Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn (Chương 1) : Ai phù hợp để lãnh đạo?

0
1330

Chương 1: AI PHÙ HỢP ĐỂ LÃNH ĐẠO?

 Image result for leader jesus

Trước khi đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo thì người ta hay cân nhắc cẩn thận. “Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Gc 3:1). Các nhà lãnh đạo sẽ chịu những đánh giá nghiêm khắc và nghiêm trọng hơn thừa cấp của mình. Chỉ suy nghĩ đó cũng khiến chúng ta nên dừng lại ngẫm nghĩ.

Câu tiếp theo trong cùng chương Kinh Thánh đó cũng đề cập đến một lý do khác: “Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3:2). Tất cả chúng ta đều biết ai trong chúng ta cũng đều vấp ngã, chúng ta vấp ngã trong nhiều hoàn cảnh. Với thực tế đó, thường thì chúng ta ngần ngại đảm nhận việc lãnh đạo người khác.

Tuy nhiên, thật rõ ràng khi quan sát cuộc sống của các nhà lãnh đạo của Thiên Chúa thì cảm nhận không vẹn toàn không phải là một lý do chính đáng để từ chối công việc lãnh đạo. Rốt cuộc thì tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Ai trong chúng ta dám tuyên bố rằng chúng ta không vướng tội lỗi cách này hay cách khác, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau? Nếu thân phận tội nhân là một lý do chính đáng để không đứng lên đảm nhận vai trò lãnh đạo thì chẳng ai trong chúng ta can đảm lãnh đạo cả.

Hãy nhìn vào một số nhà lãnh đạo Chúa chọn trong lich sử và xem họ đã đáp trả khi Thiên Chúa mời gọi họ lãnh đạo trong một nhiệm vụ thế nào.

Ơn gọi của Môsê

Hãy nhìn vào Môsê. Ông đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô ở bên kia sa mạc thì Chúa gọi ông. Một điều rõ ràng là con người được học hành tới nơi tới chốn này, người quen thuộc với những tiện nghi và vui thú trong cung điện, lại bị cuốn hút vào một theo đuổi thấp kém nhất trong thời buổi bấy giờ, điều mà đủ mạnh để khiến ông trở nên quyết liệt. Chăn chiên là một công việc hạng thấp. Đáng ra ông ta phải buồn rầu và  cảm thấy xót sa cho thân phận mình, phải chìm vào đau khổ và sự kém may mắn đến nỗi hoàn toàn không thể nhận ra tiếng Chúa. Và kết cục là ông làm việc cho bố vợ!

Và rồi điều lạ lùng và tuyệt vời đã xảy ra. “Thiên sứ của Ðức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi” (Xh 3:2)

Điều trước hết Thiên Chúa làm là mặc khải chính Ngài cho Môsê. Môsê tin chắc là Thiên Chúa nói với ông, Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.” (Xh 3:5-6). Một điều mà bản thân bạn phải ý thức rõ là khi có ai đó đến yêu cầu bạn phục vụ bằng cách này hay cách khác thì hãy đảm bảo có Chúa trong lời yêu cầu đó đã. Đừng vội trả lời có hay không cho đến khi bạn nhận ra ý Chúa trong việc đó.

Có lúc bạn nhận ra ý Chúa ngay. Những lúc khác bạn cần phải đợi Chúa tỏ rỏ cho bạn. Nhưng có một điều chắc chắn là – Thiên Chúa sẽ tỏ cho bạn biết. Thiên Chúa Cha ở trên trời cũng sẽ tỏ cho Người Con của Ngài. Thiên Chúa sẽ chuẩn nhận ý Ngài trong mọi việc cho bạn. Ngài không muốn chúng ta sống một đời sống không định hướng.

Vì Thiên Chúa quan tâm đến những gì chúng ta làm, Ngài sẽ mặc khải ý của Ngài cho chúng ta. Ngài hứa làm như vậy. “Chúa rằng : ‘Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ’” (Tv 32:8). Trong câu Thánh Vịnh này hãy lưu ý đại từ Ta, nghĩa là Thiên Chúa, xuất hiện hai lần. Hướng dẫn là việc của Chúa. Trong Kinh Thánh thì sự đảm bảo về hướng dẫn cũng là điều cốt yếu giống như sự đảm bảo về tha thứ. Lưu ý là Thiên Chúa cũng nói, “Ta sẽ chỉ bảo. Ta sẽ dạy. Ta sẽ hướng dẫn.” Ngài sẽ chỉ dẫn đường đi cho chúng ta. Thật có phúc có được sự đảm bảo!

Một lời hứa khác được tìm thấy trong Thánh Vịnh 48:15 “chính Người là Thiên Chúa, đời đời là Thiên Chúa chúng ta, Người lãnh đạo chúng ta đến muôn thuở”. Từ ngữ trong lời hứa này thì không thể nhầm lẫn được: “Ngài lãnh đạo chúng ta”. Vì vậy bạn có thể tín thắc rằng với ý muốn và quyền năng của mình Ngài sẽ mặc khải ý của Ngài cho bạn. Cũng giống như Môsê bạn có thể chắc chắn rằng Chúa nói với bạn.

Điều tiếp theo đã xảy ra là Chúa đã mặc khải cho Môsê trọng trách ông phải gánh vác cho dân của Người. Thiên Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng” (Xh 3:7). Bạn hãy nhớ lại là Môsê đã đau buồn về nỗi thống khổ của con cái Ít-ra-en và ông ấy được khích lệ khi nhận ra rằng Thiên Chúa cũng lo âu về họ.

Và rồi Thiên Chúa đã phán một lời thật sâu sắc: “Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3:8). Bạn có tưởng tượng khi nghe như vậy Môsê đã vui sướng và hào hứng thế nào không? Một Thiên Chúa hiện hữu đích thân đưa tay ra dẫn dắt dân của mình!

Và rồi sau đó Thiên Chúa lại phán một điều khiến Môsê bối rối “Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.” (Xh 3:10). Bạn có nghe thấy câu hỏi này đến trong tâm trí Môsê không? “Nhưng lạy Chúa, con nghĩ là Ngài nói Ngài sẽ xuống và dẫn dắt họ. Vậy bây giờ tại sao có ý là chính con phải đến gặp Pharaông và chính con phải đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập? Chúa ơi, nếu Ngài nói Ngài sẽ làm việc đó vậy tại sao con cần phải làm nữa?”

Dù sao thì đó cũng chính là câu hỏi mà tất cả chúng ta phải trả lời trong tâm trí mình. Khi chúng ta thấu hiểu rằng phương cách của Thiên Chúa để hoàn tất kế hoạch và mục đích của Ngài là thông qua con người  thì chúng ta sẽ hiểu được vai trò của chúng ta trong vương quốc của Thiên Chúa.

Với Môsê thì cũng vậy. Thiên Chúa có một công việc cho ông. Tuy nhiên, Môsê không cảm thấy mình đủ khả năng cho nhiệm vụ Chúa trao. Và ông ấy đã kêu lên cùng Chúa “Con là ai?”

Thật lòng thì câu hỏi đó không khó trả lời lắm đối với Thiên Chúa. Ngài có thể trả lời một cách đơn giản thế này “Con là Môsê.” Nhưng câu hỏi đó không thích đáng để Thiên Chúa phải trả lời.

Trong khi đó có một bí mật về lãnh đạo trong các hoàn cảnh khó khăn của người Kitô hữu. Thiên Chúa phán “Ta sẽ ở với ngươi.”

Điều mà Thiên Chúa đang cố mặc khải cho Môsê là một sự thật rất quyền năng. Đại ý Ngài nói thế này “Môsê à, việc con là ai, con có cảm thấy đủ khả năng hay không, con cảm thấy mình sẵn sàng cho nhiệm vụ hay không thì không thành vấn đề. Vấn đề là Ta sẽ ở đó. Lời Ta phán cho con vẫn có hiệu lực: ‘Ta xuống giải thoát chúng.’ Ta sẽ làm điều đó, và Ta sẽ ban cho con một ân huệ là cùng lao tác với ta. Con sẽ là khí cụ của Ta để thực thi điều đó.”

Trên hết mọi sự, hãy nhớ đến sự thật này khi Thiên Chúa mời gọi bạn đảm nhận một vị trí lãnh đạo trong công việc của Ngài. Thiên Chúa không tìm kiếm những con người cảm thấy “đủ khả năng.” Thánh Phaolô nói, “Không phải vì tự cho chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa” (2 Cr 3:5).

Tôi tin chắc là sự cảm nhận về những yếu kém và sự bất xứng có thể là một vốn quý hơn là một cản trở. Thánh Phaolô đã xác tín điều đó “Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12:9-10).

Nhiều người ngạc nhiện về điều đó và nói. “Ý ông là thánh Phaolô tông đồ cảm nhận theo hướng đó?” Câu trả lời là đúng vậy, và không có nghi ngờ gì về sự vĩ đại đó.

Bài học tiếp theo chúng ta có được khi nhìn vào ơn gọi của Môsê cũng là một bài học quan trọng. Thật chính đáng khi ý thức về sự bất xứng, nhưng chúng ta không được phép dừng lại ở đó. Chúng ta cũng phải tin chắc về sự vẹn toàn của Thiên Chúa. Đó là bước tiếp theo Thiên Chúa làm việc với Môsê.

Môsê có một câu hỏi tiếp theo: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Ðấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xh 3:13).

Thiên Chúa đã trả lời rất phi thường: “Ta là Ðấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Ðấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Ðức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.” (Xh 3:14-15)

Khi còn là một kitô hữu trẻ tuổi tôi đã không hiểu câu trả lời này trong một thời gian dài. Thiên Chúa muốn nói gì khi Ngài mạc khải Ngài là “HIỆN HỮU”? Và một ngày kia tôi nhận ra. Thiên Chúa muốn nói “Bất cứ điều gì con cần thì Ta là điều đó!”

Vào thời điểm đó trong đời mình Môsê đã cần sự khích lệ và sức mạnh. Cũng có thể đó là điều bạn cần khi bạn nhận ơn gọi của Chúa để phục vụ Ngài trong một nhiệm vụ nào đó.

Quan trọng hơn nữa, thực tế là không bao giờ chúng ta không cần gì cả đã khiến cho sự thật này trở thành tâm điểm. Chúng ta cần an ủi? Ta là niềm an ủi: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”. (1 Pr 5 :7). Chúng ta cần chiến thắng những tội lỗi đang gây hại cho chúng ta? Ta là chiến thắng “Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 15 :57). Chúng ta cần tình yêu? “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4 :8). Và cứ thế mà bạn có thể liệt kê danh sách dài các nhu cầu. Thiên Chúa vẹn toàn đáp ứng tất cả những nhu cầu đó. Điều Thiên Chúa muốn nói là Ta là tất cả những gì dân ta cần.

Vì vậy thật chính đáng khi chúng ta thừa nhận sự bất toàn của mình nhưng không được dừng lại ở đó. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở sự thừa nhận đó thôi thì chúng ta gặp khó khăn. Chúng ta phải luôn nhận ra sự vẹn toàn và trọn lành của Thiên Chúa sẽ đáp ứng mọi thử thách, giúp vượt qua mọi khó khăn, và đem lại mọi chiến thắng. Cũng mất một khoảng thời gian, nhưng cuối cùng Môsê ta đã nhận ra điều đó và được Thiên Chúa dùng một cách tốt đẹp.

Nguồn:dongten.net