Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 và mang dây Pallium cho ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh

0
1776

Ngay từ sáng sớm, khi hừng đông chưa xuất hiện, con cái Mẹ đã được mời gọi xếp hàng theo thứ tự đoàn rước để chuẩn bị cung nghinh Đức Mẹ La Vang. Kiệu Đức Mẹ được khởi đi từ Linh Đài và di chuyển đến Lễ Đài, do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự.

Một loạt trống kèn vang lên rầm rộ, đánh thức những ai còn ngủ mê, chỗi dậy để cùng hướng về Linh Đài cung nghinh Đức Mẹ La Vang.

Vì số lượng khách hành hương quá đông, nên mọi người chỉ có thể ở tại chỗ mình, hiệp lòng với đoàn rước cung nghinh Đức Mẹ La Vang.

Đức Tổng Giám Mục Giuse dâng hương trước kiệu Đức Mẹ La Vang. Đoàn kiệu vừa đi vừa ca hát, lần hạt, suy niệm, tôn vinh Mẹ.

Khi đoàn kiệu Đức Mẹ La Vang về đến Lễ Đài, các Đức Giám Mục, Linh mục đồng tế về chỗ của mình. Bàn kiệu Đức Mẹ La Vang được đặt bên trái Lễ Đài, hướng về cộng đoàn phụng vụ. Ca đoàn cất lên bài ca nhập lễ “Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên không trung…”.

Linh mục hướng dẫn phụng vụ công bố cho mọi người hiểu ý nghĩa của dây Pallium mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trao vào ngày 29.6.2017 vừa qua tại Vatican.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn, một ở phía trước ngực, và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị Tổng Giám Mục đứng đầu Giáo Tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô. Trước đây, các vị tân Tổng Giám Mục chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ Đức Thánh Cha trong Thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, dây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

Nhưng từ đầu năm 2015 trở đi, do quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo Hội địa phương của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là cho các Giám Mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối giây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa Đức Thánh Cha và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao dây này thể hiện thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương.

Theo quyết định mới, dây Pallium vẫn được Đức Thánh Cha làm phép trong ngày 29-6 tại Đền thờ Thánh Phêrô, trong Thánh lễ đồng tế với các vị tân Tổng Giám Mục chính tòa, như thói quen từ trước đến nay, nhưng Đức Thánh Cha chỉ trao dây này cho các vị theo thể thức riêng và đơn sơ. Sau đó, tại giáo phận thuộc quyền, lễ nghi trao dây Pallium sẽ được tổ chức trong một lễ nghi trọng thể, trong đó vị Đại diện Tòa Thánh, được Đức Thánh Cha ủy quyền, trao cho vị tân Tân Giám Mục chính tòa trước sự hiện diện của các Giám mục trong cùng giáo tỉnh và các tín hữu.

Vì vậy, trong Thánh lễ trọng thể hôm nay, trước sự hiện diện đông đảo của quý Giám Mục, Linh Mục và cộng đoàn dân Chúa, Đức TGM Giuse trình dây Pallium mà ngài nhận từ Đức Thánh Cha Phanxicô cho Đức TGM Leopoldo Girelli, vị Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam.

Sau dấu Thánh giá và lời chào chúc bình an, Đức TGM Leopoldo Girelli mang dây Pallium cho Đức TGM Giuse. Ngài nói: Anh chị em thân mến, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô tôi trao cho Đức TGM Giuse của anh chị em dây Pallium như là một biểu tượng của sự hiệp nhất và dây Pallium còn có một ý nghĩa khác nữa đó là việc chăm sóc. Đức TGM Giuse của anh chị em sẽ chăm sóc không chỉ trong Tổng Giáo phận, mà còn cả Giáo Tỉnh nữa.

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh hiền đệ kính yêu, hãy nhận lấy dây Pallium đã được làm phép do tay Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày 29/6/2017 vừa qua, lễ các thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Để làm vinh danh Thiên Chúa toàn năng, để ca ngợi Đức Trinh Nữ Maria và các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, nhân danh Giáo Hoàng Rôma, Đức Phanxicô và Hội Thánh Công giáo Rôma, để tôn vinh ngai tòa Huế được giao phó cho hiền đệ như là dấu chỉ năng quyền Trưởng Giáo Tỉnh, tôi trao cho hiền đệ dây Pallium này, nhận từ tòa đức tin Thánh Phêrô, để hiền đệ dùng trong phạm vi Tổng Giáo phận của hiền đệ. Ước gì dây Pallium này là dấu chỉ của sự hiệp nhất với Tòa Thánh, là mối dây bác ái, là sự cổ võ lòng can đảm mạnh mẽ. Nhờ đó, vào ngày quang lâm và tỏ mình của Thiên Chúa toàn năng và của Đức Kitô, mục tử của các mục tử, hiền đệ và các tín hữu được giao phó cho hiền đệ có thể lãnh nhận dây áo trường sinh và vinh quang, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Cộng đoàn phụng vụ vỗ tay, xen lẫn tiếng kèn trống vang lừng, hân hoan chúc mừng.

Đức TGM Giuse nói lên tâm tình tri ân đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức TGM Leopoldo Girelli, vị đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô tại Việt Nam và mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện. Đức Tổng cũng chia sẻ rằng Thánh lễ hôm nay là cao điểm của Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 và cũng là Thánh lễ Bế mạc Đại hội. Đồng thời, Ngài cũng trân trọng giới thiệu quý Hồng Y và quý Giám mục về tham dự Đại Hội hôm nay gồm có:

Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức TGM Leopoldo Girelli – Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô tại Việt Nam, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng Giám Mục Sài Gòn – Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Nguyên Tổng Giám Mục Huế, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng – Giám mục Phát Diệm – Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Mỹ Tho – Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ – Nguyên Giám mục Phú Cường, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ Tá Hưng Hóa – Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi – Giám mục Qui Nhơn – Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh – Giám Mục Phụ Tá Hà Nội, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Nguyên Giám mục Phát Diệm, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Giám mục Bùi Chu – Ủy Ban Bác ái Xã hội, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương – Giám mục Đà Lạt – Ủy Ban Giáo sĩ Chủng sinh, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Giám mục Kontum, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục Bắc Ninh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Vinh – Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Phú Cường – Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạng – Giám mục Phó Đà Lạt, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Lạng Sơn – Cao Bằng – Ủy ban Mục vụ Gia đình, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ – Giám mục Thái Bình – Ủy ban Tu sĩ, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Đà Nẵng – Ủy ban Văn hóa.

Sau khi đã giới thiệu các Đức Giám mục hiện diện, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn sốt sắng bước vào Thánh lễ trọng thể kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, bế mạc Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31, bằng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã đưa Mẹ về trời cả hồn lẫn xác. Xin Mẹ cho chúng ta cũng biết sống siêu thoát và tinh sạch như Mẹ, để một ngày kia, chúng ta được gặp Mẹ trên quê trời hạnh phúc. Qua Thánh lễ này, chúng ta cũng hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một kỳ đại hội thật tốt đẹp. Xin Ngài trả công bội hậu cho tất cả những ai bằng cách này cách khác, đã giúp đỡ để chúng ta thực hiện và thành công trong đại hội này. Sau Thánh lễ, chúng ta sẽ chia tay nhau, mỗi người hãy xin Mẹ phù hộ để khi trở về được luôn bình an, bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình và bình an trên đường trở về.

Sau bài Tin mừng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ Lời Chúa với mọi thành phần dân Chúa tham dự.

Sống tinh thần sứ điệp Fatima, là chủ đề của Đại hội hành hương năm nay. Trong hai ngày qua, các bài giảng trong Thánh lễ cũng như diễn nguyện, đều tập trung vào chủ đề này. Và để tiếp tục khơi dậy tinh thần này của sứ điệp, Đức Cha Phêrô mời cộng đoàn nhìn lại sự kiện Fatima và sự kiện La Vang. Đặt những sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử cụ thể và dưới ánh sáng của lời Chúa, để chúng ta khám phá Fatima và La Vang gần gũi với nhau đến thế nào.

Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima năm 1917, nhưng ít ai quan tâm bối cảnh của nước Bồ Đào Nha lúc bấy giờ, và rất may trong giờ diễn nguyện tối hôm qua, chúng ta được nhắc nhớ về bối cảnh đó. Theo lịch sử kể lại thì năm 1910, một cuộc cách mạng lớn nổ ra ở Bồ Đào Nha, và chính quyền cách mạng lúc đó phần lớn là những người thuộc Hội Tam điểm, cho nên họ cùng ghét đạo Công giáo. Vì thế, khi họ nắm chính quyền thì lập tức ban hành rất nhiều những điều lệ khắt khe đối với đạo Công giáo. Nhiều tu viện bị đóng cửa, nhiều tu sĩ bị trục xuất, cấm đạo Công giáo cử hành phụng vụ nơi công cộng, kể cả cấm kéo chuông Nhà thờ. Chính trong bối cảnh đó, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Giáo Hội Việt Nam chúng ta hơn 200 năm trước, cũng ở trong một hoàn cảnh khó khăn như thế. Dưới thời Vua Cảnh Thịnh mà anh chị em được nghe lặp đi lặp lại nhiều lần, sắc chỉ cấm đạo được ban hành, nhiều giáo dân ở Quảng trị, để giữ đạo đã phải chạy vào vùng rừng thiêng nước độc La Vang, và chính ở đây, Đức Mẹ hiện ra nâng đỡ, an ủi con cái Mẹ.

Đặt những sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử để chúng ta khám phá ra thân phận của Giáo Hội là một thân phận bị bắt bớ và bách hại. Điều đó không phải là cái gì quá mới mẻ, nhưng đã được báo trước trong Kinh thánh.

Bài đọc I hôm nay trích sách Khải Huyền trình bày thị kiến về một người phụ nữ đang kêu la đau đớn chuẩn bị sinh con, và một con mãng xà rất lớn chực sẵn để nuốt lấy đứa con mà người phụ nữ sinh ra.

Trước khi là hình ảnh về Đức Mẹ, thì đây đã là hình ảnh về Giáo Hội. Một Giáo Hội mang Chúa Giêsu trong lòng và đang cố gắng đem Chúa Giêsu đến cho thế giới. Giáo Hội đó bị ma quỷ chống đối quyết liệt. Nếu Giáo Hội thỏa hiệp với thế gian thì thế gian sẽ để cho Giáo Hội yên. Nhưng nếu Giáo Hội thực sự tha thiết với sứ mạng đem Chúa Giêsu đến cho thế giới, thì chắc chắn Giáo Hội sẽ gặp sự chống đối quyết liệt từ ma quỷ.

Ngày hôm nay cũng vậy, kể cả trong những đất nước được gọi là tự do, Giáo Hội vẫn bị tấn công bằng những đòn hiểm độc hơn vua chúa ở Việt Nam ngày xưa. Chúng ta đừng quên điều Đức Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ chúng ta: Giáo Hội ngày hôm nay chịu đau khổ, không chỉ từ bên ngoài, mà còn từ bên trong. Giáo Hội chịu đau khổ từ chính tội lỗi của con cái mình, mà không chỉ từ anh chị em giáo dân, mà còn từ hàng giáo sĩ. Chính vì thế mà sứ điệp sám hối Fatima vẫn còn rất sống động và hiện thực cho chúng ta, từng người và tất cả cho đến hôm nay.

Đức Cha Phêrô cũng nói thêm rằng Giáo Hội đang bước đi giữa thử thách, nhưng luôn nhận được sự nâng đỡ, an ủi của Chúa và Mẹ. Sứ điệp Fatima và La Vang là một sứ điệp hy vọng. Trong cuộc sống của chúng ta, cũng có nhiều thử thách làm chúng ta thất vọng, nhưng đừng để chúng nhận chìm mình, và hãy ngước mắt nhìn lên Đức Maria, như là ngôi sao hy vọng, để không ngừng bước tới trong đời sống đức tin của mình. Cùng nhau xây dựng một Giáo Hội nghèo, theo gương Mẹ, từng bước đem Chúa đến cho mọi người. Kết thúc, Đức Cha giảng lễ mời gọi mọi người cùng hát lên với Ngài bài ca Magnificat để cùng tạ ơn Chúa.

Tiếp tục Thánh lễ, cộng đoàn sốt sắng tuyên xưng đức tin. Đức TGM Giuse mời gọi mỗi người dâng đời mình với những lắng lo, băn khoăn ưu tư, những ước mơ, khát vọng, cho cuộc sống bản thân, gia đình, Giáo xứ, Giáo phận, Giáo Hội và toàn thế giới lên Chúa cùng những lời cầu xin tha thiết. Cầu cho tất cả mọi Kitô hữu niềm tin và sức mạnh vượt thắng mọi thử thách gian nan để đem Chúa đến cho mọi người; Cầu cho các quốc gia dân tộc trên thế giới biết hướng mọi sự lên Chúa và tôn vinh Chúa; Cầu cho những người đang đau khổ trong tinh thần và thể xác luôn được tình yêu Chúa và Mẹ đỡ nâng; Cầu cho cộng đoàn hành hương về La Vang trong dịp đại hội biết chiêm ngưỡng những hồng ân Chúa ban cho Mẹ, để sống và được hồng phúc như Mẹ.

Sau lời nguyện Hiệp Lễ, Cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, Quản Nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, thay mặt Ban tổ chức, bày tỏ tấm lòng tri ân đến quý Đức Hồng Y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, các Dòng tu, các ban ngành phục vụ, các Giáo xứ, đặc biệt là Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam, Đội Trống Thái Bình, Đội Kèn Bùi Chu, các Công ty, cám ơn quý Ân nhân và toàn thể khách hành hương. Xin Mẹ La Vang chúc lành cho quý Đức Cha và mọi người. Chúc mọi người ra về bình an.

Sau lời cám ơn của Cha Quản Nhiệm, Đức TGM Giuse có đôi lời nhắn nhủ với cộng đoàn. Trước hết, Ngài thay mặt cộng đoàn hành hương, cám ơn Ban tổ chức, đặc biệt là cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, Quản Nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang đã tổ chức tốt đẹp dịp Đại Hội năm nay. Ngoài ra, Đại Hội thành công được cũng nhờ vào sự cộng tác của các Hội Dòng, các Giáo phận, các Ban Ngành, các Ân nhân, nhiều thành phần dân Chúa ở khắp nơi trên thế giới.

Đức Tổng cũng tin tưởng và giao phó công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang cho Đức Mẹ, để nguyện xin Mẹ tiếp tục ban ơn và gìn giữ. Nhưng cũng xin mọi người rộng lòng đóng góp để công trình sớm được hoàn thành.

Đức TGM long trọng ban phép lành kết thúc Thánh lễ. Sau đó, Ngài tuyên bố bế mạc Đại hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 và hẹn gặp lại vào những dịp sắp đến.

Đức TGM Giuse cũng cắt dây bong bóng mang phướn bay lên trời cao trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn và tiếng kèn trống hân hoan, vui vẻ lên đường ra khơi với Mẹ La Vang, để tiếp tục loan báo Tin Mừng đến cho mọi người.

Ban Truyền Thông TGP Huế

Nguồn : http://giaophandanang.org/newsdemo/thanh-le-be-mac-dai-hoi-hanh-huong-duc-me-la-vang-lan-thu-31-va-trao-day-pallium-cho-dtgm-giuse-nguyen-chi-linh.html

Đăng lại : http://www.nlyt.net/tin-tuc/bien-doi-thoi-quen/hoc-hoi-phuc-am/thanh-le-be-mac-dai-hoi-hanh-huong-duc-me-la-vang-lan-thu-31-va-mang-day-pallium-cho-dtgm-giuse-nguyen-chi-linh/