Một trong những chương trình mà tôi yêu thích xem với con tôi là The Muppet Show. Các vở kịch khôi hài vui nhộn dành cho cả trẻ em và người lớn. Nhân vật người gác cổng, người dường như có câu trả lời rõ ràng nhưng sâu sắc nhất. Trong một vở kịch, anh ta được hỏi, “Beauregard, tại sao bạn lại đứng ở đó?” Anh bình tĩnh trả lời: “Đây là nơi chân tôi dừng lại.”
Tôi vẫn cười với câu trả lời đơn giản này. Vậy mà đã bao lần tôi thấy mình đứng giữa phòng rồi tự hỏi tại sao và không có câu trả lời nào khác ngoài “Đây là nơi chân tôi dừng lại!”
Đây là nơi chân tôi dừng lại.
Chúa Giêsu của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không nên chỉ dậm chân tại chỗ. Trong dụ ngôn của Ngài về những người làm công trong vườn nho, người chủ gặp một nhóm công nhân vào buổi chiều muộn: “Sao anh em đứng đây cả ngày mà chẳng làm gì?” (Mat-thêu 20, 6). Vẫn còn nhiều việc để làm!
Sau đó, sau khi Chúa Giê-su thăng thiên và có một đám mây che khuất, thiên sứ đã phán bảo với các tông đồ rằng: “Tại sao các ngươi lại đứng đây mà nhìn lên trời?” (Công vụ 1, 11). Các tông đồ vẫn phải sẵn sàng đón nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần, và Chúa Giê-su đã giao cho họ sứ mạng trở thành nhân chứng của Ngài, vì vậy tốt hơn hết họ nên làm điều gì đó thay vì đứng đó và chờ đợi Ngài trở lại.
Đôi khi với tư cách là những nhà lãnh đạo, chúng ta bị choáng ngợp với những kỳ vọng đi kèm với công việc mà chúng ta được giao. Lần đầu tiên chúng ta làm bố làm mẹ. Chúng ta làm giáo viên của một lớp mới với những học sinh đang gặp khó khăn trong học tập. Chúng ta đã nhận một công việc mới với những trách nhiệm mới trong một công ty hoặc giáo xứ mới. Chúng ta được thăng cấp và giờ đây các nhân viên đang trông đợi đường hướng từ chúng ta. Chúng ta biết chúng ta không thể dậm chân tại chỗ. Cần phải thực thi công việc. Tốt hơn chúng ta nên bắt tay làm việc ngay và bận rộn với công việc! Nhưng những nghi ngờ cứ len lỏi vào trong tâm trí chúng ta. Chúng ta nghi ngờ về khả năng của mình và vào chính mình.
Điều này khiến tôi nhớ lại những gì Katharine Graham đã nói khi cô ấy mới đảm nhận vai trò lãnh đạo tờ Bưu điện Washington, một vị trí mà cô ấy chưa thật sự được đào tạo để đảm nhận: “Tôi phải nhận ra rằng tôi chỉ có thể làm công việc này với cách thức mà tôi có thể làm được. Tôi không thể cố gắng trở thành một người khác.”
Chắc chắn, chúng ta muốn đặt dấu ấn cá nhân của chúng ta trên cương vị lãnh đạo của mình. Chúng ta không thể trở thành điều gì đó mà không phải là chính mình. Nhưng đồng thời với tư cách là một Kitô hữu, chúng ta phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta cần hỏi, “Thiên Chúa muốn tôi làm gì và Ngài muốn tôi làm điều đó như thế nào?”
Chúa Giêsu muốn chúng ta sống theo đức tin Kitô giáo của chúng ta trong bất cứ mọi việc chúng ta làm. Chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta không dậm chân tại chỗ, nhưng còn phải chú ý đến cách mình đang bước đi… rằng chúng ta đang bước đi xứng đáng với với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em (Ê-phê-xô 4, 1).
Để bắt đầu, Chúa Giê-su muốn chúng ta chú ý đến thái độ lãnh đạo của mình. Chúng tôi có thể có tất cả các loại chức danh, bằng cấp và đào tạo. Nhưng những điều đó không đảm bảo lãnh đạo thành công, đặc biệt nếu chúng ta muốn noi gương Chúa Giê-su của chúng ta. Tông đồ Phaolô nói: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ê-phê-xô 4, 2). Đó là một điều tuyệt vời để bắt đầu!
Nhưng sau đó chúng ta hỏi, “Chúa Giê-su muốn tôi làm gì? Thật ra, Ngài đã chuẩn bị công trình tốt đẹp cho chúng ta (Ê-phê-xô 2, 10). Vì vậy, hãy xem xét nơi bạn đang hiện diện. Đôi chân của bạn đã dừng lại ở đâu trong cuộc đời? Hãy nhìn xung quanh và lắng nghe, giữ cho đôi mắt và đôi tai của bạn luôn cởi mở để có cơ hội chia sẻ tình yêu và ân sủng của Chúa Giê-su. Bạn không cần phải rao giảng phúc âm. Bạn không cần phải trích dẫn những câu Kinh thánh thuộc lòng. Lời nói và hành động của bạn phải là tất cả những gì bạn cần phải làm để rao giảng phúc âm.
Đồng thời, chúng ta cần nỗ lực trau dồi phẩm chất lãnh đạo của mình. Thánh Phê-rô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần có đức tin, lòng tốt, sự hiểu biết, tự chủ, kiên trì và hơn hết là tình yêu thương (2 Pherô 1, 5-7). Nếu chúng ta không có những phẩm chất này, Ngài nói rằng chúng ta bị cận thị, mù lòa và sẽ lạc lối. Nếu mặc cảm về tội lỗi và sự thất bại của chúng ta ngăn cản chúng ta tiến về phía trước, nếu chúng ta chỉ dậm chân tại chỗ, thì chúng ta đang quên rằng Giêsu Chúa chúng ta đã tha hết mọi tội lỗi cho chúng ta rồi (2 Pherô 1, 9). Chúng ta không thể trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả nếu chúng ta cảm thấy đánh mất bản thân.
Có một câu chuyện có thật rất tuyệt vời về một cậu bé bị lạc trong một giải đấu golf chuyên nghiệp. Một trong những vận động viên golf chuyên nghiệp nhận thấy cậu đang đứng đó trong sự sợ hãi và hỏi xem cậu có ổn không.
“Cháu không tìm thấy bố và mẹ mình!”
“Không sao, Cháu cứ đi với chú và chú chắc chắn là họ sẽ tìm thấy cháu” là câu nói đáp lời… từ Arnold Palmer.
Đôi khi con cái , nhân viên, học sinh của chúng ta, các thành viên của tổ chức hoặc nhà thờ của chúng ta dường như bị mất phương hướng. Khi có sự tự tin trong Chúa Giêsu về khả năng lãnh đạo, chúng ta có thể khuyến khích họ yêu cầu sự giúp đỡ và hướng dẫn. Khuyến khích họ bằng cách nói rằng bạn sẽ hiện diện bên họ. Nói với họ rằng bạn sẽ đồng hành với họ.
Chúng ta có thể đảm bảo điều đó nếu chúng ta cũng đang lắng nghe tiếng nói yêu thương và quan tâm của Giêsu, Chúa chúng ta. Bởi vì Ngài luôn ở đó với chúng ta:
“Con có ổn không? Tại sao con lại đứng ở đó? ”
Và khi chúng ta không thể tìm thấy con đường của mình và nghĩ rằng mình đang bị lạc lối, Ngài nói, “Đừng lo lắng. Con cứ bước đi cùng Ta”
Bởi vì khi bước đi với Chúa Giêsu, chúng ta không còn lạc lối nữa. Chúng ta chỉ đang chìm đắm trong tình yêu của Ngài.