chủ, không nói chuyện với chủ. Trong đàn chiên, chúng là những con chạy ở cuối đàn. Đúng ra, nó không phải là những con chiên theo chủ mà là chỉ dựa vào đàn chiên để sống nhờ. Bởi đó, trong đêm, khi kẻ trộm giả vờ tiếng người chăn mà gọi thì chúng không thể phân biệt được.

Một người không có đời sống cầu nguyện nhiều cũng giống như vậy. Trong đêm tối của xã hội, họ không phân biệt được đâu là tiếng nói của sự thật, đâu là ngôn ngữ nguỵ biện đánh lừa lương tâm. Hạng chiên không bao giờ gàn chủ thì khi gặp thử thách trong tiếng gọi giữa đêm khuya chúng sẽ bị kẻ cắp đánh lừa. Một linh hồn thiếu đời sống nội tâm kết hiệp qua cầu nguyện, họ cũng dễ bị lừa như thế trong những phán quyết của tiếng nói lương tâm. Loại lương tâm này khi thấy một lời mời quyến rũ, say mê là hành động ngay, không phân biệt được phải trái.

Nghi Ngờ Tiếng Người Chăn

Loại thứ hai này khá hơn. Những con chiên này phân vân nhiều khi nghe tiếng gọi. Chúng sẽ suy gnhĩ chứ không vội chạy theo, nhưng rất khó mà quyết định. Loại chiên này đôi khi gần chủ nên cũng nghe tiếng chủ, nhưng vì không gần chủ nhiều, nên lúc nghe, lúc không. Có nói chuyện với chủ, nhưng ít thôi. Không quen tiếng chủ lắm nên trong đêm khuya chúng phân vân, lưỡng lự, khó phân biệt nổi. Giống người mới bắt đầu học một ngôn ngữ, hiểu lầm, hiểu không hết ý của người nói là chuyện thường. Nếu con chiên này nghe tiếng gọi trong đêm mà vẫn ở lại trong đàn cũng là cầu may, chứ không có một thái độ tri thức dứt khoát.

Người lâu lâu mới cầu nguyện, có việc mới chạy tới Chúa cũng giống như vậy. Có nghe tiếng Chúa mà không rõ lắm. Họ phân vân không biết có phải tiếng Chúa hay là mình nói mà thôi. Vì thế, những quyết định của họ rất nửa chừng. Tâm hồn họ không hẳn là muốn ở lại trong tội, nhưng cũng chẳng hân hoan lên đường. Một khi không dứt khoát thì không đủ năng lực hành động, nên đời sống thiêng liêng mệt mỏi.

Nhận Ra Tiếng Chủ

Không tên trộm nào lừa được loại chiên sau cùng này. Tiếng gọi bất chợt vang lên trong đêm. Nó giật mình dậy, nghe xong, nó nhận định rồi tiếp tục giấc ngủ bình an. Nó biết ngay tiếng giả đó là của bóng tối. Loại chiên này ngày nào cũng nói chuyện với chủ, ngày nào cũng nghe âm thanh người dẫn mình đi, nên chúng quá quen rồi. Không tiếng nói nào bắt chước tiếng chủ được. một tiếng gọi vang lên, nó phân biệt ngay đấy là tiếng chủ hay tiếng người lạ.

Ma quỷ cũng như những tên trộm chiên, chúng đợi đêm tối là lúc lương tâm phải lựa chọn những hướng đi mà đến xúi giục ta. Bóng tối có những luận cứ tinh vi, những lý do xem ra rất chính đáng. Người có đời sống kết hiệp với Chúa thì nhận ra ngay đâu là con đường phải đi. Họ có những quyết định chính xác, đúng. Bóng tối khó mà lừa được những tâm hồn này.

Để nghe tiếng Chúa, yếu tố đầu tiên phải lưu tâm là một trái tim sạch tội. Điều này ta cảm nghiệm rõ là sau mỗi lần nhận bí tích hoà giải, ta thấy tâm hồn thanh thản, vui tươi. Vì thế, nếu một tâm hồn muốn hỏi Chúa, muốn nghe tiếng Ngài, linh hồn đó cần phải thanh tẩy linh hồn, đến gặp gỡ Chúa trong bí tích hoà giải trước đã. Giữ một trái tim sạch tội, rồi sau đó mới hy vọng dễ nhận định tiếng Chúa nói qua lương tâm.

Trước một quyết định quan trong trong đời sống, như ngày truyền chức, ngày nhận một sứ vụ quan trọng, Giáo Hội khuyên những người này phải tĩnh tâm. Các tu sĩ theo luật, hàng năm phải tĩnh tâm. Tĩnh tâm là những ngày cầu nguyện đặc biệt hơn, nhiều hơn. Cứ hàng tháng, hàng năm lập đi lập lại nhiều lần tĩnh tâm như thế để tâm hồn ấy quen cách nói chuyện. Khi quen rồi, lúc phải quyết định một điều gì trong đời sống, tâm hồn này dễ vững tâm, bình an. Khi cuộc sống đi sai đường sẽ dễ nhận ra.

Tĩnh tâm là phương pháp sư phạm học nghe ngôn ngữ thiêng liêng , vì thế ai cũng cần. Nhiều người không nhận định rõ nên đến xem mình đã tĩnh tâm bao nhiêu lần để so sánh với người khác và tự do mình một thứ “tốt nghiệp” qua những lần tĩnh tâm ấy.

Có người đi tĩnh tâm để cho biết là gì rồi sau đó thôi không tĩnh tâm nữa.

Tĩnh tâm không phải là chỉ để giải quyết một vấn đề mà là hành trình tập nghe. Tiếng Chúa có sức mạnh. Chẳng ai nghe đủ và nghe hết, bởi đó, không thể có vấn đề tĩnh tâm như mộtvthứ “tốt nghiệp”, một thứ chứng chỉ là tôi đã đi tĩnh tâm rồi, tôi biết rồi, tôi không cần đi nữa.

Chúa dành một thời gian rất dài, 40 ngày trong sa mạc để cầu nguyện. Trong đời sống hoạt động, Chúa tiếp tục tìm nơi thinh lặng để cẩu nguyện. “Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện” (Mt 14:23). “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12). Chúa cũng bảo các tông đồ phải cầu nguyện. “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện, hầu đủ sức thoát khỏi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36)

 Nghe là một nghệ thuật không thể qua một buổi sớm, đến một buổi chiều mà quen. Vấn nạn con không cầu nguyện, chỉ khi cần đến Chúa, con mới đên hỏi Chúa đôi câu. Không quen ngôn ngữ của Chúa nên con cho rằng Chúa không nói.

Lạy Chúa, vấn đề là con phải học nghe, chứ không phải là Chúa có nói hay không? 

Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J